An Giang:

Độc đáo chợ cỏ Ô Lâm mùa nước nổi

(Dân trí) - Trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều chợ quê hình thành rất độc đáo, gắn liền với đặc thù sinh hoạt của người dân, trong đó phải kể đến chợ cỏ Ô Lâm với chỉ một mặt hàng duy nhất là cỏ. Người mua, người bán không hề mặc cả, chê khen sản phẩm…

Chợ cỏ độc đáo này nằm ở xã miền núi Ô Lâm (huyện Tri Tôn) và chỉ nhóm họp vào buổi trưa. Chợ họp quanh năm, nhưng đông đúc nhất là vào mùa lũ, có hàng chục ghe, xuồng từ khắp các vùng lận cận cập bến với đầy cỏ. Trên bờ người dân tận dụng xe mô tô, xe bò, xe ngựa… làm phương tiện chở cỏ về chợ bán.

Ghi nhận tại chợ cỏ đa phần là đồng bào Khmer. Đặc biệt, tại chợ không ai trả giá hay khen chê, tất cả đều thuận mua vừa bán với mức giá định sẵn 10.000 đ/3 bó (5kg). Chợ cỏ Ô Lâm đã giúp đồng bào Khmer nơi đây có công ăn việc làm, góp phần cải thiện thu nhập trong những tháng nước nổi.

Chợ cỏ Ô Lâm thực chất là một bến lên xuống hàng hóa ở dọc bờ kênh. Nhờ hệ thống kênh rạch chằng chịt kéo dài từ huyện Tri Tôn đến tận khu vực Giang Thành, Đầm Chích, Hòn Đất, Tám Ngàn của tỉnh Kiên Giang nên nguồn “tài nguyên cỏ” khá phong phú và dồi dào.

Chợ được hình thành từ những năm 2000 khi nhu cầu về thức ăn cho gia súc khan hiếm do nước dâng cao, nên bà con Khmer nghĩ ra cách cắt cỏ từ những cánh đồng cao còn chưa ngập mang về bán lại. Từ đó chợ cỏ hình thành như một mô hình kinh tế mới cho người dân Khmer quanh khu vực xã Ô Lâm của huyện Tri Tôn.

Có một điều khá đặc biệt trong suốt một ngày tác nghiệp ở chợ cỏ Ô Lâm, đó là chúng tôi không hề bắt gặp cảnh mặc cả hay chê bai sản phẩm, chỉ có những nụ cười hồn hậu của những người nông dân vốn thật thà, chất phác.

Và điều quan trọng nhất là chợ không bao giờ có khái niệm là “ế” vì nó được hình thành và tồn tại xuất phát từ nhu cầu cần thực phẩm xanh cho hoạt động chăn nuôi gia súc rất phát triển của bà con dân tộc Khmer ở xã Ô Lâm và các xã khác trong huyện.

Chuyến cỏ đầu tiên của ông Chau Rem vừa về tới bến là đã có khách hàng đón sẵn để mua.
Chuyến cỏ đầu tiên của ông Chau Rem vừa về tới bến là đã có khách hàng đón sẵn để mua.
Người dân dùng lưỡi hái để cắt cỏ nên công việc “săn cỏ” khá là vất vả.
Người dân dùng lưỡi hái để cắt cỏ nên công việc “săn cỏ” khá là vất vả.
Vợ ông Chau Rem đang giúp người mua cột từng bó cỏ lại để chất lên xe chở về.
Vợ ông Chau Rem đang giúp người mua cột từng bó cỏ lại để chất lên xe chở về.
Cỏ mùa nước nổi tuy hiếm nhưng được cái xanh tốt
Cỏ mùa nước nổi tuy hiếm nhưng được cái xanh tốt
Cỏ chỉ bán 3 bó với giá là 10.000 đồng và không bán lẻ. Trung bình một người cắt cỏ mỗi ngày bỏ túi từ 100.000 - 200.000 đồng
Cỏ chỉ bán 3 bó với giá là 10.000 đồng và không bán lẻ. Trung bình một người cắt cỏ mỗi ngày bỏ túi từ 100.000 - 200.000 đồng
Nhiều bà con từ những xã khác cũng tranh thủ chạy đến chợ cỏ Ô Lâm để đón những chuyến cỏ đầu tiên về. Anh Sóc Rây ở xã An Tức đang chất cỏ vừa mua lên xe để về. Anh cho biết nhà anh có 3 con bò mỗi ngày ăn từ 10 tới 15 bó cỏ.
Nhiều bà con từ những xã khác cũng tranh thủ chạy đến chợ cỏ Ô Lâm để đón những chuyến cỏ đầu tiên về. Anh Sóc Rây ở xã An Tức đang chất cỏ vừa mua lên xe để về. Anh cho biết nhà anh có 3 con bò mỗi ngày ăn từ 10 tới 15 bó cỏ.
Đi cắt cỏ đồng xa, bà con đi từ sớm nên phải mang theo phần ăn trưa và cũng tranh thủ hái mớ bông súng về tăng gia cho bữa cơm chiều.
Đi cắt cỏ đồng xa, bà con đi từ sớm nên phải mang theo phần ăn trưa và cũng tranh thủ hái mớ bông súng về tăng gia cho bữa cơm chiều.
Anh Chau Sinh - một người chuyên mua cỏ cho biết, nếu làm việc chăm chỉ thì một ngày mỗi người có thể cắt được từ 50 đến 60 bó cỏ. Trừ đi chi phí nhiên liệu thì bà con sẽ thu được khoảng 200 ngàn đồng, thậm chí có người có thể kiếm được từ 300 – 400 ngàn đồng mỗi chuyến.
Anh Chau Sinh - một người chuyên mua cỏ cho biết, nếu làm việc chăm chỉ thì một ngày mỗi người có thể cắt được từ 50 đến 60 bó cỏ. Trừ đi chi phí nhiên liệu thì bà con sẽ thu được khoảng 200 ngàn đồng, thậm chí có người có thể kiếm được từ 300 – 400 ngàn đồng mỗi chuyến.

Chung Phú Quí – AQ