Gia Lai:

Người cha họ Đinh nuôi dạy... 74 người con

(Dân trí) - “2 giờ sáng điện thoại báo, có một thai nhi bị vứt bỏ trong gốc cây. Ngay lập tức tôi đã chạy 130km đến xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang) để nhặt về mai táng. Nhưng khi tới, thấy bé trai sơ sinh chưa cắt dây rốn đang thoi thóp với những hơi thở yếu ớt. Thấy vậy, tôi đã cởi áo mình ra và mang cho cháu. Đây cũng là thành viên thứ 74 trong ngôi nhà họ Đinh”, thầy Nhật kể lại.

Chống “Yàng” nuôi 74 người con

Về tới đầu thôn 1 (xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã vang lên những tiếng ê a của em học sinh đánh vần, tiếng khóc của trẻ sơ sinh khiến chúng tôi lấy làm lạ. Hỏi ra mới biết đây là nhà thầy Đinh Minh Nhật (56 tuổi) chuyên nhận nuôi những em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khuyết tật…

Từ sau vườn, thầy Nhật (56 tuổi) vui mừng đón chúng tôi. Sau một thời gian thuyết phục, thầy cũng tâm sự về ngôi nhà họ Đinh nuôi 74 đứa con này.


Thầy Nhật vừa chăm lo ăn uống cho các em, vừa dạy các em học hành

Thầy Nhật vừa chăm lo ăn uống cho các em, vừa dạy các em học hành

Chỉ tay về cậu bé khôi ngô, thầy Nhật cho biết, đây là Đinh Hồng Phúc đứa con đầu tiên mà thầy đã “giải cứu” từ hủ tục của người đồng bào Jrai. “Lúc đó vào năm 2008, một đứa bé người Jrai đỏ hỏn mới sinh ra được 2 ngày thì mẹ mất.

Theo quan niệm người Jrai, nếu mẹ chết thì đứa bé không có sữa cũng sẽ chết nên phải chôn sống cùng mẹ nó. Khi tôi nghe tin đó, đã vội đến cầu xin dân làng đừng giết nó, nhưng dân một mực không chịu, vì sẽ trái ý của Yàng (trời). Sau đó, tôi đã chạy lên cầu cứu chính quyền xã Ia Hlốp và đưa đứa bé về nuôi, đặt tên là Đinh Hồng Phúc…”, thầy Nhật bộc bạch.

Cũng năm 2008, thầy Nhật đi vào làng thì thấy một đứa bé sinh ra mà không có hậu môn, bị cha mẹ vứt bỏ bên đống rác vệ đường. Lúc đó khắp người em bé bị ruồi đã bu kín, thấy vậy thầy đã cởi áo mình trùm cháu bé lại và đưa về nhà nuôi dưỡng.

Vì thương cháu, thầy Nhật phải gửi mấy đứa con, rồi tức tốc đưa cháu đi xuống TP HCM để phẫu thuật, tạo hậu môn giả bên hông. Gần một tháng trực ở bệnh viện để chăm cháu, thầy kiệt quệ, tiền hết thầy phải đi xin cơm, xin sữa về cho cháu ăn. Đi vệ sinh không được, thầy phải “móc” ra…

Hình ảnh đó đã làm cho bao người ở bệnh viện ứa nước mắt thán phục trước tình cảm người cha giành cho con. Giờ cháu đã 9 tuổi mang họ cha nuôi, là Đinh Thái Bảo. Tuy vậy, Bảo vẫn ngây ngô vì bệnh đao, không ý thức được việc mình làm. Mọi sinh hoạt của em đều được thầy chăm lo hết.

Đứa bé sơ sinh mới được thầy Nhật “giải cứu” khỏi vòng tay thần chết
Đứa bé sơ sinh mới được thầy Nhật “giải cứu” khỏi vòng tay thần chết

Mới đây vào tháng 6/2017, khi nghe người dân gọi lúc 2h sáng báo phát hiện một thi thể thai nhi trong hốc cây tại xã Đăk Trôi. Sau đó thầy đã vượt hơn 130km trong đêm để đến đưa thi thể cháu về chôn cất. Nhưng khi tới nơi thì thấy đứa bé trai sơ sinh đỏ hỏn, được mấy ngày tuổi, trên bụng dây dốn còn chưa cắt.

Sau đó, thầy Nhật đã bế cháu lên thì đôi chân lạnh buốt bỗng cử động, run rẩy. Biết cháu còn sống nên thầy đã cởi chiếc áo duy nhất đang mang trên người để đắp cho cháu. Sau đó chạy thẳng một mạch về nhà. Vì lo sức khỏe cháu yếu nên thầy đã đưa cháu đi khám tại BV Hoàng Anh Gia Lai. Do biết tiếng thày Nhật trước đó nên các bác sĩ đã khám miễn phí cho cháu và cho thầy số điện thoại để lúc nào có cháu nào ốm đau thì mang để các bác sĩ chăm sóc miễn phí.

