Người dân miền Tây rộn ràng đón Tết Thanh minh

(Dân trí) - Tết Thanh Minh, hay còn gọi là lễ Tảo mộ. Trước Tết Thanh minh, con cháu dù ở đâu cũng sắp xếp công việc để về quê cúng tổ tiên của mình. Trước ngày cúng, mọi người trong gia đình nhổ cỏ, đắp thêm đất hay quét vôi các ngôi mộ cho sạch, đẹp và mới hơn.

Đến ngày cúng, có thể trước hay sau ngày chính, mọi người chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như: nhang, nến, giấy tiền vàng bạc, giấy dán mã đủ màu sắc, bánh, trái cây, rượu, trà,... và đặc biệt có một thức cúng không thể thiếu là món thịt heo (lợn) quay hoặc vịt, gà quay.

Ghi nhận của PV, một số gia đình có điều kiện còn cúng nguyên một con heo quay. Các lễ vật cúng được bày biện trước ngôi mộ đã được dán giấy vàng mã có đủ màu sắc. Theo quan niệm của ông bà truyền lại, dán giấy là để lợp lại nhà cho các ngôi mộ được mới hơn với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên hay cầu nguyện người đã khuất phù hộ cho gia đình được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt,... Sau khi cúng bái, một số gia đình thường bày thức cúng ra ăn tại chỗ. Sau đó trở về nhà và năm sau lại tiếp tục nghi thức cúng Thanh minh để luôn tưởng nhớ, biết ơn công lao ông bà, tổ tiên đã khuất.

Theo các cụ cao niên, Tết Thanh minh gồm phần lễ và hội: Lễ là tảo mộ, bổn phận của con cháu là tới ngày này phải đi quét, sơn phết, dọn dẹp tu bổ mộ phần cho sạch đẹp và sau đó dâng cúng lễ vật để tỏ lòng hiếu thảo; còn hội là hội đạp thanh, tức là nhiều người cùng giẫm lên cỏ xanh, hội này có nguồn gốc từ đời Đường để chỉ những giai nhân tài tử trong ngày Thanh minh đã nô nức kéo nhau đi đầy đường và đạp bừa lên cỏ xanh lúc này mới mọc. Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng đã viết “Thanh Minh trong tiết tháng Ba. Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

Rộn ràng từ khu nghĩa trang....
Rộn ràng từ khu nghĩa trang....
...đến từng khu mộ gia đình đón Tết Thanh minh.
...đến từng khu mộ gia đình đón Tết Thanh minh.

dsc-0296-3-1459780877986

Rất nhiều đồ cúng cho người đã mất, nhưng trong đó không thể thiếu heo (lợn) quay.
Rất nhiều đồ cúng cho người đã mất, nhưng trong đó không thể thiếu heo (lợn) quay.

Sau khi cúng, các lễ vật cúng tế tổ tiên được dọn ra, mọi người quây quần ăn uống ngay trước mộ. Việc ăn uống ngay trước mộ tổ tiên cũng mang ý nghĩa đoàn kết gắn bó, cùng ăn, cùng làm, để cùng nhau xây dựng sự nghiệp mà không có lễ hội nào có được.

Những ngày này, ở Sóc Trăng luôn tấp nập người đi Tết Thanh Minh. Từng đoàn người đổ về nghĩa trang, nghĩa địa, nhị tì,…với từng dòng xe mang biển số của các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang,…nối đuôi nhau từ khắp nơi đổ về đậu thành hàng dài ở hai bên đường khiến cho không khí càng nhộn nhịp hơn, ấm cúng hơn.

Rất đông người tề tựu về khu nghĩa trang liệt sĩ để tảo mộ người thân.
Rất đông người tề tựu về khu nghĩa trang liệt sĩ để tảo mộ người thân.

Tại tỉnh Bạc Liêu, PV cũng ghi nhận, không khí Tết Thanh minh hết sức rộn ràng sôi nổi. Theo nhiều người dân, mặc dù là dịp cúng tế dành cho người đã mất nhưng không vì thế mà không khí trở nên u buồn, kém vui. Đây là dịp để con cháu tề tựu, sum vầy tưởng nhớ tổ tiên nên cũng là dịp để những người ở xa về đầy đủ nên không khí rất sôi nổi.

Người dân miền Tây rộn ràng đón Tết Thanh minh - 6
Tết Thanh minh là dịp gia đình đoàn tụ, cúng tế và tri ân tổ tiên, ông bà, những người đã khuất để cầu mong cho con cháu được sum vầy, phát đạt.
Tết Thanh minh là dịp gia đình đoàn tụ, cúng tế và tri ân tổ tiên, ông bà, những người đã khuất để cầu mong cho con cháu được sum vầy, phát đạt.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu như khu nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang từ thiện, khu mổ mả tập trung, mồ mả trong từng gia đình đều được sửa sang mới. Nhiều gia đình còn đưa cả dàn âm thanh ra khu mộ để cùng hát ca, tạo một không khí vừa rộn ràng nhưng cũng vừa ấm áp nghĩa tình.

Xuân Lương – Huỳnh Hải