Hà Tĩnh:

Lũ rút hơn một tháng, hơn 10 nghìn hộ dân vẫn thiếu nước sạch

(Dân trí) - Dù người dân, các cơ quan chức năng tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)- địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong 2 trận lũ lớn cách đây hơn một tháng- đã có nhiều nỗ lực khắc phục các công trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường bị hư hỏng, tuy nhiên, hiện rốn lũ này vẫn còn hơn 10 nghìn hộ dân đang thiếu nước sạch sinh hoạt.

Theo thống kê của UBND huyện Hương Khê, trong 2 đợt lũ bắt đầu từ trung tuần tháng 10 vừa qua huyện miền núi này có 18/22 xã, thị trấn bị cô lập trong lũ, gây thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân khoảng 450 tỷ đồng.

Trong số các công trình dân sinh bị thiệt hại nặng nề nhất trong lũ thì hệ thống công trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường để lại nhiều lo ngại nhất, đe dọa tới sức khỏe, đời sống nhân dân. Theo thống kê của UBND huyện, toàn huyện có 10.382 giếng nước, 12.964 công trình vệ sinh bị ngập chìm trong lũ, nhiễm bẩn.

Sau lũ dù ngành y tế Hà Tĩnh, huyện Hương Khê đã cấp hóa chất xử lý và cử cán bộ xuống tận cơ sở phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, phun hóa chất phòng chống dịch. Dù đã được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo lãnh đạo địa phương, việc xử lí hiện chỉ mới là giải pháp tình thế, chất lượng nguồn nước nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo.

Hiện, hơn 10 nghìn hộ dân các xã Phương Mỹ, Hà Linh, Lộc Yên, Hương Đô, Phương Điền… vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Nước giếng của người dân xã Lộc Yên nhiễm bẩn, đục ngầu sau khi bị ngập lũ.
Nước giếng của người dân xã Lộc Yên nhiễm bẩn, đục ngầu sau khi bị ngập lũ.

Có mặt tại xã Phương Mỹ, xã ngập sâu nhất trong các đợt lũ ở huyện Hương Khê, chúng tôi không khỏi ái ngại trước tình trạng nhiều hộ dân vẫn phải sử dụng nước giếng nhiễm bẩn để sinh hoạt. Các vật dụng như xoong, bát, cốc, chén… đều bị đổi màu; khăn lau mặt, quần áo đều hoen ố vì nước bẩn. Nhiều hộ dân dù được một vài tổ chức, cá nhân hỗ trợ bình lọc nước sạch, nhưng hiệu quả thực tế chưa cao vì bình lọc quá nhỏ, chủ yếu là lọc đủ lượng nước uống, không thể tắm giặt, vệ sinh.

Ông Nguyễn Hồng Quân – Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ cho biết, hiện nay cùng với việc khôi phục sản xuất, thì điều lo lắng nhất của địa phương là tìm nguồn nước sạch cho người dân. “Chỉ trừ những hộ dân sống trên cao, còn phần lớn giếng nước của bà con nhân dân trong xã bị ngập sâu trong lũ, bùn lấp dày, ô nhiễm rất nặng. Do đó hiện người dân gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định nguồn nước sạch phục vụ ăn uống, sinh hoạt” – ông Quân nói.

Theo ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay, việc xây dựng hệ thống xử lý vệ sinh môi trường công cộng phục vụ nhân dân tại các vùng trọng điểm lũ lụt của huyện là cần thiết, cũng là điều huyện trăn trở nhất lúc này. Tuy nhiên việc triển khai còn nhiều khó khăn do nguồn ngân sách địa phương rất hạn chế.

Phương án hiện nay mà huyện đang triển khai là tiếp tục đồng hành cùng với người dân trong việc khắc phục các công trình, giếng nước bị hư hỏng, nhiễm bẩn, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi tài trợ, sớm giải quyết khó khăn về nguồn nước sạch cho người dân.

Hà Phương