Đằng sau chuyện ông bố 9X cầm biển giữa đường xin việc

Việc ông bố 9X cầm tấm bảng viết tên mình để xin việc ở khu vực đường Cầu Giấy (Hà Nội) để nuôi con nhỏ khiến người khen kẻ chê. Nhưng đằng sau việc tân cử nhân phải cầm biển giữa đường xin việc có nhiều điều đáng suy ngẫm.

Hình ảnh tân cử nhân Phùng Đức N (25 tuổi, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) với dáng người nhỏ thó, đeo kính cận thư sinh cầm tấm bảng xin việc ở khu vực đường Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạo nên làn sóng tranh luận những ngày qua.

Chúng tôi xin đăng nguyên văn góc nhìn của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng về sự việc này.

"Thực ra, việc cầm tấm bảng viết tên mình để xin việc với lý do nuôi con nhỏ không đến nỗi bị đem ra chỉ trích, là bởi anh thanh niên ấy không làm gì sai. Chúng ta, đã đến lúc, cần phải bỏ dần thói quen chỉ trích người khác, bỏ dần những lời bình luận mang đầy màu sắc đạo đức học. Nếu không làm mọi thứ xung quanh mình tốt lên, thì cũng không nên làm xấu đi.

Dang sau chuyen ong bo 9X cam bien giua duong xin viec

"Ông bố 9x" cầm biển đi xin việc

Đáng chú ý ở đây là, anh cử nhân này không nhận được việc, như anh nói, là bởi chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp. Câu hỏi này là câu hỏi lớn, và thường xuyên được đem ra bàn luận ở các diễn đàn dành cho giới trẻ.

Có người thắc mắc, rằng nếu ở đâu cũng cần kinh nghiệm nghề nghiệp, thì lấy đâu chỗ cho những người mới ra trường? Và thế là nhiều người ủng hộ, cứ như thể các nhà tuyển dụng đều đáng lên án khi không dành cơ hội cho người mới, trong khi những người mới ấy tràn trề sinh lực, ngút ngàn đam mê.

Tôi đã dự một cuộc phỏng vấn tuyển người vừa với tư cách là quan sát viên, vừa với tư cách tuyển trạch viên của một công ty khá có uy tín. Họ tuyển một vị trí bảo hành các thiết bị âm thanh. Đọc một loạt hồ sơ, chúng tôi lựa được hai ứng viên.

Đại diện doanh nghiệp muốn tuyển dụng ông bố 9x cầm biển xin việc lên tiếng

Bản thân tôi tốt nghiệp cao đẳng đã được gần ba năm, còn đại học thì vừa tốt nghiệp trường Đại học Điện lực", ông bố tìm việc để có sữa nuôi con Phùng Đức Ninh, nói với PV.

Một người chỉ có bằng cử nhân, người kia có bằng kỹ sư. Chúng tôi gọi người có bằng kỹ sư đến phỏng vấn trước. Chàng kỹ sư rất ngạc nhiên là bởi chỉ gửi đơn hú họa, vì không nghĩ sẽ được gọi phỏng vấn bởi một trong những tiêu chuẩn là phải có kinh nghiệm nghề nghiệp.

Chúng tôi đưa cho chàng kỹ sư một mạch điện, và anh đọc rất nhanh chóng. Đưa cho một thiết bị hỏng thì loay hoay cả buổi, vần ngang vần dọc. Để mặc anh kỹ sư ấy với mạch điện , chúng tôi chuyển sang ứng viên thứ hai.

Anh cử nhân này trước đó là nhân viên bảo hành cho một siêu thị điện máy, nơi mà chẳng cần kinh nghiệm gì sất, cứ làm được việc là người ta tuyển. Anh cử nhân ấy đi làm từ lúc học trung cấp nghề, và vừa làm vừa học lên bậc đại học.

Hồ sơ của anh cũng rất đơn giản, lá thư trình bày nguyện vọng cũng không có gì đặc sắc, chỉ đáng chú ý câu cuối, khi anh nói rằng rất mê nghề điện tử.

Anh cử nhân ấy đọc mạch điện cũng thường, nhưng đến lúc vào thiết bị cụ thể, anh nói rất rõ phải khoanh vùng chỗ nào để sửa. Lúc này, tôi mời cả anh kỹ sư vào, để anh hiểu lý do bị loại.

Sau khi nghe đủ, nhìn đủ, anh kỹ sư ấy thở dài, bảo với chúng tôi rằng, đây là bài học cho em. Nếu không yêu nghề được như bạn ấy, không lăn lộn được như bạn ấy, thì cũng không nên ảo tưởng rằng mình mất 5 năm học, thì ra đời người ta phải đón nhận mình thật nồng nhiệt mới đúng.

Rồi anh kể, ngay từ những năm đầu, bạn bè anh em đã rủ anh đi làm, tất nhiên việc chỉ là sửa chữa vặt vãnh, nhưng anh không chịu, bởi anh nghĩ đã là kỹ sư thì phải ngồi trong phòng máy lạnh, hay làm ở những tập đoàn lớn mới xứng tầm. Chúng tôi bảo nhau, con người này một khi đã nói ra được những câu ấy, thì sẽ còn tiến xa.

Rồi anh kỹ sư ấy xin được làm việc không lương ở đây nửa năm để học nghề. Chúng tôi quyết định, cho anh một cơ hội.

