Để trẻ không còn nhầm lẫn “Quang Trung là Nguyễn Du”

Nếu cho tôi chọn một cuốn sách trong đống sách lớn đủ thể loại, tôi chắc chắn sẽ chọn một cuốn sách lịch sử.

Để trẻ không còn nhầm lẫn “Quang Trung là Nguyễn Du”

Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử, cũng không phải là người dạy lịch sử. Tôi chỉ là một người thích đọc sách sử. Từ góc độ một cá nhân thích môn lịch sử và rất ham đọc sách sử, xin đưa ra một vài nhận xét (rất cảm tính, rất chủ quan) như sau:

Tại sao tôi thấy sách lịch sử hấp dẫn hơn những thể loại sách khác?

- Vì lịch sử cho tôi biết nguồn gốc và tổ tiên xa xưa của mình.

- Vì lịch sử chứa đựng những điều đã qua không bao giờ còn thấy lại được nữa.

- Vì lịch sử chứa đựng những điều trong quá khứ nhưng vẫn còn liên quan và ảnh hưởng tới hiện tại, và cả tương lai nữa.

- Vì những câu chuyện và sự kiện trong lịch sử có thể cho tôi rút ra những kinh nghiệm và bài học nào đó...

Chắc nhiều người sẽ có thể liệt kê thêm vô số lý do nữa hay hơn cho việc thích đọc sách lịch sử, nhưng tôi nghĩ rằng trong số vô vàn lý do, có MỘT LÝ DO RẤT QUAN TRỌNG khiến cho lịch sử từ xưa đến nay vẫn hấp dẫn rất nhiều người: đó là lịch sử kể lại những câu chuyện, những sự kiện và những nhân vật có thật trong quá khứ mà chúng ta sẽ không bao giờ biết được, hình dung được nếu không có … sách lịch sử.

Tôi không biết ngày nay người ta dạy môn lịch sử như thế nào ở trường phổ thông, cũng lâu rồi không xem một cuốn sách giáo khoa môn lịch sử của cấp học phổ thông, nhưng thời chúng tôi đã từng phải học và nhớ môn lịch sử với chủ yếu là những con số, ngày tháng và ý nghĩa. Sách giáo khoa lịch sử ở các cấp học phổ thông đơn giản, sơ sài và kém hấp hẫn. Các câu chuyện, các nhân vật, tình tiết hấp dẫn gần như biến mất. Quanh đi quẩn lại suốt từ cấp 2 đến cấp 3 chỉ là các sự kiện lịch sử đã được rút gọn để còn chủ yếu là …con số, ngày tháng và ý nghĩa.

Thế nên đọc sách giáo khoa lịch sử rất chán, các giờ học lịch sử nói chung cũng chán (trừ phi may mắn gặp được một giáo viên cũng ham mê lịch sử và thích kể chuyện lịch sử ngoài chương trình cho học sinh nghe. Tôi cũng đã từng may mắn gặp được một số thầy cô giáo như vậy). Vì vậy, nói chung ở trường tôi cũng chỉ học môn lịch sử để đối phó với các kỳ thi và kiểm tra, học và nhớ các con số, ngày tháng và …ý nghĩa. Xong các kỳ thi thì những thứ đó: con số, ngày tháng và ý nghĩa bay hết khỏi đầu.

Thế nhưng đó là với môn lịch sử học ở trường còn bên ngoài nhà trường, thời gian rỗi của tôi vẫn được dành rất nhiều cho môn lịch sử, như một ham mê, một thú vui mà cho đến tận bây giờ vẫn không bỏ được. Sở dĩ như thế vì sách lịch sử bên ngoài nhà trường tuy có con số, ngày tháng, nhưng chúng là những điều thứ yếu, phần ý nghĩa thì lại càng hiếm hoi. Cái chủ yếu được chứa đựng trong các sách lịch sử ngoài nhà trường là rất nhiều sự kiện, câu chuyện, số phận của những con người trong quá khứ. Và tất cả những thứ đó khiến cho tôi tò mò muốn đọc, muốn biết.

Chúng ta đều mong muốn con cháu chúng ta phải hiểu và biết rõ về quá khứ của đất nước quê hương, về cội nguồn tổ tiên của chúng. Chúng ta vẫn nhắc đi nhắc lại rằng trẻ em cần học và hiểu biết về lịch sử để có tình yêu với tổ quốc, với dân tộc, chúng cần biết về quá khứ để có tình yêu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Chúng cần biết về lịch sử để có cái nhìn bao quát hơn, hiểu biết hơn về thời đại mà chúng đang sống.

Thế nhưng có một thực tế hiển nhiên đang diễn ra, đó là trẻ em ngày nay dường như đang rất thờ ơ với môn lịch sử, và rất nhiều người đã phải than giờ trẻ con chúng nó thuộc sử Trung Quốc hơn sử Ta.

Hãy bỏ sang bên các nguyên nhân sâu xa liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội gì đó (không phải vì các nguyên nhân này không tồn tại hay tôi muốn tránh né mà vì những nguyên nhân đó nằm ngoài khả năng giải quyết của những người làm cha mẹ). Vấn đề là chúng ta CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ CON CÁI CHÚNG TA CŨNG YÊU VÀ THUỘC LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ?

