Nghề mua ve chai bằng xuồng ba lá ở miền Tây

(Dân trí) - Hình ảnh những người phụ nữ nghèo dùng xuồng ba lá len lỏi trong các kênh rạch mua ve chai có lẽ chỉ có ở miền Tây. Bà con làm nghề này, ngoài nỗi vất vả chèo xuồng mỏi rã hai cánh tay thì còn hiểm nguy khác là hay bị sóng đánh chìm xuồng…

Đi sâu vào các kênh rạch ở miền Tây dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ đứng tuổi bơi xuồng ba lá mua ve chai. Sở dĩ có loại hình này một phần là vì đặc điểm địa hình những địa phương này nhiều kênh rạch, giao thông đường bộ chưa thuận lợi và một lí do khác là chiếc xuồng ba lá chở nhiều phế liệu hơn một chiếc xe đạp hoặc hai quang gánh… mà giới ve chai nghèo hay dùng làm phương tiện hành nghề.

Chiếc xuồng ba lá của bà Nguyễn Thị Hồng (khu vực Hòa Long, phường Thới Hòa, quận Ô môn, TP Cần Thơ) tại bến sông Ô Môn chở đầy phế liệu từ lái tới mũi. Bà Hồng cho xuồng cập bến và nhanh tay chuyển “chiến lợi phẩm” lên bờ để cân lại rồi đi thu mua tiếp.


Sau nửa ngày rong ruổi qua các kênh rạch.... chiếc xuồng ba lá của bà Hồng đầy ấp từ lái đến mũi

Sau nửa ngày rong ruổi qua các kênh rạch.... chiếc xuồng ba lá của bà Hồng đầy ấp từ lái đến mũi

Vừa chuyển số hàng lên, bà Hồng cho biết: Tôi làm nghề này trên 15 năm rồi và chiếc xuồng này nữa là chiếc thứ 6. Cứ sáng sớm là xuống xuồng bơi qua các kênh Rạch Nhum, Rạch Bà Sự… mua phế liệu. Khi đầy xuồng thì bơi ra sông Ô Môn, đến điểm này cân lại (một điểm thu mua phế liệu gần cầu Ô Môn-PV). Mỗi ngày bơi xuồng khoảng 15km và những ngày thường chỉ làm một chuyến là hết ngày nhưng những ngày cận tết thế này thì làm được hai chuyến, tiền lời từ 100.000 – 200.000đồng/ngày.

Bà Lê Kim Thái – khu Thới Hòa, phường Thới An cũng hành nghề mua ve chai bằng xuồng ba lá như bà Hồng cho biết thêm: Ở địa phương tôi có nhiều kênh rạch lắm, xe vào còn khó khăn nên mình dùng xuồng đi mua ve chai thuận tiện hơn. Mặt khác chiếc xuồng chở nhiều hàng hơn và cũng chẳng tốn xăng dầu gì, chỉ vun sức ra bơi thôi. Có hôm không có hàng, bơi xa… khi về tới nhà hai cánh tay rã rời mà tiền lời cả ngày có khi chỉ 30.000 – 50.000 đồng.


Làm nghề này, cánh ve chai xuồng ba lá ít tốn chi phí nhưng bà con sợ nhất là những con sóng to làm chìm xuồng...

Làm nghề này, cánh ve chai xuồng ba lá ít tốn chi phí nhưng bà con sợ nhất là những con sóng to làm chìm xuồng...

Bà Hồng chia sẻ, làm nghề này ngoài nỗi vất vả rã rời tay chân bơi xuồng thì bà con sợ nhất là bị sóng nhấn chìm xuồng, vừa mất hết hàng, vừa hiểm nguy đến tính mạng. "Như tôi đây, cách đây 3 hôm, mua được một xuồng phế liệu, khi bơi ra sông Ô Môn, còn khoảng 1km nữa là tới bến này rồi thì một chiếc tàu lớn chạy qua, sóng to làm chìm xuồng. Tôi nhanh chân bơi vào bờ, sau đó vớt được một ít đồ mũ, còn các món đồ sắt, nhôm, đồng… thì chìm xuống sông hết".


Những ngày cận tết, bà Hồng cho biết, chị em tăng ca lên hai chuyến/ngày để kiếm thêm chút lời để chuẩn bị đón Tết

Những ngày cận tết, bà Hồng cho biết, chị em "tăng ca" lên hai chuyến/ngày để kiếm thêm chút lời để chuẩn bị đón Tết

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại bến lên hàng phế liệu của “cánh ve chai xuồng ba lá” có 4 chiếc đang lên hàng. Qua hỏi thăm, bà Hồng cho biết khu vực này có trên dưới 10 hộ dùng xuồng ba lá đi mua ve chai. Theo bà Hồng, bà Thái… các hộ làm nghề này 100% là hộ nghèo, tiền vốn chỉ từ 100.000 – 200.000đồng. Bà con mua hết số vốn này phải rong ruổi qua hàng chục kênh rạch... sau đó về bến cân lại kiếm chút lời, đong gạo… nuôi 4 -5 miệng ăn.

Cân hết số phiếu liệu trên xuồng, bà Hồng, bà Thái… vội vàng rời bến. Nhìn những chiếc xuồng bé xíu, lắc lư trên sông Ô Môn mênh mông… chúng tôi thấy lo mỗi khi có con sóng to vồ đến.

Nguyễn Hành