Cà Mau, Bạc Liêu:

Mưa lớn cùng triều cường “làm khó” cuộc sống người dân

(Dân trí) - Mấy ngày qua, nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu có mưa lớn kết hợp với triều cường đã xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhiều nơi ở U Minh Hạ bị ngập úng

Ghi nhận của PV, tại Cà Mau, tình trạng ngập úng ở lâm phần rừng tràm xã Khánh An (huyện U Minh) vẫn còn diễn ra. Nhiều nhà dân bị ngập nước; nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái cũng bị chết do ngập úng kéo dài…

Theo người dân địa phương, mấy ngày qua mưa kết hợp triều cường nên lượng nước rất lớn, do thoát không kịp nên dâng lên rất nhanh. Người dân địa phương “ăn ngủ không yên” vì tình trạng ngập úng xảy ra nên đời sống sinh hoạt bị ảnh hưởng.

“Heo, gà nuôi không còn chỗ ở, rồi ruộng đồng bị ngập hết chẳng gieo cấy được gì. Tình hình này mà thời tiết mưa nắng thất thường, trong đó mưa tiếp nữa thì sẽ rất khó cho bà con”, một người dân ở xã Khánh An lo lắng.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện U Minh đã có khoảng 250 ha lúa, 140 ha dây thuốc cá, 34 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại nặng; trên các lâm phần không thể gia cố, nâng cấp bờ bao để chống ngập vì nước dâng cao;…

Mưa lớn cùng triều cường “làm khó” cuộc sống người dân - 1
Nhiều nơi ở Cà Mau ngập úng. (Ảnh: CTV)
Nhiều nơi ở Cà Mau ngập úng. (Ảnh: CTV)

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn “hỏa tốc” chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phòng, chống thiệt hại do mưa lớn kết hợp với triều cường gây ra.

Trong đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, nắm tình hình ngập úng trên địa bàn, nhất là khu vực rừng U Minh Hạ; hướng dẫn người dân bơm tát nước để bảo vệ các trà lúa và hoa màu đã xuống giống; kịp thời điều tiết đóng, mở cống tiêu thoát nước chống ngập úng, xổ phèn phục vụ sản xuất, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nhân dân và ngăn triều cường xâm nhập vùng ngọt hóa.

Yêu cầu các địa phương ven biển cần tăng cường kiểm tra các vị trí đê xung yếu, kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra để bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuyên truyền, vận động và di dời các hộ dân tại nơi có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

Nhiều tuyến đường ngập nặng

Tại Bạc Liêu, tính từ ngày 19/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện mưa lớn và triều cường dâng cao, làm cho nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập đến hơn 50 cm, làm cuộc sống người dân đảo lộn.

Tại một số tuyến đường trong nội ô TP Bạc Liêu như: Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Duyệt, Võ Thị Sáu (phường 3), Cao Văn Lầu, Ninh Bình (phường 2)… nước ngập khoảng 10-20 cm.

Người dân ở phường 3 cho biết, mỗi ngày, khu vực chợ phường 3 triều cường dâng 2 lần, nước ngập sâu làm phần lớn khu vực chợ chìm trong nước, tiểu thương và người dân phải lội nước để mua, bán hàng.

Ngoài ra, triều cường dâng cao cũng làm ngập nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 1, như đoạn qua địa bàn phường Hộ Phòng, phường 1, phường Láng Tròn (thị xã Giá Rai),… nước ngập kéo dài 200-300 m, gây khó khăn cho việc lưu thông.

Mưa và triều cường dâng cao cũng đã làm nhiều diện tích trồng rau màu bị thiệt hại hoặc ngưng sản xuất, dẫn đến nguồn rau xanh cung cấp cho các chợ giảm mạnh, nên đẩy giá các loại rau xanh ở các chợ cũng tăng theo. Một người dân ở TP Bạc Liêu cho biết, có thời điểm, giá rau tăng gấp 3 lần so với giá bình thường.

Cùng với đó, tiến độ xuống giống vụ lúa Thu đông, lúa trên đất nuôi tôm, diện tích thả giống nuôi trồng thủy sản,… trong đó có nhiều ha lúa vừa gieo cấy bị ngập úng, thiệt hại không nhỏ.

Một số tuyến đường bị ngập gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Một số tuyến đường bị ngập gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, qua 2 đợt triều cường tháng 9 và tháng 10 này, trên địa bàn có hơn 20 điểm bị tràn, ngập (từ 20-60 cm).

Những tháng cuối năm 2017, rất có khả năng triều cường sẽ tiếp tục dâng cao, dự báo mực nước đạt đỉnh trên 2 m, khả năng sẽ vượt mức báo động III và cấp độ rủi ro thiên tai cấp II.

Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện những biện pháp để phòng, chống và bảo vệ sản xuất, tài sản gia đình, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Huỳnh Hải