Kỳ lạ quán bún chả 23 năm chủ và khách chỉ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ

(Dân trí) - Nằm ở một góc nhỏ trên con phố Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quán bún chả “không lời” như một nốt nhạc trầm giữa phố xá nhộn nhịp.

Đó là quán bún chả của vợ chồng chú Đinh Thế Lộc (65 tuổi) và cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung (55 tuổi). Cả hai cô chú đều là người khiếm thanh nên suốt 23 năm qua, mọi trao đổi, phục vụ trong quán giữa cô chú với thực khách đều chỉ thông qua cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ.

Không giao tiếp được bằng lời nói nhưng là người nhanh nhạy, cô Nhung rất hiểu ý khách. Khách đến quán gọi món hay tính tiền, chỉ cần chỉ tay, ra dấu là cô Nhung biết họ cần gì. Với những thực khách lần đầu đến quán, có lẽ cảm thấy hơi bỡ ngỡ nhưng với những người thường xuyên ghé quán, cách giao tiếp đặc biệt này hoàn toàn không có gì khó khăn.

Mặc dù không nói được nhưng cô Nhung phục vụ rất nhanh nhẹn và hiểu ý khách
Mặc dù không nói được nhưng cô Nhung phục vụ rất nhanh nhẹn và hiểu ý khách

Quán bún của cô chú thường mở cửa từ sáng đến 14h chiều. Tuy diện tích chỉ vẻn vẹn vài mét vuông nhưng quán được sắp xếp rất gọn gàng, sạch sẽ. Những suất bún chả thơm ngon cũng được cô chú chuẩn bị một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Bún chả của quán tuy mùi vị chưa thực sự nổi bật nhưng rất đầy đặn, giá cả vừa phải-35.000đ/suất. Cả hai vợ chồng đều không nói được, thính giác cũng kém nhưng luôn phục vụ khách rất nhanh và chu đáo. Thay bằng lời nói, họ luôn nở nụ cười rạng rỡ khiến khách đến quán thực sự cảm thấy rất hài lòng.

Chú Nguyễn Duy Đức- anh trai cô Nhung chia sẻ: “Lúc nhỏ Nhung bị ốm, thuốc điều trị không phù hợp, dẫn đến thành người khiết tật”. Còn chú Lộc do hồi nhỏ sốt cao, bị co giật nên dẫn đến câm điếc. Hai cô chú ở gần nhà nhau, quen biết và nên duyên vợ chồng.

Người dân xung quanh phố thường xuyên ghé quán ăn trưa
Người dân xung quanh phố thường xuyên ghé quán ăn trưa

Quán bún chả này cô chú được kế nghiệp từ mẹ chồng, tính đến nay đã được 23 năm. Thời gian đầu, do cả hai đều là người khuyết tật được nên việc buôn bán khá khó khăn. Dần dần người ta biết đến quán và quen thuộc hơn với cách giao tiếp đặc biệt của cô chú nên quán cũng đông khách hơn trước. Tuy nhiên cuộc sống của cô chú hiện nay vẫn còn khá chật vật.

Nhiều năm nay chú Lộc thường xuyên đau ốm, chân lại bị tật nên không làm được việc nặng, quán bún chả chính là nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình. Cô Nhung tâm sự mỗi ngày quán chỉ bán được vài trăm nghìn đồng lại thêm tiền thuốc men của chồng và con gái nên kinh tế gia đình cũng rất khó khăn.

Chú Lộc nặn và nướng chả phụ giúp vợ bán hàng mỗi ngày
Chú Lộc nặn và nướng chả phụ giúp vợ bán hàng mỗi ngày

Sức khỏe không tốt, mưu sinh vất vả nhưng bù lại, con cái chăm ngoan, học giỏi lại là niềm hạnh phúc cũng như động lực rất lớn đối với cô chú. Hiện con trai lớn của cô chú đang du học ở Tây Ban Nha còn cô con gái nhỏ cũng là học sinh giỏi nhiều năm liền. Nhìn vào thành tích của các em, không ai không khỏi ngạc nhiên và khâm phục trước nghị lực vươn lên cũng như cách nuôi dạy con cái của cô chú.

Quán bún chả của vợ chồng cô Nhung chú Lộc có lẽ chưa đạt đến độ “mỹ vị” nhưng đến đây, người ta cảm thấy ấm áp đến lạ. Ấm áp không chỉ bởi sự thân thiện, cởi mở, nụ cười trìu mến của vợ chồng cô chủ quán, sự tỉ mẩn, chu đáo của người nấu đặt vào món ăn, mà còn bởi những cử chỉ, ánh mắt… mà đôi vợ chồng khiếm thanh dành cho nhau, cùng nhau vượt lên hoàn cảnh để mưu sinh kiếm sống, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Nguyễn Thảo