Cuộc đời chìm nổi của 3 tuyệt sắc giai nhân Hà Nội xưa

(Dân trí) - Người Hà Nội xưa không ai là không biết đến các mỹ nhân nổi tiếng như cô Phượng Hàng Ngang, cô Bính Hàng Đẫy hay người đẹp tài đức vẹn toàn Hoàng Thị Minh Hồ,… Tuy mỗi người có một số phận, nhưng họ đều là những thiếu nữ có nhan sắc và từng làm mê đắm trái tim của biết bao chàng trai.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - người đẹp tài đức vẹn toàn

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914 tại Hà Nội. Cha của cụ là Hoàng Đạo Phương, một nhà nho, một thương gia giàu có ở phố Hàng Đào. Mẹ của cụ cũng là con nhà phú quý, vừa buôn bán tháo vát, vừa đảm đang trong chuyện chăm sóc chồng, con.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã có một cuộc đời đúng theo chuẩn mực của những cô gái Hà Nội xưa. Ngoài việc được cha dạy chữ nho, từ năm 11 tuổi, cụ còn được đi học chữ phổ thông. Hồi đó, ở cô gái Hà Thành toát lên vẻ đẹp dịu dàng và duyên dáng trong tà áo dài, khăn vấn, guốc mộc hay giày cao gót. Cụ có nước da trắng, mũi cao và gương mặt thanh tú, được xếp vào hàng giai nhân.

Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ - cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ - cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ.

18 tuổi, cụ Minh Hồ lập gia đình với ông Trịnh Văn Bô, tiếp nối truyền thống gia đình buôn bán tơ lụa ở phố Hàng Ngang. Tuy đã làm vợ một nhà tư sản, nhưng cụ vẫn giữ nếp sống giản dị, mộc mạc và không ngừng lao động, cùng chồng đưa thương hiệu gia đình phát triển.

Không những vậy, cụ luôn có tâm nguyện được cống hiến cho cách mạng và giúp đỡ nhân dân. Gia đình cụ dành rất nhiều tiền để từ thiện, giúp đỡ người nghèo và đóng góp cho nền độc lập của đất nước. Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ 5.147 lượng vàng và vận động giới công thương, nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.

Tuy được sinh ra trong nhung lụa, nhưng ngay cả khi giàu có, nắm trong tay rất nhiều tài sản, cụ Hoàng Thị Minh Hồ vẫn giữ lối sống tiết kiệm và giản dị. Trong căn nhà 34 Hoàng Diệu vẫn còn giữ rất nhiều đồ dùng cũ. Cụ cũng luôn răn dạy con cháu bằng lời nói, hành động hết sức tinh tế, tuyệt nhiên không mắng mỏ hay nặng lời.

Vào đêm 5/11, cụ Minh Hồ qua đời tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội), hưởng thọ 104 tuổi. Sự ra đi của cụ để lại bao tiếc thương cho nhiều người. Ông Trịnh Lương - con trai cụ Hoàng Thị Minh Hồ cho biết, thể theo di nguyện của cụ bà, gia đình sẽ dành toàn bộ số tiền phúng để ủng hộ đồng bào lũ lụt và đóng góp cho công tác khuyến học.

Cuộc đời êm ấm của người đẹp Tràng An Đỗ Thị Bính

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính (sinh năm 1915) là người may mắn hơn cả trong "tứ mỹ" (gồm cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy). Cô sống ở ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy, bây giờ đổi tên thành số nhà 67, phố Nguyễn Thái Học.

Đỗ Thị Bính là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước những năm 1930.

Mặc dù là thiếu nữ có vẻ đẹp nhất nhì Hà thành khi đó, nhưng người đẹp không có tính kiêu kỳ mà nhất mực hoà đồng, giản dị và gần gũi với mọi người. Sinh thời, bà Bính có thói quen mặc đồ đen. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi bà là "người đàn bà áo đen".

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính là người may mắn hơn cả trong tứ mỹ.
Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính là người may mắn hơn cả trong "tứ mỹ".

