Quảng Nam:

Làng “triệu phú” nhờ nghề nấu đám tiệc

(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, người dân ở thôn Đông Hòa (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được khách gần xa gọi với cái tên nghe lạ tai “Làng nấu đám”.

Gọi là “Làng nấu đám” bởi ở đây có hơn 150 hộ, gia đình chuyên nhận nấu đám, tiệc cho khách trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Ban đầu, chỉ một vài người phụ nữ khéo tay nấu thường nấu dùm cho các đám tiệc trong chòm xóm. Sau này, lan dần lên đến vài chục hộ và nay đã hơn trăm hộ, cả làng cùng nấu đám.

Tiếng lành đồn xa

Tính đến nay “Làng nấu đám” đã hình thành được hơn chục năm. Tuy không phải là một loại hình làng nghề truyền thống nhưng “Làng nấu đám” đã tự tạo nên tên tuổi của mình và đưa thôn Đông Hòa “không tên, không tuổi” trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với các nhà, cơ quan... có dự định tổ chức đám tiệc.

Chị Vân đang sơ chế thực phẩm
Chị Vân đang sơ chế thực phẩm

Chị Hồng chủ dịch vụ nấu ăn Chiến cho biết: “Hồi đầu thì cũng ít người biết, mình làm ở đây xong họ về đây thấy ngon mà rẻ nên cũng liên hệ với mình đặt nấu. Đâu kêu cũng đi, từ Đông Giang, Tây Giang đến Đà Nẵng... nấu đủ thứ từ đám hỏi, cưới tới sinh nhật, tiệc tùng, ai kêu chi cũng nấu được hết”.

Làng có cả mấy trăm hộ nấu đám to nhỏ khác nhau. Nhà có điều kiện thì bao luôn cả dựng rạp, trang trí tiệc. Càng ngày, người dân ở đây càng chuyên nghiệp hóa hơn cho ngành nghề của mình. Nhiều cơ sở nấu ăn từ nhỏ lẻ ban đầu nay đã gầy dựng lên được cả một cơ ngơi phục vụ cho nghề nấu đám lên đến vài trăm triệu.

Nhờ vào tay nghề khéo léo, khả năng nấu giỏi lại biết tìm tòi, học hỏi, thức ăn được nấu từ tay các chị, các mẹ ở làng thuần nông này vừa ngon, lại vừa rẻ, tính cách thật thà, chân chất của người dân quê cũng khiến những người khách khó tính nhất cũng hài lòng.

Người đầu bếp thả hồn mình vào món ăn qua việc trang trí
Người đầu bếp thả hồn mình vào món ăn qua việc trang trí

Một suất ăn tại các cơ sở nấu đám ở Đông Hòa có nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của khách. “Muốn suất mấy cũng có. Họ kêu giá bao nhiêu thì tính nấu thôi. Suất 80 nghìn cũng có, mà ưng cao hơn cũng có. Thường là dao động trong khoảng suất từ 80 đến 140 nghìn/suất”, chị Nguyễn Thị Vân - chủ dịch vụ nấu ăn Vân, một trong những hộ đầu tiên làm nghề nấu đám ở thôn Đông Hòa, chia sẻ.

Chi Vân cũng cho hay, những ngày lễ, Thứ 7, Chủ nhật lại càng đắt khách. Lúc cao điểm, một ngày nấu cả 5, 6 đám to có, nhỏ có.

Giảm nghèo nhờ nấu đám

Chị Nguyễn Thị Vân kể: “Trung bình một ngày, làng nấu đám Đông Hòa nấu cho khoảng 4.000 thực khách. Có ngày cao điểm cả làng nấu cho hơn 9.000 thực khách”.

Từ việc ngày càng có nhiều hộ gia đình theo nghề nấu tiệc kéo theo sự phát triển kinh tế của thôn. Nhiều ngành nghề ăn theo phục vụ cho nghề nấu đám như buôn bán thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô lớn cũng dần phát triển lớn mạnh. Đơn cử kể đến trang trại nuôi gà Mỹ Duyên, từ khi có nghề nấu đám mỗi ngày trung bình bán ra 400 con gà.

Đông Hòa vốn là làng thuần nông, nghề nấu đám hình thành đã giải quyết nhiều vấn đề về lao động cho người dân lúc mùa vụ nông nhàn. Mỗi lần tham gia nấu tiệc thuê cho các dịch vụ nấu ăn, mỗi chị nhận được 250 nghìn đồng. Trung bình mỗi chị kiếm được từ 4-5 triệu đồng/tháng. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó và tỉ mỉ của người làm.

Bàn tiệc một suất ăn 80 ngàn đồng của dịch vụ nấu ăn Vân ở làng Đông Hòa
Bàn tiệc một suất ăn 80 ngàn đồng của dịch vụ nấu ăn Vân ở làng Đông Hòa

Nhờ có nghề nấu đám, nhiều phụ nữ có hoàn có khó khăn đã chăm lo được cho kinh tế cả gia đình. Chị Dung, chuyên làm công cho các dịch vụ nấu đám có hoàn cảnh khá đặc biệt: chồng bị tai nạn nằm liệt giường từ năm 2009 đến nay, nhà còn có 2 con nhỏ đang đi học nhưng nhờ có công việc này mà cũng đỡ chứ trông vô trồng lúa không biết răng mới đủ nuôi con.

Không chỉ riêng chị Dung mà nhiều phụ nữ khác ở thôn Đông Hòa như chị Nga, chị Oanh… cũng khá lên nhiều nhờ nghề nấu đám.

Giữ gìn để phát triển

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyền – Phó chủ tịch hội phụ nữ xã Điện Thọ - cho biết: “Xây dựng và phát triển thôn Đông Hòa theo hướng làng nghề mới, đồng thời tạo việc làm cho lao động nữ là mục tiêu của toàn xã. Xã cũng đã mở nhiều lớp đào tạo nấu ăn, hình thành mô hình dịch vụ…”.

Bà Tuyền cũng cho biết, bước đầu xây dựng làng nghề thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó kiểm soát, nhưng trong suốt thời gian qua chưa hề xảy ra vụ ngộ độc nào. Địa phương mong muốn sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan chuyên môn cao hơn, trước mắt xem xét mở lớp nghiệp vụ phục vụ bàn cho các chị em.

T.Đào -X.Long-C.Bính