Đề xuất Quốc hội giám sát xâm hại trẻ em ở mức cao nhất

(Dân trí) - Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khẳng định, trước diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng của các vụ xâm hại tình dục trẻ em sẽ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Thời gian gần đây liên tiếp những vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận, với vai trò là Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - cơ quan chuyên trách của Quốc hội về trẻ em, bà có ý kiến gì về thực trạng này?

Trước hết, tôi xin bày tỏ và chia sẻ với nỗi đau của gia đình nạn nhân và các cháu đang phải gánh chịu trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đây không phải là lần đầu tiên những vụ việc đau lòng được phát hiện, đưa ra trước công luận. Tôi từng trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với các em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục, hậu quả của những vụ việc này vô cùng lớn, gây ra những ám ảnh, tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển của trẻ sau này.

Tôi còn nhớ một câu chuyện xảy ra ở Cà Mau mà cho đến giờ mỗi lần nhớ lại, bản thân tôi vẫn cảm thấy day dứt, xót xa. Cô bé mới chỉ 8 tuổi nhưng đã bị cha ruột, thậm chí cả bạn của cha mình xâm hại trong một thời gian dài. Khi tiếp xúc với con tại một trung tâm bảo trợ xã hội con luôn mang trong mình sự mặc cảm, tự ti. Chắc chắn, những tác động nặng nề về tâm lý, tinh thần tổn thương sẽ còn ám ảnh con đến cả sau này.

Hiện nay, các vụ xâm hại tình dục trẻ em, vi phạm quyền trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đáng báo động. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, chúng tôi đã giám sát và tổ chức phiên giải trình của Chính Phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tham dự và chỉ đạo rất rõ trách nhiệm của các bộ ngành trong việc giải quyết cũng như bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tiễn việc triển khai, phối hợp giữa các bộ, ngành hữu quan và địa phương còn nhiều bất cập cho nên việc giải quyết các vụ việc liên quan đến trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn chưa được hiệu quả.

Nhiều cơ quan còn chậm trễ, thiếu trách nhiệm

Thực tế cho thấy xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả vô cùng đau lòng, gây ám ảnh tổn thương đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ, thế nhưng trong nhiều vụ việc, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng còn chậm trễ, chưa dứt điểm. Bà lý giải như thế nào về điều này?

Đây là vấn đề mà chúng tôi cũng đang hết sức bức xúc và trăn trở. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ trước đến nay luôn được Đảng, Nhà nước xem là chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định lâu dài cho đất nước.

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Thế nhưng, thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua nhiều vụ việc đã được nạn nhân là trẻ em, cha mẹ, người giám hộ hợp pháp của trẻ gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra, đơn kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền. Một số vụ việc dù cơ quan điều tra đã vào cuộc nhưng việc xử lý chậm chạp, thông tin mập mờ khiến gia đình của bị hại bức xúc, dư luận phẫn nộ. Có những vụ việc kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Từ thực tiễn cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và trong việc giải quyết các vụ việc còn còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả. Một số cơ quan chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình nhưng Chính phủ chưa có cơ chế quản lý hữu hiệu.

Sắp tới, Ủy ban chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức buổi làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này và sẽ có kiến nghị cụ thể, làm rõ trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức, địa phương trong việc giải quyết những vụ việc này và trách nhiệm trong việc thực hiện quyền của trẻ em.

Ở một số nước, trong những vụ án liên quan đến xâm hại tình dục, bạo hành, bắt cóc… trẻ em ngoài việc thành lập các tổ chức hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho các em, họ còn có các phiên tòa dành riêng cho đối tượng này. Theo bà, đã đến lúc Việt Nam cũng nên có các phiên tòa tương tự để đảm bảo quyền lợi cho các em hay chưa?

Chúng tôi cũng đã có ý kiến rất nhiều về vấn đề này, ngay bản thân tôi cũng đã phát biểu trước Quốc hội về tính cấp thiết phải thành lập tòa án dành cho người chưa thành niên.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt nên cũng có những quy luật tâm lý riêng không giống như những người trưởng thành. Trong những phiên tòa này, các cán bộ tham gia tố tụng: điểu tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư... cần phải có kỹ năng, chuyên môn để nắm được tâm lý, tình cảm của trẻ từ đó có hướng xử lý phù hợp.

Đặc biệt, những phiên tòa dành cho trẻ sẽ phải tạo được môi trường xét xử thân thiện, làm giảm sự cách biệt giữa hội đồng xét xử và bị cáo, làm sao tránh được việc để trẻ có những ấn tượng không tốt về bản thân, cuộc đời hay mặc cảm về tương lai. Cần phải có các biện pháp bảo vệ trẻ em tham gia trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính. Bản thân chúng tôi cũng đã tham dự một số phiên tòa xét xử tương tự ở nhiều nước trên thế giới và thấy họ rất thân thiện, cởi mở. Tôi nghĩ để làm được điều này thì tòa án phải có các cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội là những cánh tay nối dài ở địa phương và thôn bản, phải là những người hiểu tiếng nói, tâm lý trẻ.

Hiện nay ở nước ta mới có Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên. Đây là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng, đồng thời chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp. Luật trẻ em 2016 đã quy định về các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Đề xuất Quốc hội giám sát xâm hại trẻ em ở mức cao nhất

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng của những vụ việc xâm hại, bạo lực, bắt cóc… trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây. Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có những kiến nghị và giải pháp gì?

Một trong số các chức năng của Ủy ban chúng tôi là thẩm tra dự án luật, pháp lệnh và giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực trẻ em. Trẻ em là nạn nhân trong các vụ việc xâm hại tình dục, bạo lực, bắt cóc… là nhóm trẻ đặc biệt cần được sự quan tâm, hỗ trợ bảo vệ và chăm sóc của toàn xã hội.

Ngày 05/4/2016 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật trẻ em số 102/2016/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017, Luật trẻ em ra đời tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền trẻ em, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng chuyển từ cách tiếp cận theo nhu cầu sang phương pháp tiếp cận mới dựa trên quyền trẻ em.

Theo đó, trẻ em là một chủ thể có đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Nhà nước có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Luật cũng đã quy định cụ thể vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện quyền trẻ em; quy định về việc ủy ban nhân dân cấp xã, phường bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý.

Đồng thời cũng đề xuất quy định Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Trước những vụ việc xâm hại trẻ em như vừa qua thì cơ quan này sẽ phải có trách nhiệm lên tiếng, bảo vệ đòi quyền lợi cho các em. Chúng tôi cũng kiến nghị tăng thẩm quyền cho Hội bảo vệ trẻ em Việt Nam. Quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và nhà trường trong việc thực hiện quyền của trẻ em. Từ đó, có cơ sở giám sát một cách bài bản, chặt chẽ và sâu sát hơn.

Thời gian tới chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, sau khi giám sát xong phải có nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm theo đuổi đến cùng các kiến nghị sau giám sát, có như vậy mới khắc phục, giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Xin cảm ơn bà!

Hà Trang