Hoang mang lạc đỏ Trung Quốc phai màu như nhuộm phẩm

(Dân trí) - Thời gian gần đây, theo phản ánh của người dân, tại một số khu chợ ở Hà Nội, xuất hiện loại lạc đỏ của Trung Quốc được bày bán trà trộn với chất lượng kém hơn hẳn. Đặc biệt, khi ngâm trong nước, lạc phai màu nhanh chuyển thành trắng bệch.

Hoang mang lạc đỏ Trung Quốc phai màu như nhuộm phẩm

Lạc đỏ có hình thức giống với lạc nhân bình thường song lại được ưu ái hơn về màu sắc. Lạc có lớp vỏ đỏ và giàu giá trị dinh dưỡng, vị ăn cũng ngọt, bùi và ngậy hơn so với các loại lạc trắng thông thường.

Ở Việt Nam, lạc đỏ được trồng nhiều ở vùng Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và thường có giá thành khá cao. Thời gian gần đây, theo phản ánh của người dân, tại một số khu chợ ở Hà Nội, xuất hiện loại lạc đỏ của Trung Quốc được bày bán trà trộn với chất lượng kém hơn hẳn.

Anh Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín – Hà Nội) bức xúc kể, anh được một tiểu thương giới thiệu loại lạc đỏ Thanh Hóa và quảng cáo là hàng chính hiệu, với giá bán 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi mang về ăn, anh Minh thấy có nhiều điểm khác thường so với lạc đỏ ăn trước đó. “Lạc ăn có vị nhạt, không thơm, ngọt và bùi như những lần trước tôi mua. Đặc biệt, khi ngâm thử trong nước thì chỉ sau khoảng 15p, lạc phai hoàn toàn và vỏ ngoài có màu trắng bệch”, anh Minh nói.

Trong khi loại lạc đỏ xuất xứ từ Trung Quốc ngâm trong nước chuyển màu trắng thì loại lạc đỏ của Việt Nam vẫn giữ được màu nguyên bản. (Ảnh V.N)
Trong khi loại lạc đỏ xuất xứ từ Trung Quốc ngâm trong nước chuyển màu trắng thì loại lạc đỏ của Việt Nam vẫn giữ được màu nguyên bản. (Ảnh V.N)

Tương tự, chị Thủy (Hoàng Mai – Hà Nội) cũng cho biết, đợt tết vừa rồi chị đặt mua 2kg lạc đỏ ở một chợ đầu mối về làm kẹo. Lạc có màu đỏ đậm, hạt tròn khá bắt mắt. Khi cho vào nước lạc phai màu nhanh, nước đỏ đậm trông không giống màu lạc tự nhiên. Thậm chí, khi chị Thủy cầm lên xem thử, màu của của lạc còn bị thôi ra tay.

Đặc biệt, chị Thủy tiến hành ngâm thử loại lạc đỏ có xuất xứ ở Nam Định được mua trong một siêu thị thì lạc không có hiện tượng chuyển màu như trên. “Tôi nghi ngờ, lạc được nhuộm phẩm nên không dám ăn mà đổ đi hết. Khi ra truy vấn người bán thì người này thừa nhận, đây là loại lạc được nhập từ Trung Quốc”, chị Thủy bức xúc kể.

Lạc đỏ Trung Quốc trước và sau khi ngâm nước. (Ảnh: V.N)
Lạc đỏ Trung Quốc trước và sau khi ngâm nước. (Ảnh: V.N)

Trao đổi với Pv Dân trí, một tiểu thương tên K. ở chợ đầu mối phía Nam Hà Nội thừa nhận, hiện nay trên thị trường loại lạc đỏ Trung Quốc được bày bán khá nhiều. Nếu không tinh mắt người bán hàng rất khó có thể nhận biết đâu là hàng trong nước, đâu là hàng bị trà trộn. “Lạc Trung Quốc hạt to, đều màu, bề ngoài cũng bắt mắt hơn, khi ăn có vị nhạt, không ngọt bùi như lạc trong nước”, chị K. nói.

Người này cũng cho biết, hiện nay lạc đỏ Việt Nam được bày bán trên thị trường có giá thành dao động từ 50 – 65.000 đồng/kg tùy từng loại. Trong khi đó, lạc Trung Quốc có giá thành khá rẻ, chỉ bằng 1/2 nên nhiều tiểu thương không ngần ngại nhập về bán trà trộn kiếm lời. “Lạc đỏ Trung Quốc giá nhập chỉ bằng lạc trắng, từ 20 – 25.000 đồng/ 1kg, lời hơn nhiều so với việc nhập lạc đỏ trong nước.”, người bán hàng này thông tin.

Trong khi đó, Ts. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm cho biết, hiện nay loại lạc đỏ của Trung Quốc “tràn” sang Việt Nam khá nhiều. Vì thế, giá thành lạc trong nước cũng bị giảm mạnh. Lạc ta màu đỏ sậm trong khi lạc Trung Quốc đỏ nhưng màu nhạt hơn, chất lượng loại lạc này cũng kém hơn hẳn.

Trước thông tin nghi ngờ về việc lạc đỏ ngâm phẩm màu, Ts Vũ Thoại cho biết cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. “Thông thường lạc đỏ của Việt Nam khi ngâm trong nước cũng bị phai màu nhưng vỏ lạc bên ngoài vẫn giữ được màu đỏ nguyên bản. Việc chỉ ngâm khoảng 15 phút, lạc đã chuyển sang màu trắng bệch thì đúng là hiện tượng lạ”, Ts Vũ Thoại thông tin.

Lạc đỏ Việt Nam khi ngâm nước cũng phai màu nhưng vỏ lạc vẫn giữ được màu đỏ tươi bên ngoài. (Ảnh: Ts Vũ Thoại cung cấp)
Lạc đỏ Việt Nam khi ngâm nước cũng phai màu nhưng vỏ lạc vẫn giữ được màu đỏ tươi bên ngoài. (Ảnh: Ts Vũ Thoại cung cấp)

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, thực phẩm được nhuộm màu hóa học thường có màu sắc bắt mắt, sặc sỡ nhưng trông kém tự nhiên hơn đồ ăn dùng màu tự nhiên. Hiện nay, trên thị trường phẩm màu được chia làm hai loại. Thứ nhất là loại phẩm màu tự nhiên được phép sử dụng, lưu thông và dùng trong thực phẩm. Loại này được chiết xuất và chế biến từ nguyên liệu hữu cơ có sẵn trong tự nhiên (ví dụ màu từ nghệ, gấc, đường…). Tuy nhiên, loại này có giá thành khá cao, không bền màu.

Loại thứ hai là phẩm màu hóa học, loại này có độ bền màu cao tuy nhiên nếu dùng quá liều lượng có thể gây ngộ độc. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, ông từng ghi nhận nhiều trường hợp hạt dưa, hướng dương... được tiểu thương nhuộm phẩm màu để trông bắt mắt, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, lạc nhuộm phẩm màu thì cũng chỉ mới nghe thông tin mà chưa được kiểm chứng.

“Muốn biết thực phẩm có độc hại hay không cần phải mang đi xét nghiệm ở các cơ sở uy tín mới khẳng định được. Tuy nhiên, việc trà trộn hàng Trung Quốc, gian dối đánh lừa người tiêu dùng là hành vi đáng lên án và không thể chấp nhận được”, ông Thịnh thông tin.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng không nên mua hàng trôi nổi. Đặc biệt các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử ký các cơ sở buôn bán và sản xuất không đạt tiêu chuẩn, tránh tình trạng bán hàng kém chất lượng, không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường.

Hà Trang - Vũ Ninh