Dang sau chuyen ong bo 9X cam bien giua duong xin viec

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

Trong vòng nửa năm ấy, anh kỹ sư làm việc như gấp đôi người khác, với một quyết tâm phi thường. Và khi công ty, bị những gì anh thể hiện chinh phục, quyết định tuyển dụng, thì anh từ chối với hai lý do, quan trọng nhất là anh đã có nơi khác với mức lương và đãi ngộ cao hơn mời về, còn lý do thứ hai là anh hơi xấu hổ nếu tiếp tục làm việc ở đây. Anh kỹ sư ấy bảo, rõ ràng nếu em đỡ ảo tưởng mà lao vào làm việc, thì con đường đã đỡ chông gai hơn.

Trường hợp của anh kỹ sư này, cũng có gì đó tương đồng với anh cử nhân đeo biển xin việc, chỉ khác là anh kỹ sư lúc đó chưa có con nhỏ, thậm chí chưa có gia đình. Thường là ở tuổi sinh viên, người ta yêu say đắm, yêu cuồng nhiệt, yêu dâng hiến. Tình yêu thời sinh viên không ngây thơ lãng mạn như ở tuổi học trò, mà bắt đầu gắn với những trò chơi người lớn.

Người ta đã bắt đầu sống thử, nhất là khi xa nhà và không bị gia đình kiềm tỏa, đã bắt đầu lo đến tổ ấm cho riêng mình, đã thề nguyền là sau này ra trường anh chỉ lấy em hoặc em chỉ lấy anh.

Và một khi tình yêu đã dâng trào, sự tin tưởng đã đủ đầy, người ta sẵn sàng dâng hiến. Lúc thăng hoa, nói theo khẩu ngữ, người ta tin rằng mình đủ sức nuôi cả làng. Nhất là ở lứa tuổi ấy, khi mọi thứ còn rất bốc đồng, người ta rất dễ làm mọi việc theo cảm tính.

Trong chúng ta, cái suy nghĩ trời sinh voi sinh cỏ, vẫn còn tồn tại. Và theo tập quán để lại, chúng ta vẫn tin tưởng rằng sinh con là có lộc. Nhưng rõ ràng, ngày hôm nay, quan niệm ấy cần phải xem lại.

Thường là, lộc hay họa là sinh ra từ chính con người mình, chứ chẳng mấy khi do một đấng siêu nhiên nào đó đem tới. Thời trước, cuộc sống diễn ra khác, việc nuôi dưỡng trẻ con không tốn kém và vất vả như bây giờ, nên quan niệm ấy còn dễ được chấp nhận.

Ngày hôm nay, việc sinh và nuôi dưỡng trẻ em tốn rất nhiều tiền của và công sức, nên với đại đa số các ông bố bà mẹ trẻ, nếu chưa chuẩn bị đủ điều kiện cho thành viên mới của gia đình, thì điều đầu tiên là phải tạm gác lại niềm vui đó sang một bên.

Không chuẩn bị được những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, tốt hơn hết, là dừng lại. Nếu không, chỉ tạo thêm cho xã hội gánh nặng mà thôi.

Bị ảnh hưởng bởi trào lưu tự thể hiện mình trên mạng xã hội, trên các diễn đàn, anh cử nhân kia đã làm một việc mà chỉ chừng vài năm trước, ít ai dám làm. Anh mang việc mình đang phải làm bố ra để cơ may kiếm được việc cao hơn, đồng thời cũng khiến các nhà tuyển trạch quan tâm hơn.

Và một khi không được ai tuyển dụng theo cách này, có lẽ anh sẽ mang một niềm uất hận, rằng càng ngày tình người càng đi vắng, càng khó tìm. Nhà tuyển trạch không có trách nhiệm phải tuyển lựa anh vì anh đang làm bố. Nhà tuyển trạch chỉ chọn lựa anh, khi anh phù hợp với yêu cầu của họ.

Có lẽ lúc này, anh cử nhân ấy đang mong đợi một phép mầu. Thật ra, với xu thế bây giờ, việc tuyển mộ chàng cử nhân này cũng là một cách không tồi để PR thương hiệu.

Công ty nào tuyển mộ sẽ được ca ngợi như một điển hình về chuyện, ngày hôm nay vẫn còn đầy tình người, để rồi ngày mai lại chìm vào quên lãng trong một thế giới mà sự vận động diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Nhưng, rõ ràng đó không phải là cách tốt nhất để giúp nhau. Chúng ta hay có thói quen, là đem sự bất thường trở thành bình thường. Ngày hôm nay đeo biển xin việc vì phải nuôi con mà được nhận, thì ngày hôm sau chắc gì đã không xảy ra chuyện tương tự, rằng sẽ có người đeo biển xin việc vì lý do nào đó cũng rất dễ được cảm thông.

Người ta cho cần câu chứ không cho con cá, nhưng ngay việc đem cho cần câu, cũng phải tìm được người muốn câu hoặc biết câu, nếu không tìm được người vừa muốn câu vừa biết câu.

Nói thì nói vậy, cũng mong anh cử nhân ấy mau chóng kiếm được việc làm, để lo cho gia đình nhỏ của mình. Và cũng mong rằng, bất cứ việc gì cũng được anh làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Muốn nhanh thì phải từ từ, cứ tận lực rồi sẽ nhận được những gì mình đáng được nhận".

Theo Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

Phụ nữ TPHCM