Đầm Hà: Kinh tế tập thể phát huy hiệu quả

Thời gian gần đây, nông dân huyện Đầm Hà đã mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế tập thể đem lại hiệu quả thiết thực. Việc thành lập các hợp tác xã (HTX) không chỉ giúp người nông dân được hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, mà còn giúp họ yên tâm hơn khi hàng hoá được bao tiêu đầu ra.

Đầm Hà: Kinh tế tập thể phát huy hiệu quả - 1

Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đầm Hà và HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp Đồng Tâm thăm trang trại gà của anh Đào Văn Trung, thôn Tây, xã Dực Yên.

Để các mô hình kinh tế tập thể phát triển, huyện Đầm Hà đã triển khai, hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, trồng trọt tập trung... Bên cạnh đó, huyện cũng huy động được nhiều nguồn để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận, vay vốn phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên các nông hộ tham gia các mô hình HTX, câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế. Tính đến thời điểm hết tháng 11-2016, toàn huyện đã có 31 HTX đang hoạt động, trong đó 26 HTX có ngành nghề chính hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với hàng trăm thành viên là các hộ nông dân tham gia. Các mô hình kinh tế, HTX phát huy tốt hiệu quả. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn, thôn Trung Sơn, xã Quảng Lợi chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm củ cải phên và củ cải khô đang hoạt động rất hiệu quả. Năm 2015, HTX đã sản xuất được hơn 10 tấn củ cải phên và trên 50 tấn củ cải khô. Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg củ cải phên và 120.000-130.000 đồng/kg củ cải khô, trừ chi phí, HTX có lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Hay như, HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp Đồng Tâm, xã Dực Yên với ngành nghề chính là buôn bán và chăn nuôi gà thương phẩm cũng đang hoạt động tốt. Thành lập từ tháng 1-2016, đến nay, sau 11 tháng đi vào hoạt động, HTX đã có tổng doanh thu gần 10 tỷ đồng, trừ các chi phí thì số lãi cũng đạt trên 20% tổng thu, đảm bảo ổn định lợi ích kinh tế cho các hội viên. Anh Trần Quang Khương, Giám đốc HTX Đồng Tâm cho biết: “Chúng tôi có tất cả 14 hộ gia đình tham gia vào HTX, với cách làm cải tiến so với các mô hình HTX truyền thống, đơn vị đang đảm bảo tốt về chất lượng sản phẩm và đầu ra sản phẩm cho bà con. Với hình thức tổ chức kế hoạch, lên lịch nhập, xuất gà luân phiên và kết hợp 3 hộ gia đình/lần/3.000 con gà thì tính ra 1 năm mỗi hộ sẽ xuất được gần 9 lần, tương đương gần 1 vạn con gà. Nếu tính theo giá thị trường mỗi hộ cũng sẽ lãi được gần 200 triệu đồng/năm”.

Cùng với đó, để phát huy hết hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể, huyện Đầm Hà cũng đang tập trung cho việc xây dựng mô hình liên kết giữa HTX và người nông dân theo Kế hoạch 667/KH-UBND của tỉnh về phát triển HTX ngoài quốc doanh trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2016. Để hỗ trợ HTX, huyện sẽ dành khoảng 70% phí xây dựng mô hình để đơn vị xây dựng hạ tầng kỹ thuật cần thiết gồm: Nhà kho, một số thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất chế biến sản phẩm. 30% kinh phí còn lại huyện sẽ dành để tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật, ứng dụng cải tiến khoa học công nghệ cho các hộ nông dân tham gia liên kết. Với mô hình này, quy trình từ khi sản xuất cho đến đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ được khép kín, đảm bảo đầu ra của sản phẩm cho người nông dân, đem lại thu nhập kinh tế một cách ổn định. Tuy nhiên, hiện dự án đang còn gặp một số khó khăn do vấn đề thiếu nguồn kinh phí.

Ông Nguyễn Văn Thuỳ, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Đầm Hà, cho biết: “Do nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới năm 2016 của huyện đã sử dụng hết và không còn nguồn khác để cân đối, cho nên hiện tại dự án đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện theo kế hoạch của tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo sát sao và giao cho Phòng Nông nghiệp xây dựng kế hoạch phải thực hiện bằng được dự án vào năm sau để đem lại hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và định hướng phương thức sản xuất mới cho bà con nông dân toàn huyện. Ngoài ra, đối với việc hướng bà con nông dân sản xuất các sản phẩm theo chương trình OCOP, huyện cũng sẽ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm đã có thương hiệu và được người tiêu dùng biết tới như củ cải, rượu khoai, trứng vịt biển, nấm linh chi, ngan sao... và ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá với quy mô lớn.

Theo Lương Giang

Báo Quảng Ninh