Trước 1930, gần phố Hàng Đẫy là khu Văn Miếu, là nơi cậu công tử Nguyễn Nhược Pháp, con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở. Si tình trước bóng giai nhân, Nguyễn Nhược Pháp ngày nào cũng lấy cớ đi qua nhà người đẹp. Thế nhưng, tuyệt nhiên hai người chưa một lần gặp mặt. Người đẹp Đỗ Thị Bính cũng hiểu được tình cảm đó nhưng nhà thơ đa tài, bạc mệnh đã sớm ra đi ở tuổi 24 vì căn bệnh lao.

Sau đó một năm, người đẹp lên xe hoa, kết duyên với chàng trai Bùi Tường Viên khi đó vừa mới du học bên Pháp về. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Hà Nội).

Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Gia đình họ Đỗ và họ Bùi đều tham gia cách mạng. Bà cùng chồng tản cư lên vùng Tuyên Quang, sống những ngày tháng cả nước đều dành hết sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Khi hoà bình lập lại, trở về Hà Nội, bà Bính lại cùng chồng, con sống cuộc sống bình thường trong một ngôi nhà giản dị. Bà tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, chống giặc dốt. Từ đó cho đến khi về hưu, bà công tác tại Phòng Giáo dục khu Hai Bà Trưng.

Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

Hồng nhan bạc mệnh Vương Thị Phượng

Vương Thị Phượng là con gái cưng của thương gia Vương Toàn Thắng - một nhà buôn bán tơ lụa giàu có ở phố cổ. Là tiểu thư lá ngọc cành vàng, được thừa hưởng sắc đẹp của mẹ nên từ khi mới sinh ra, cô Phượng đã sở hữu một làn da mềm mại và trắng nõn nà như trứng gà bóc, vóc dáng mềm mại, gương mặt thanh tú.

Người ta nói rằng, cô có cặp lông mày “yên my” (lông mày như mây khói) và cặp mắt “bán thụy phượng hoàng” (mắt mơ màng say đắm). Cô Phượng ăn mặc rất nền nã. Thêm nữa lại sáng dạ, giỏi cầm, kỳ, thi, họa nên không biết bao nhiêu công tử Hà thành si mê, theo đuổi và mơ ước được lấy cô làm vợ.

Cô Phượng từng được mệnh danh là nàng Kiều của phố cổ Hà Nội.
Cô Phượng từng được mệnh danh là nàng Kiều của phố cổ Hà Nội.

Tuy vậy, số phận lại đưa đẩy khiến cô phải kết duyên với một kẻ giàu có nhưng cục mịch, vũ phu, nghiện cờ bạc, rượu chè và chẳng có một chút tình yêu đối với vợ. Giữa lúc đau khổ vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô đã gặp gỡ nhà báo Hoàng Tích Chu - người đàn ông tài hoa đất Kinh Bắc và quyết định rời bỏ gia đình, vào Sài Gòn theo tiếng gọi tình yêu. Mặc dù hai người yêu nhau chân thành và say đắm, nhưng rốt cuộc cũng buộc phải chia cắt.

Cô Phượng bỗng không còn ai để nương tựa, đành làm nghề buôn bán nuôi thân. Về sau, giai nhân Hà thành qua lại với một người giàu có tên là Lưu. Biết chuyện, vợ của người đàn ông này đã phong tỏa tài sản của chồng, khiến ông đã không còn cơ hội để gặp tình nhân. Vì quá đau khổ khi nghĩ về cuộc đời đầy trắc trở, cô Phượng quyết định về Hưng Yên, tìm một ngôi chùa xin xuất gia.

Tại đây, có một người làm Tham tán đã mê mẩn vẻ đẹp của cô, bèn đến đánh tiếng với Phượng và xin với sư bà cho Phượng về làm vợ lẽ. Nhưng những tháng ngày êm ấm không kéo dài lâu, cô Phượng lại bị bà vợ cả ngầm đầu độc, làm cho cô hóa điên lúc tỉnh lúc mê, lúc cười lúc khóc, gầy rộc đi.

Vị tham tán kia đành sai người đưa cô về Chợ Bờ (Hòa Bình), nhưng sau đó cô Phượng về lại Gia Lâm, tìm đến bà hàng xóm cũ, trong người chỉ còn 15 đồng bạc. Khi bệnh tình Phượng ngày một nặng, bà hàng xóm đành đưa cô vào nhà thương. Đúng một tuần sau, cô qua đời. Đám tang Phượng chỉ có một người tình cũ rủ lòng thương, khắc cho cô một tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".

Hiếu Anh

Tổng hợp