Món quà đặc biệt từ người phụ nữ hiến 5.000 lượng vàng

“Lần đó, chúng tôi mang ít đặc sản quê hương là gạo Hải Hậu, Nam Định lên biếu cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Cụ rất quý và mang trà sen do chính tay mình ướp để tặng lại chúng tôi. Món quà giản dị đó đã thực sự khiến chúng tôi xúc động”.

Chiều 13/11, rất nhiều con cháu, bạn bè của cụ Hoàng Thị Minh Hồ từ nhiều tỉnh thành như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Vĩnh Phúc… đã có mặt để tiễn đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ được cử hành chiều ngày 13/11.
Lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ được cử hành chiều ngày 13/11.

Có mặt từ rất sớm để viếng đám tang cụ Hoàng Minh Hồ, đoàn 17 người từ Hải Hậu, Nam Định không giấu nổi nỗi buồn khi có mặt tại nhà tang lễ.

Ông Nguyễn Hoàng Khải cùng 16 người nữa đều là bạn của ông Trịnh Lương, con trai cả cụ Minh Hồ, đã bắt xe khách từ sáng sớm để có mặt ở Hà Nội. “Sáng nay, chúng tôi đọc tin từ báo chí mới biết đám tang cụ diễn ra sớm một ngày nên vội vàng đi”.

Ông chia sẻ: “Tôi có ba lần may mắn được gặp cụ Minh Hồ. Cụ là một người nhẹ nhàng, hiền hậu hết mực. Lần đó, chúng tôi mang ít đặc sản quê hương là gạo Hải Hậu, Nam Định lên biếu cụ. Cụ rất quý và mang trà sen do chính tay mình ướp để tặng lại chúng tôi. Món quà giản dị đó đã thực sự khiến chúng tôi xúc động”.

Cháu ruột gọi cụ Hoàng Thị Minh Hồ là dì, ông Đặng Văn Việt (SN 1920) mặc dù tuổi cao đi lại khó khăn nhưng vẫn nhờ người dìu đến nhà tang lễ. Ông nói: “Dì Minh Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi”.

Đoàn người từ Thanh Hóa ra viếng cụ Hoàng Thị Minh Hồ.
Đoàn người từ Thanh Hóa ra viếng cụ Hoàng Thị Minh Hồ.

Từ Thanh Hóa, ông Trịnh Duy Dấu (74 tuổi), người trong dòng họ cụ Trịnh Văn Bô, cũng đón chuyến xe khách ra Hà Nội. Ông chia sẻ: “Tôi ra đây từ sớm về nhà người quen ở Trương Định (Hà Nội) để chờ đến giờ phút đến viếng tại lễ tang. Dù có xa xôi hay bận bịu tôi cũng phải có mặt để tiễn đưa cụ Minh Hồ, một nhân cách lớn, “một tấm lòng trong thiên hạ”.

Bà Phạm Lê Tuyết Yến (81 tuổi, Đào Tấn, Hà Nội), cháu ngoại của cụ Minh Hồ, xúc động cho biết, cụ như một người mẹ thứ hai của bà.

Ba kể: “Lúc còn bé, cụ Minh Hồ từng có ý định gọi tôi về để sống cùng một nhà tuy nhiên vì một số lý do tôi không thể đến ở được.

Dù không sống cùng một nhà, cụ Minh Hồ vẫn thường xuyên quan tâm, hỏi han và dành tình thương yêu đặc biệt cho tôi”.

Việc cụ Minh Hồ mất đối với bà Yến là đột ngột, bởi cách đó ít ngày trước khi cụ mất, bà vẫn thấy cụ minh mẫn, tỉnh táo. "Trước khi mất, cụ cầm tay tôi rất chặt, hai mắt cụ mở to nhìn tôi như muốn nói gì đó nhưng không nói được. Một lúc sau, cụ đi. Tôi bàng hoàng, đau đớn…".

Bà Trịnh Đoan Trang (ngồi giữa) chia sẻ lời dặn dò của mẹ.
Bà Trịnh Đoan Trang (ngồi giữa) chia sẻ lời dặn dò của mẹ.

Con gái cụ Minh Hồ bà Trịnh Đoan Trang (SN 1937) nghẹn ngào nói về mẹ: “Mẹ tôi ra đi thanh thản bởi bà đã sống một cuộc đời không có gì phải nuối tiếc. Bà có tấm lòng vàng. Bà làm từ thiện cho đến tận giây phút cuối cuộc đời. Mẹ tôi dặn sau khi mất đi, tiền phúng viếng sẽ dành ủng hộ đồng bào lũ lụt. Mẹ không dặn thì chúng tôi cũng sẽ làm bởi sinh thời bà luôn dặn con cháu về trách nhiệm làm ăn kinh doanh nhưng không quên làm việc thiện.

Khi bà ở 34 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) bà cũng dặn cô giúp việc không được từ chối những người vô gia cư gõ cửa. Thỉnh thoảng có người nghèo đến, mẹ tôi lại đưa tiền cho người giúp việc xuống biếu họ. Mẹ tôi dặn, với người già thì biếu họ từng này, với người còn trẻ nhưng tàn tật thì biếu họ thế kia. Mẹ chưa từng từ chối một ai gõ cửa nhà mình.

Nhiều con dâu trong gia đình cùng xác nhận, bà thường xuyên động viên các con làm việc thiện.

Ông Vương Hoa Khải (bên trái) và tấm ảnh chụp chung cùng cụ Minh Hồ.
Ông Vương Hoa Khải (bên trái) và tấm ảnh chụp chung cùng cụ Minh Hồ.

Cầm tấm ảnh chụp cùng cụ Hoàng Thị Minh Hồ trong một dịp mừng thọ, ông Vương Hoa Khải (80 tuổi, ở Trung Hoà Nhân Chính, Cầu giấy, Hà Nội), cháu ngoại cụ Minh Hồ, xúc động cho biết: “Lúc nghe tin cụ mất tôi vô cùng bàng hoàng. Tôi không nghĩ cụ ra đi đột ngột như vậy. Tôi buồn lắm, từ lúc biết tin đến giờ hôm nào tôi cũng khóc", cụ Khải rơi nước mắt.

Ông Khải cũng nghẹn ngào kể lại, cách đây ít tháng, ông và gia đình cũng đã tất bật chuẩn bị những công việc cần thiết để làm lễ mừng thọ 105 tuổi cho cụ Minh Hồ.

"Mọi công việc chuẩn bị cho lễ mừng thọ ấy chúng tôi đang chuẩn bị, vậy mà cụ không đợi được…”, ông Khải không nén được nước mắt nói.

Theo Vietnamnet