Đau đầu với việc quản lý chi tiêu dịp cuối năm

Ngọc Linh

(Dân trí) - Việc quản lý chi tiêu trở thành nỗi lo của nhiều người, đặc biệt là trong dịp cuối năm. Nhiều người không hiểu vì sao tiền trong ví, trong thẻ lại vơi đi nhanh chóng...

Tiền bạc cứ "không cánh mà bay"

Gia đình chị Trần Kim Dung, anh Lê Mạnh Đạt đã có hai bé và hiện đang sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tổng mực thu nhập của hai vợ chồng hàng tháng khoảng 30 triệu đồng. Chị Dung cho biết, mức thu nhập như vậy hầu như mọi tháng chị đều để dành được khoảng 3 triệu đồng để phòng tránh việc đột xuất phát sinh. Song, cứ mỗi dịp cuối năm số tiền anh chị phải chi tăng vọt và thường xuyên phải lấy tiền "để dành" đem ra tiêu.

Đau đầu với việc quản lý chi tiêu dịp cuối năm - 1
Nhiều gia đình căng thẳng vì khó kiểm soát việc chi tiêu cuối năm. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Chị Dung chia sẻ: " Nhiều khi mình bước vào cửa hàng tạp hóa chỉ định mua một thứ thôi nhưng không hiểu sao bước ra cả 2, 3 túi lớn, túi nhỏ. Cũng có những lúc giật mình không hiểu đã tiêu gì mà "bay" mất cả triệu đồng nhưng khi tính nhẩm rõ ràng toàn tiêu vào những việc chính đáng".

Bởi là người quản lý tài chính trong gia đình nên rất nhiều khi chị Dung rơi vào tình trạng hoang mang và căng thẳng không hiểu mình đã chi tiêu những gì. Anh Đạt cho biết, hai vợ chồng anh chị đều xây dựng kế hoạch tài chính khá cẩn thận phân chia từng mục rõ ràng như nhu cầu thiết yếu, giáo dục cho con, tiền thuốc men khám sức khỏe,… nhưng cứ vào dịp cuối năm mọi thứ lại đảo lộn không thể kiểm soát.

Thói quen chi tiêu cuối năm

Chia sẻ với PV Dân trí, Thạc sĩ Tạ Đình Hòa( Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Hỗ trợ khởi nghiệp, Học viện Tài chính) cho biết: " Vấn đề không thể kiểm soát chi tiêu không chỉ xảy ra với gia đình anh Đạt, chị Dung mà hầu như gia đình nào cũng vậy.

Đau đầu với việc quản lý chi tiêu dịp cuối năm - 2
Nhiều yếu tố dễ dàng tác động đến thói quen chi tiêu trong dịp cuối năm (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Vào những dịp cuối năm, chúng ta sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Một vài yếu tố tác động đến thói quen chi tiêu có thể kể đến. Thứ nhất là cho đám cưới, cuối năm cũng được coi là mùa cưới vì thế chúng ta có thể đánh bay cả nửa tháng lương chỉ để đi mừng đám cưới. Thứ hai là liên hoan tổng kết cuối năm, dịp cuối năm cơ quan nào cũng sẽ có ngày này và thế là chúng ta lại phải chi. Thứ ba, là mua quà tặng cho người thân, gia đình.

Thứ tư, một yếu tố tác động rất lớn đến thói quen chi tiêu đó là hàng giảm giá. Dường như chúng ta không có nhu cầu nhưng vẫn đổ xô vào mua vì nghĩ rằng ta được lợi mua rẻ, phải mua ngay không hết,…Tôi nghĩ đó là một vài yếu tố cơ bản tác động đến thói quen chi tiêu dịp cuối năm".

Những nguyên tắc "vàng" để kiểm soát chi tiêu cuối năm

Đau đầu với việc quản lý chi tiêu dịp cuối năm - 3
Cả hai vợ chồng cần có kỷ luật và nghiêm túc thực hiện kế hoạch tài chính. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

"Rất nhiều chị em có gia đình thường xuyên rơi vào tình trạng cứ thấy "thiếu thiếu" là mua, và rồi nó trở thành khoản chi phung phí. Vì thế để có thể "kiềm chế" bản thân khi sắm đồ cuối năm chúng ta phải ghi nhớ "nguyên tắc 24 giờ". Trước khi quyết định mua đừng vội xuống tiền ngay, hãy cho mình thêm 24 giờ để trả lời câu hỏi: "Mình có thực sự cần thứ đồ ấy không?" Sau một ngày khi cảm xúc lặng lại chắc chắn bạn sẽ có một quyết định sáng suốt hơn.

Thực tế chi tiêu cuối năm cũng giống như chi tiêu hàng tháng, chúng ta cần có kế hoạch cụ thể rõ ràng, để hoạch định tài chính cho gia đình cần có 5 bước.

Thứ nhất, đánh giá tình hình tài chính. Cần ghi lại tổng thu nhập của hai vợchồng bao nhiêu, các khoản cho vay, hoặc vay nợ là bao nhiêu, tổng chi hàng tháng là bao nhiêu.

Bước hai, xác định mục tiêu dài hạn và ngắn hạn như tiền dưỡng già về sau hay kế hoạch mua một chiếc xe mới trong năm tới. Xác định mục tiêu giúp chúng ta đáp ứng được các yêu cầu về tài chính trong cuộc sống.

Thứ ba, lập kế hoạch: Lập kế hoạch tài chính gắn liền với nguyên tắc 50/30/20. Theo đó 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho nhóm linh hoạt, phục vụ sở thích, giải trí, bạn bè,… và 20% cho nhóm tích lũy , tiết kiệ đề phòng sự cố, rủi ro trong tương lai.

Thứ tư là thực hiện, bước này yêu cầu những quy tắc và kỷ luật nhất định. Cả hai vợ chồng cùng thực hiện để đạt kết quả cao nhất.

Cuối cùng là giám sát và đánh giá lại quá trình xem chúng ta cần điều chỉnh những gì cho phù hợp".

Trên đây là một vài những chia sẻ từ góc độ chuyên gia, nhưng điều quan trọng nhất để mỗi gia đình tự chủ và kiểm soát tốt tài chính dịp cuối năm cần có sự kiên trì và quyết tâm áp dụng những bí quyết trên.