Hái lộc đầu xuân thế nào cho đúng để “rước may” về nhà?

(Dân trí) - Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục truyền thống ngày Tết. Hành động này bắt nguồn từ mong muốn có một năm mới nhiều may mắn, tốt lành. Tuy nhiên, nếu không có hiểu biết, hái lộc một cách bừa bãi thì sẽ vô tình rước họa vào nhà.

Ý nghĩa phong tục hái lộc

Theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân lại đi hái lộc đầu xuân, đến đình chùa xin lộc và cầu phúc, cầu tài. Đây là một phong tục có ý nghĩa, mang giá trị tinh thần của người Việt.

Theo các chuyên gia văn hóa, từ xa xưa, người ta chỉ hái một cành rất nhỏ trên cây sung, sanh hay cây đa – những loài vốn có sức sống mạnh mẽ, rồi đem về cắm vào bình hoa hoặc treo trước hiên nhà, ý báo đã “rước lộc” về gia đình.

Trong xã hội hiện đại, tục hái lộc đầu xuân tuy vẫn còn nhưng đã có sự thay đổi ít nhiều, thậm chí bị biến tướng một cách tùy tiện.

TS. Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận xét về thực trạng này: “Dễ thấy, phần lớn người đi hái lộc đều cố sức trèo lên cây bẻ cả cành to, chọn lộc đẹp, thậm chí mang cả công cụ trợ giúp để “chặt lộc”, “cưa lộc”. Có người cầu kỳ hơn, phải tìm đến đúng các trụ sở ngân hàng, kho bạc... để hái lộc với mong muốn có một năm “đại cát đại lợi”.

Tục hái lộc đầu xuân đang bị biến tướng. (Ảnh minh họa)
Tục hái lộc đầu xuân đang bị biến tướng. (Ảnh minh họa)

“Sai lầm của người Việt nằm chính ở chỗ này. Họ cứ nghĩ càng hái được cành to, cành đẹp thì càng có lộc nhiều, nhưng hoàn toàn không phải. Cây cối đang vào độ xanh tươi, đâm chồi nảy lộc mà bị vặt trụi, phá hỏng đến độ tàn tạ, xơ xác thì đó là tội, là sự tùy tiện chứ không phải điều tốt. Phong tục này phải gắn với một ý thức rất cao. Chúng ta có thể hái một cành nhỏ, miễn sao không hại đến sự sống của cây”, TS. Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

Trong dân gian có quan niệm cho rằng, trên cây cối – nhất là những cây lâu năm – thường có oan hồn chết trẻ, oan hồn vất vưởng, chưa siêu thoát trú ngụ. Khi hái lộc ở các cây này, nếu thấy hợp căn số thì oan hồn ấy có thể theo về và gây nhiễu nhương, tai ương đến gia đình. Cũng từ đó, người xưa vẫn hay khuyên con cháu không nên bẻ cành, chặt cây ở những nơi linh thiêng hay khu vực gần bệnh viện, nghĩa trang,…

Bàn về quan niệm này, TS. Trần Hữu Sơn chia sẻ: “Thực chất điều này chỉ xuất phát từ suy nghĩ, nhưng cũng là cách để răn dạy mọi người không nên phá hoại cây cối, môi trường. Tôi cho đó là điều đúng đắn và nên làm”.

Hái lộc sao cho đúng?

Nhiều chuyên gia văn hóa dân gian cũng khẳng định, việc hái lộc quá nhiều, vặt cả cành to um tùm mà không có sự chứng giám của thần thánh thì cũng chỉ như mang rác về nhà. Hái lộc có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Sau khi đi giao thừa, người dân có thể mua vài cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nhỏ,…

Các hàng bán mía đắt hàng từ đêm 30 đến chập tối mùng 1. (Ảnh: vietnamnet)
Các hàng bán mía đắt hàng từ đêm 30 đến chập tối mùng 1. (Ảnh: vietnamnet)

“Ở Việt Nam, có 1 bộ phận cư dân người Việt coi mía như cây vũ trụ, nối được trời đất, âm dương nên có thể chống được trời và giúp tổ tiên về dễ hơn. Đầu năm, người ta chặt đầu mía cắm xuống đất để sinh sôi nảy lộc. Ngoài ra, tùy vào văn hóa nên mỗi vùng cũng có một “cây thiêng” riêng”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định.

Hiện nay, không có chùa, đền nào cho người dân tự ý hái cây, bẻ cành mà chủ yếu phát cành lộc vàng. Việc này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, cây cảnh trong chùa.

Các chuyên gia văn hóa cũng lưu ý, việc lạm dụng tục hái lộc đầu xuân không làm cuộc sống tốt đẹp lên mà chỉ góp phần tàn phá, hủy hoại môi trường sinh thái. “Thay vì lạm dụng hái lộc, chúng ta nên có lời nói và làm các việc thiện cụ thể. Như vậy, lộc sẽ tự nhiên đến mà lại giúp con người than thản trong tâm hồn”, TS. Trần Hữu Sơn kết luận.

Hoàng Ngọc