Chuyện về những tấm thổ cẩm đáng giá cả... con trâu

(Dân trí) - Người Mơ Nông tại Đắk Nông xưa kia thường thách cưới bằng vải thổ cẩm, có đôi trai gái nhờ nó mà nên duyên chồng vợ. Nhưng cũng có gia đình rơi vào cảnh dở khóc dở cười, bởi nhiều tấm đáng giá bằng cả con trâu.

Đã có một thời những tấm thổ cẩm trở thành thước đo giàu nghèo của mỗi gia đình đồng bào Mơ Nông. Nhà nghèo thì chỉ có tấm chăn để đắp, nhà giàu thì ngoài chăn thổ cẩm, họ còn dùng thứ vải này để may khố váy, túi xách, khăn choàng...

Phụ nữ Mơ Nông muốn có được chồng thì phải tự tay dệt cho bên nhà chồng một vài tấm vải thổ cẩm, có nhà không dệt vải được thì phải mang đồ đạc giá trị ra đổi.

Ngày nay, tuy không ai đổi trâu, đổi bò lấy một tấm chăn thổ cẩm nhưng với đồng bào Mơ Nông, thổ cẩm vẫn có ý nghĩa và vai trò to lớn trong đời sống của họ.

Tấm chăn nên duyên vợ chồng

Tranh thủ ánh nắng hiếm hoi của mùa mưa Đắk Nông, nhà bà H’Bơi (xã Nam Nung, huyện Krông Nô) lại mang chiếc chăn thổ cẩm ra phơi. Dưới ánh nắng, những sợi kim tuyến lấp lánh càng làm chiếc chăn thêm nổi bật. Cả gia đình ba thế hệ, ai cũng biết tấm chăn này được bà H’Bơi dệt từ khi còn con gái.

Hút vội điếu thuốc quấn bằng lá môn, bà H’Bơi cho hay, là con gái Mơ Nông thì phải biết dệt vải, 15 tuổi bà đã biết kéo sợi, lên rừng lấy lá diêl (một loại cây giống cây dâu tằm), lá khoai, củ nghệ, cây tràm về nhuộm màu chỉ. Ban ngày đi làm, tối về ngồi vào khung cửi, đằng đẵng cả năm trời bà mới dệt xong một tấm chăn.

Tranh thu trời nắng, bà H’Bơi mang chiếc chăn thổ cẩm ra phơi
Tranh thu trời nắng, bà H’Bơi mang chiếc chăn thổ cẩm ra phơi

Bà bảo rằng, hồi đó để đưa ông về ở rể nhà mình, bà phải “trả lễ” cho bố mẹ chồng bằng tấm chăn thổ cẩm ấy cùng một con heo và mấy ché rượu cần. Đến khi sinh đứa con đầu lòng, thấy hai vợ chồng khó khăn nên mẹ chồng tặng chiếc chăn lại cho bà. Tính ra, nó còn nhiểu tuổi hơn cô con gái của bà năm nay đã ngoài 30.

Thời bà còn trẻ, con gái Mơ Nông ai cũng phải biết dệt, nhưng nay ba cô con gái của bà H’Bơi suốt ngày trên nương, trên rẫy, không ai mặn mà với khung cửi. Sợ con không lấy được chồng, bà H’Bơi đành thay chúng dệt vải. “Phải mất mấy năm, tôi mới dệt cho mỗi đứa hai tấm chăn để chúng “trả lễ” cho nhà chồng”, bà thở dài rồi đưa mắt về phía những đứa cháu gái đang lấm lét nhìn khách.

Những tấm chăn thổ cẩm được người phụ nữ Mơ Nông dệt tặng cho bố mẹ chồng khi cưới
Những tấm chăn thổ cẩm được người phụ nữ Mơ Nông dệt tặng cho bố mẹ chồng khi cưới

Không được may mắn như những người con của bà H’ Bơi, Thị Nhoan (xã Đăk R’tih, huyện Tuy Đức) phải chịu cảnh mẹ mất từ sớm. Trong nhà toàn đàn ông, ngoài việc lo chuyện bếp núc, chị còn phải đi rừng đi rẫy nên cũng chẳng còn thời gian dệt vải.

Người mẹ ba con kể lại, nhà chỉ có mình chị là con gái, khi nhỏ cũng được mẹ dạy cho dệt thổ cẩm, nhưng từ khi mẹ mất thì chị phải theo các anh lên rẫy nên quên hết nghề. Đến khi lấy chồng, trong nhà chỉ còn tấm chăn cũ, cả nhà phải hỏi khắp nơi mới mua được một tấm để mang sang nhà chồng. Có tấm chăn ấy anh chị mới lấy được nhau.

“Người đồng bào Mơ Nông có tục thách cưới, không biết tục này có từ bao giờ, chỉ biết rằng những cô gái muốn có chồng thì phải đáp ứng lễ vật thách cưới của nhà trai. Vì lễ vật thách cưới nhất thiết phải có tấm chăn thổ cẩm nên “nhà nào không có thì phải bán gà, bán heo để mua bằng được.” Thị Nhoan tâm sự.