Hiện nay nhà thầy Nhật có 74 người con, trong (70 em đồng bào dân tộc thiểu số; 4 em người Kinh), em nhỏ nhất 1 tháng, lớn nhất 18 tuổi. Đặc biệt, thầy đang nuôi 13 em sơ sinh (6 em thầy đi nhặt được, 7 em bị bỏ trước nhà thầy). Cũng trong 74 em có 6 em đang bị tàn tật như câm, điếc bẩm sinh, bệnh đao, thiểu năng… Đa số những em bị khuyết tật đều chung hoàn cảnh bị vứt ra ngoài đường và được thầy đã đưa về nuôi dưỡng. Còn lại là các em mồ côi, những có hoàn cảnh khó khăn và bố mẹ gửi vì không nuôi được.

74 người con với nỗi lo đến trường

Gần 9 năm nay tự tay thầy Nhật đã nuôi dưỡng và dạy dỗ 74 người con. Thầy tâm niệm: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được sống, học tập. Bản thân tôi không có gì cả, nhưng khi thấy các em bị khuyết tật, mồ côi, tôi rất xót nên đã đưa về nuôi dạy. Tuy khó khăn nhưng 74 người con đều thương yêu nhau… Đến tuổi đi học tôi vẫn cố gắng hết sức để vận động xin cho các cháu được đi học. Có cháu đã đậu đại học và đang theo tại trường ĐH Sư Phạm Huế”.


Thầy Nhật nuôi đang nuôi 74 người con

Thầy Nhật nuôi đang nuôi 74 người con

Đa số các em mồ côi hoặc nhận thực đều được thầy Nhật tạo mọi điều kiện cho đến trường. Cụ thể, hiện nay có 16 em học cấp 1, cấp 2 là 33 em và 7 em cấp 3. Trong đó, em Rah Lan H’Oanh (21 tuổi) vì bố mẹ mất từ nhỏ nên thầy Nhật đã nhận nuôi. Vượt lên hoàn cảnh, không phụ lòng người cha họ Đinh, H’Oanh đã đậu được ngành Sư phạm Mầm non (Đại học Sư Phạm Huế) và hiện tại đang theo học năm 3. Ao ước của cô giáo H’Oanh là tương lai khi ra trường được quay trở về dạy học cho những đưa em nhà họ Đinh.

Nhưng thầy Nhật cũng trăn trở: “Những đứa trẻ đã có một hoàn cảnh khó khăn rồi, nhưng lại không được đến trường thì càng thiệt thòi hơn. Nên tôi nỗi lực hết sức để tạo mọi điều kiện cho những đứa trẻ được cắp sách đến trường. Nhưng khó khăn là các cháu mồ côi, sơ sinh nên thường bị bỏ rơi không có giấy tời kèm theo. Vì vậy, rất khó để nhập học cho các cháu.

Hiện nay có 5 em đang chuẩn bị vào lớp 1 nhưng chưa có giấy tờ. Tôi đang cố gắng nhờ các ban, ngành làm giấy khai sinh để các cháu được đi học đúng thời gian nhưng đến nay chưa có hồi âm. Điều tôi mong muốn giờ là 74 người con được ăn học đến nơi”.

Ngày ngày, thầy Nhật đi thuê hái tiêu, cà phê, mùa nào việc đó, miễn sao có tiền để thêm vào mua quần áo, sách vở cho các em đi học và chi phí ăn uống. Tối đến, thầy lại “sáng đèn” để dạy những đứa con thân yêu của mình. Đứa lớn biết “cái chữ” rồi thì dạy cho đứa bé, cứ thế những đứa con của thầy Nhật đều học rất giỏi.

Ông Lê Sỹ Quý – Chủ tịch xã Ia Hlốp (Chư Sê) cho biết: “Ông Nhật đã nhận nuôi các em từ nhiều năm nay. Tuy việc nhận nuôi là tự phát nhưng để các em bơ vơ vậy cũng không đành. Hiện nay các ban, ngành đã xuống để thăm hỏi và hỗ trợ các em. Xã đang hoàn thiện các thủ tục để đề nghị các trường miễn học phí cho các em.

Còn việc ăn học, quần áo thì đều vẫn phải dựa vào sức của thầy Nhật. Được biết, để có kinh phí nuôi các em, thầy Nhật đi hái tiêu, cà phê thuê cho người ta để dành dụm đem về mua thức ăn, áo quần cho các em…”

Phạm Hoàng