Ngồi chờ sách giáo khoa hay chương trình giáo dục lịch sử ở phổ thông được đổi mới để hấp dẫn con cái chúng ta thì tôi e rằng sẽ muộn. Vì làm được điều đó chắc cũng phải mất ít nhất cả chục năm. Nhưng việc gì chúng ta phải thụ động ngồi chờ đợi như vậy?

Với trẻ nhỏ, để chúng trở nên yêu thích sách lịch sử, rất cần thiết phải có những câu chuyện với các nhân vật và tình tiết được kể một cách thú vị, hấp dẫn. Sách lịch sử của Việt Nam không nhiều, nhưng cũng không phải là quá ít. Nếu muốn, người ta vẫn có thể tìm được vô số cuốn sách vô cùng thú vị về lịch sử nước nhà. Sách in có, sách trên mạng có, các bài nghiên cứu nhỏ lẻ cũng rất nhiều. Còn sách lịch sử thế giới, lịch sử một số nước láng giềng thì nhiều vô cùng, nhất là trong thời đại của internet như ngày nay. Có lẽ chỉ thiếu thời gian để đọc.

Để trẻ không còn nhầm lẫn “Quang Trung là Nguyễn Du”

Để trẻ làm quen với môn lịch sử, trước hết hãy cho trẻ đọc các cuốn truyện ngắn và tiểu thuyết lịch sử. Tuy thể loại sách này không thật sự là sách lịch sử nhưng lại là bước khởi đầu rất tuyệt và hiệu quả để thu hút sự quan tâm của trẻ đối với những gì thuộc về quá khứ. Các cuốn Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đêm hội Long Trì, An Tư, Bão táp triều Trần là những cuốn truyện hay để giới thiệu môn lịch sử với trẻ ở lứa tuổi tiểu học.

Khi trẻ bắt đầu thích đọc truyện lịch sử rồi thì có thể chuyển sang các giai thoại lịch sử, các cuốn sách giới thiệu danh nhân, danh tướng – các cuốn sách loại này bao giờ cũng có những câu chuyện, tình tiết sinh động, hấp dẫn hơn sách lịch sử vốn thường khô khan, các nhân vật cũng được thể hiện một cách phong phú, đa diện, có hồn hơn so với sách lịch sử. (Bộ Giai Thoại Lịch Sử Việt Nam gồm 2 tập này được các con tôi quần đến nát cả sách ra như các bạn có thể thấy trong ảnh).

Sau các thể loại giai thoại và sách danh nhân chúng ta có thể cho trẻ tiếp xúc dần với sách lịch sử thật sự. Các bộ Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử ký Toàn Thư có thể phù hợp với một học sinh cấp 2 có thói quen thường xuyên đọc sách. Và tôi có thể khẳng định với các bạn rằng, sau khi đọc xong một trong 2 bộ sách này thì các cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm về sự hiểu biết của con em mình về lịch sử cổ đại và trung đại của nước nhà và …chấp hết mấy năm học về các thời kỳ lịch sử này ở phổ thông.

Bên cạnh sách lịch sử về Việt Nam, chúng ta cũng nên cho trẻ đọc thêm các sách truyện về lịch sử thế giới và một số nước láng giềng quan trọng để mở rộng kiến thức cho trẻ. Bộ Lịch sử Trung Quốc 5000 năm là một bộ sách cô đọng và hấp dẫn về lịch sử Trung Quốc có thể giúp ta hiểu được nhiều điều về nước láng giềng bên cạnh. Bộ Almanach Các Nền Văn Minh Thế Giới cũng là một bộ sách rất hay cho tủ sách của gia đình để trẻ có thể làm quen với lịch sử thế giới.

Một số bạn có thể băn khoăn: “Liệu cho trẻ đọc sách lịch sử như thế này có giúp gì cho việc học để đối phó với các cuộc thi và kiểm tra ở nhà trường hay không?”

Xin khẳng định để các bạn yên tâm: giúp rất nhiều. Khi tôi còn học phổ thông, môn Sử ở trường gần như tôi chẳng mấy khi phải để tâm đến bao giờ. Tới giờ nghỉ 5 phút trước giờ học môn Sử, tôi chỉ cần giở sách vở ra lướt qua vài phút là đã có thể làm được bài kiểm tra. Con trai lớn của tôi sau này cũng vậy, còn con trai bé cũng bắt đầu thích học môn Lịch sử rồi. Ngoài ra, việc đọc sách Lịch sử cũng giúp ích nhiều trong việc học Văn và viết văn nữa vì trẻ em có thể tiếp thu một lượng lớn từ ngữ cổ và Hán Việt thông qua các sách truyện lịch sử. Các nhân vật và điển tích lịch sử cũng thường được đưa vào các đề thi và kiểm tra môn Văn, khi trẻ đã được đọc rất nhiều về các nhân vật và điển tích đó thì viết về các nhân vật và điển tích này cũng là việc rất dễ dàng.

Theo Mai Phạm
Pháp Luật TPHCM