Nhận diện dầu ăn sạch, bẩn

(Dân trí) - Để tránh mua phải dầu ăn kém chất lượng, người tiêu có thể nhận biết thông qua phương pháp cảm quan nhận xét mùi vị, trạng thái, màu sắc…

Hiện nay trên thị trường, xuất hiện hàng trăm lít dầu ăn bẩn, dầu ăn kém chất lượng được pha bằng các chất hóa học bày bán tràn lan. Điều này khiến các bà nội trợ gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt dầu ăn thật giả.

Nguyên liệu thô để sản xuất ra dầu ăn bẩn chủ yếu là cặn dầu thải được chiên đi chiên lại nhiều lần từ các nhà hàng, quán ăn hay thịt lợn thừa trong các lò mổ và mỡ gia cầm. Sau khi thu gom chúng được tinh chế thành phẩm như dầu ăn bình thường.

Kỹ thuật sản xuất và các thiết bị tinh lọc tiên tiến khiến cho người tiêu dùng khó phân biệt được dầu nào được sản xuất an toàn và dầu nào bắt nguồn từ chất thải. Do vậy, để tránh mua phải các loại dầu ăn bẩn, người tiêu dùng cần lưu ý những đặc điểm dưới đây.

Về màu sắc: Dầu ăn thật thường có màu tươi sáng hơn. Nếu là dầu hạt cải sẽ có màu vàng thoáng chút xanh lục, dầu hạt lạc sẽ thoáng chút sắc cam hoặc vàng cam. Dầu ăn giả thường có màu sậm, không sáng mà hơi xỉn màu. Màu thông thường là vàng nâu, vàng sậm, hơi đen.


Dầu ăn thật có độ trong suốt cao

Dầu ăn thật có độ trong suốt cao

Độ trong của dầu: Dầu ăn thật có độ trong suốt cao, không có dấu hiệu đông đặc. Khi lắc can dầu, cảm giác dầu trảy trơn tru và dễ dàng hơn. Trong khi đó, dầu ăn giả khi lắc cảm giác dầu chảy sền sệt, đông đặc do lẫn tạp chất hoặc pha nước.

Độ đông đặc: Dầu ăn thật ít bị đông đặc trong nhiệt độ phòng vào mùa đông. Nếu có chỉ xuất hiện lớp đông hơi lợn cợn phía trên thành can dầu. Dầu ăn giả dễ bị đông đặc lắng cặn dưới đáy can, thậm chí đông đặc cả can.

Mùi vị: Dầu ăn thật có độ béo ngấy, thơm đặc trưng. Nếu là loại dầu ăn chiết xuất đặc biệt như dầu hạt lạc, dầu hạt cải,…sẽ thấy mùi vị riêng của từng loại. Khi nếm không có vị chua hay đắng chát. Dầu ăn giả không có vị béo ngấy và thơm như dầu ăn thật. Khi nếm thử có thể thấy các mùi vị lạ do dầu được pha tạp chất hoặc hóa chất.

Bên cạnh việc phân biệt dầu ăn thật, giả bằng cảm quan, người tiêu dùng có thể áp dụng một số mẹo sau:

- Lấy một chút nước i-ốt nhỏ vào bát dầu ăn, nếu xuất hiện màu xanh lam nổi lên chứng tỏ dầu ăn đã bị pha trộn tạp chất có chứa tinh bột.

- Đun nóng dầu ăn lên tới nhiệt độ 150 độ C rồi để nguội. Nếu dầu có lắng cặn là dầu đã bị pha tạp chất. Dầu càng nhiều lắng động, chứng tỏ càng nhiều tạp chất.


Chế biến dầu ăn từ nước thải tại một cơ sở bất hợp pháp ở Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Chế biến dầu ăn từ nước thải tại một cơ sở bất hợp pháp ở Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Những lưu ý khi sử dụng dầu ăn

Không sử dụng dầu tái chế: Việc sử dụng dầu ăn chiên lại thực phẩm nhiều lần thì có thể tạo ra các gốc tự do và là nguyên nhân gây bệnh trong thời gian dài. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, các gốc tự do có thể gây ung thư, xơ vữa động mạch, dẫn đến tăng nồng độ cholesterol xấu, phá hủy động mạch.

Thông thường, nhiệt độ tối ưu để chiên thực phẩm là 190 độ C. Ở nhiệt độ cao hơn, thức ăn sẽ bị cháy, và ở nhiệt độ thấp hơn, thức ăn sẽ hấp thu quá nhiều dầu.

Lựa chọn loại dầu phù hợp: Dầu cải, dầu ô liu, trà là được coi là những loại dầu ăn có lợi cho sức khỏe nhất. Dầu hướng dương, dầu ngô và dầu đậu nành là loại dầu giàu chất béo omega-6 nhưng rất hạn chế lượng omega-3. Nên hạn chế sử dụng dầu động vật, dầu thực vật được hydro hóa do có hàm lượng lớn chất béo bão hòa, có khả năng cản trở mạch máu lưu thông.

Không nên sử dụng dầu ăn quá nhiều trong khi chế biến thực phẩm. Lượng dầu tối đa 1 người lớn sử dụng mỗi ngày chỉ nên dao động xung quanh mức 25-30g.

Nhữ Trang