Cúng tiễn ông Táo về trời bằng... chè sôi nước

(Dân trí) - Ngày 1/2 (tức 23 tháng Chạp), nhiều người dân ở vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu cúng tiễn đưa ông Táo về chầu trời bằng chè sôi nước (còn gọi là trôi nước).

Ghi nhận của PV Dân trí tại Bạc Liêu, cuối giờ chiều 1/2 (tức ngày 23 tháng Chạp), nhiều người dân ở Bạc Liêu mới bắt đầu cúng tiễn ông Táo về chầu trời. Do họ đa phần là người dân làm thuê, làm mướn nên trong một ngày phải tất bật đi làm, vì thế đến cuối giờ chiều mới có thể lo đến việc cúng ông Táo.

“Năm nào cũng vậy, do cả ngày phải đi làm từ sớm nên chưa có điều kiện cúng ông Táo buổi sáng hay buổi trưa, đến chiều về mới sắp xếp mua đồ cúng ông Táo về chầu trời được. Năm nay cũng như năm trước thôi, mình không có điều kiện mua gì đó sang sang để cúng, chỉ có thể mua gói chè để tiễn ông Táo”, một người dân ở Bạc Liêu chia sẻ.

Chè sôi nước (trôi nước) rất được người dân miền Tây Nam Bộ ưa chuộng.
Chè sôi nước (trôi nước) rất được người dân miền Tây Nam Bộ ưa chuộng.

Đồ cúng mà nhiều người dân miền Tây nói chung, ở Bạc Liêu nói riêng thường là chè sôi nước (hay còn gọi là chè trôi nước). Người dân cho rằng, món chè này có nét đặc trưng dễ ăn no, viên lại chè trơn tru, có nhiều nước. Khi ăn món này, ông Táo trước khi về trời được no bụng, điều kiện về trời cũng “xuôi chèo mát máy”. Và đây cũng là một loại đồ cúng dễ làm.

Với món chè sôi nước, nhiều gia đình có điều kiện hơn thì có thể mua nguyên liệu và nấu chè tại nhà tùy theo nhu cầu làm nhiều hay ít; còn những gia đình “nghèo” hơn thì có thể ra chợ mua một bọc chừng vài viên chè để cúng. Bên cạnh đó, nhà khá giả thì mua thêm quần áo, đồ dùng, phương tiện tiễn ông Táo như cá chép bằng giấy,…để đốt trong lúc cúng.

Một người dân ở Bạc Liêu cúng tiễn ông Táo về trời vào chiều ngày 1/2 (23 tháng Chạp).
Một người dân ở Bạc Liêu cúng tiễn ông Táo về trời vào chiều ngày 1/2 (23 tháng Chạp).

Khoảng 17 chiều ngày 23 tháng Chạp, PV Dân trí đến nhà một người dân ở xã Phong Thạnh A (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) và ghi nhận việc cúng tiễn ông Táo về chầu trời tại nhà này khá đơn giản. Bên cạnh một chiếc lò nấu bằng củi (được xem như là ông Táo), chủ nhà bày đồ cúng là một tô chè có 4 viên. Sau đó, chủ nhà đốt 3 cây nhang rồi ngồi trước chiếc lò cúng vái, khấn nguyện ông Táo về chầu trời “tâu” những điều hay cho gia chủ cũng như cầu mong một năm cũ qua đi, một năm mới đến tốt đẹp hơn.

“Nhà mình khó khăn thì chỉ có thể cúng vài viên chè thế này thôi. Nói chung là mình có cái tâm đối với sự linh thiêng của ông Táo. Đồ cúng đơn giản nhưng tấm lòng chân thật, một năm đã qua cả nhà bình an, nay năm mới đến thì mong mỏi là mọi sự sẽ tốt lành, đó là điều mình gửi gắm đến ông Táo trong ngày cúng tiễn ông về chầu trời”, vị chủ nhà bày tỏ.

Với người dân vùng nông thôn ở miền Tây, như ở Bạc Liêu thì việc cúng ông Táo rất đơn giản nhưng thành kính.
Với người dân vùng nông thôn ở miền Tây, như ở Bạc Liêu thì việc cúng ông Táo rất đơn giản nhưng thành kính.

Có thể nói, không khí ngày cúng ông Táo ở một số nơi khu vực nông thôn miền Tây, như ở Bạc Liêu khá lặng lẽ chứ không xôm tụ, rôm rả như ở một số vùng miền nông thôn hay thành thị khác. Bởi người dân đa phần không có nhiều điều kiện cũng như những năm gần đây, việc cúng tiễn ông Táo vào 23 tháng Chạp dường như không còn “giữ được” nhiều trong các gia đình như trước kia.

Có thể nói rằng, cả chục năm về trước hầu hết các gia đình ở vùng nông thôn thường nấu lò củi (có hẳn 3 chân lò được làm bằng đất sét, tượng trưng 3 ông (bà) Táo) nên việc cúng ông Táo vào dịp Tết như là một điều không thể thiếu trong văn hóa đời sống của họ. Tuy nhiên, những năm gần đây thì việc dùng lò củi đã ít dần (3 chân lò hầu như không còn), có thể đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tập tục cúng tiễn ông Táo cũng phai nhạt đi.

Huỳnh Hải