Lật tẩy những thủ đoạn “nhồi” kháng sinh trái phép vào vật nuôi

(Dân trí) - Theo qui định, nguyên liệu kháng sinh khi nhập về Việt Nam chỉ được phép dùng cho sản xuất thuốc thú y tại các cơ sở đạt theo qui định về thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP). Tuy nhiên, các đơn vị nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lại tìm đủ mọi thủ đoạn để cho người dân “nhồi” trực tiếp vào vật nuôi.

Ông Phạm Tiến Dũng (bìa phải), Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi với PV Dân trí.
Ông Phạm Tiến Dũng (bìa phải), Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi với PV Dân trí.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Ông Dũng cho biết, theo qui định của Bộ NN&PTNT cũng như Cục Thú y, nguyên liệu kháng sinh nhập về Việt Nam chỉ được phép dùng cho các cơ sở sản xuất thuốc thú y. Ngoài ra, chỉ các cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt theo quy định về thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) mới được sử dụng loại kháng sinh này. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh và bán kháng sinh cho những tổ chức, cá nhân không có chức năng sản xuất thuốc thú y, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh (bán sai đối tượng).

Vẫn theo ông Dũng, các công ty được Cục Thú y cấp phép kinh doanh nguyên liệu kháng sinh, mua kháng sinh của các Công ty nhập khẩu và bán trái phép cho các đối tượng sử dụng trực tiếp, đặc biệt là bán cho nuôi trồng thủy sản. Đây cũng được đoàn thanh tra xác định là con đường đi của kháng sinh cấm Enrofloxacin trong nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, theo ông Dũng còn có hiện tượng mua nguyên liệu kháng sinh về sử dụng không đúng mục đích: Nguyên liệu kháng sinh được các công ty mua về và bổ sung vào các sản phẩm thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản (khoáng tạt, chất xử lý môi trường); các công ty chưa đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y, mua nguyên liệu kháng sinh về sản xuất trái phép thuốc thú y. Những sản phẩm thuốc thú y này là ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng và được thường được tiếp thị thẳng xuống các trang trại, dùng không liều lượng, bị làm dụng nhiều (thậm chí chỉ ghi công thức hóa học để tránh kiểm soát của cơ quan quản lý).

“Các công ty nhập khẩu kháng sinh dưới dạng thức ăn chăn nuôi và bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các nhà máy này bổ sung kháng sinh vào sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhưng không công bố thành phần, chủng loại kháng sinh. Đây là một yếu tố gây rất nhiều hệ lụy dẫn đến nhờn kháng sinh” – ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện nay các hộ nuôi trồng thủy sản mua và sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh trong chăn nuôi (đặc biệt là kháng sinh cấm Enrofloxacin). Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mua nguyên liệu kháng sinh về hòa tan trong nước để cho vật nuôi uống phòng bệnh. Hành vi sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh của người chăn nuôi diễn ra phổ biến trong nuôi trồng thủy sản; trong chăn nuôi gia súc, gia cầm có dùng nhưng ít phổ biến hơn (thường ở chăn nuôi gia cầm).

“Hiện nay tôi còn nghe thông tin là người nuôi nếu thấy sử dụng thuốc thú y 2 ngày để chữa bệnh cho tôm, cá mà không khỏi là họ tìm mua nguyên liệu kháng sinh thô trộn vào thức ăn cho cá, tôm ăn trực tiếp. Thì đúng họ làm như vậy là cá, tôm khỏi bệnh nhanh hơn, nhưng dẫn đến lượng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm cá, tôm nay rất lớn. Lượng kháng sinh tồn dư như vậy sẽ dẫn đến thực trạng nhờn kháng sinh, con người ăn phải các sản phẩm vật nuôi này cũng dẫn đến nhờn kháng sinh và có khi lại còn sinh ra các bệnh khác” – ông Dũng nói thêm.

So sánh sự khác nhau giữa nguyên liệu kháng sinh thô với thuốc thú y có hàm lượng kháng sinh, ông Dũng chia sẻ thêm: Kháng sinh nguyên liệu là chưa có tá dược phối chế để cho ra thuốc, hàm lượng kháng sinh đạt 98-99%. Khi vật nuôi ăn vào khỏi bệnh rất nhanh và bao giờ cũng quá ngưỡng điều trị. Còn dùng nguyên liệu kháng sinh này pha chế thành thuốc thú y, khi vật nuôi ăn vào sau 1 thời gian sẽ tự đào thải hết kháng sinh, không còn tồn dư trong thịt, cá nữa.

Nguyễn Dương