“Một tấm vải đổi cả con trâu”

Khi xưa nhiều tấm thổ cẩm phải mất cả năm trời mới dệt xong. Những tấm chăn dày dặn được dệt bằng tơ tằm với nhiều hoa văn độc đáo, có khi được định giá bằng cả một con trâu đực. Người Mơ Nông gìn giữ, bảo quản chúng như những báu vật của gia đình.

Anh Y Tân (xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức) kể: “Nhà mình có mấy tấm vải được bà già dệt từ khi chưa lấy chồng. Hơn nửa thế kỷ, cả gia đình vẫn gìn giữ, trân trọng nó như tài sản chung. Những tấm thổ cẩm này được cất trong nhà nguyện (nhà thờ riêng của gia đình). Ngoài một tấm lớn dưới chân Chúa thì những tấm còn lại được cất đi, chỉ đến ngày lễ mới mang ra dùng.”

Xưa kia để có một chiếc chăn thổ cẩm đi hỏi chồng cho con gái, nhiều gia đình phải đổi cả một con trâu
Xưa kia để có một chiếc chăn thổ cẩm đi hỏi chồng cho con gái, nhiều gia đình phải đổi cả một con trâu

Xã hội ngày càng phát triển, giờ đây những cô gái Mơ Nông mười chín, đôi mươi không phải ngày ngày ngồi bên khung cửi dệt vải, bởi họ có thể dễ dàng mua cho mình tấm chăn, bộ váy chỉ với giá từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.

Nhiều năm nay, chị H’ Nhoa (xã Nam Nung, huyện Krông Nô) được các gia đình trong buôn tìm đến đặt vải thổ cẩm. Kinh nghiệm gần chục năm làm nghề truyền thống này, chị cho biết: “Ngày xưa, để có một chiếc chăn dài, nhiều gia đình phải đổi cả trâu, cả bò. Còn nay không ai mang trâu bò đi đổi lấy vải, bởi mỗi tấm chỉ khoảng vài ba triệu đồng.”

Song dù không còn đáng giá cả gia tài như xưa, nhưng trong quan niệm của người Mơ Nông, những tấm vải thổ cẩm vẫn giữ một ý nghĩa to lớn. Chẳng thế mà, những chiếc chăn, bộ váy được làm bằng thứ vải truyền thống này lại được người bà, người mẹ cất giữ cẩn thận, chờ đến lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ giáng sinh… mới mang ra dùng.

Với kinh nghiệm gần 10 năm làm nghề, H’Nhoa được nhiều gia đình trong buôn tìm đến đặt mua vải thổ cẩm
Với kinh nghiệm gần 10 năm làm nghề, H’Nhoa được nhiều gia đình trong buôn tìm đến đặt mua vải thổ cẩm

Nhiều năm nay, xã Đắk R’tih (huyện Tuy Đức) được chọn là địa phương mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, nhiều chị em người đồng bào Mơ Nông, Ê Đê tại đây đã tự mình dệt được vải. Vải dệt ra được may thành váy áo, túi xách, chăn đắp... phục vụ nhu cầu của mọi người trong gia đình.

Nghề dệt thổ cẩm là đặc trưng trong văn hóa của đồng bào Mơ Nông tỉnh Đắk Nông
Nghề dệt thổ cẩm là đặc trưng trong văn hóa của đồng bào Mơ Nông tỉnh Đắk Nông

Ông Điểu Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk R’tih phấn khởi cho biết: “Thời gian gần đây địa phương có mở lớp dạy dệt thổ cẩm, bây giờ hầu hết phụ nữ của xã đã biết dệt vải. Khi xưa phải mất cả con trâu để có được một tấm chăn, còn bây giờ người ta mang ra tặng cho nhau mỗi dịp quan trọng.”

“Nghề dệt thổ cẩm là đặc trưng trong văn hóa của đồng bào Mơ Nông, mấy năm nay nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông đã tổ chức các lớp học nhằm khôi phục, phát huy nghề “mẹ truyền con nối” này. Phần lớn bà con vẫn giữ gìn phong tục và dệt được vải phục vụ nhu cầu của gia đình”, bà Đào Thị Hạnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông khẳng định.

Năm 2010, xã Đắk R’tih chủ trương khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhiều chị em phụ nữ trong xã rất phấn khởi về chủ trương này. Tuy nhiên, theo ông Điểu Minh (Chủ tịch UBND xã Đắk R’tih), phần lớn vải dệt ra chỉ dùng trong phạm vi gia đình. “Khi trước cũng có một số người thu mua vài thổ cẩm để bán lại, tuy nhiên được một thời gian thì dừng hoạt động vì buôn bán không hiệu quả”- ông Minh cho hay.

Trong khi đó, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông Đào Thị Hạnh thông tin, phần lớn vải được dệt thủ công nên giá thành khá cao, việc bỏ ra vài ba triệu đồng để mua một tấm vải thổ cẩm thì không phải dễ dàng.

Dương Phong