Chuyện ly kỳ về những “cụ cây thần” hàng trăm năm tuổi ở Việt Nam

(Dân trí) - Những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được nhiều thế hệ người dân xem như “báu vật” gìn giữ, chăm sóc qua nhiều đời. Xung quanh nó cũng tồn tại rất nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn đến khó tin.

Chuyện kỳ lạ về “thần cây thị” 600 năm tuổi ở Bắc Ninh

Đến đầu làng Phú Mẫn (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) hỏi đường vào đền Chờ không ai không biết bởi, đền rất linh thiêng và còn có một “báu vật” – đó là cây thị cổ thụ đã gần 600 năm tuổi.

Theo quan sát của PV, cây thị có đường kính khá to, gốc khoảng 6-7 mét và cao trên 20 mét. Điều kì lạ là thân cây từ gốc đến ngọn đều rỗng nhưng cây vẫn phát triển tốt, tán rộng và lá xum xuê. Cây thị đang thời kì ra hoa, rụng kín dưới gốc. Bên cạnh gốc thị là một bàn thờ nhỏ, hương khói đầy đủ.

Về nguồn gốc của cây thị, ông Nguyễn Văn Phượng (69 tuổi) – Thủ từ đền Chờ cho hay, năm 2012, cây thị được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Để xác định số tuổi của cây, làng đã mời Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam về lấy mẫu tăng trưởng.

Cây thị ở đền Chờ (Phú Mẫn, Yên Phong, Bắc Ninh) được xác định đã 578 tuổi.
Cây thị ở đền Chờ (Phú Mẫn, Yên Phong, Bắc Ninh) được xác định đã 578 tuổi.

“Lúc đó tuổi chính xác của cây thị là 573 năm tuổi, vậy tính đến nay là cây đã 578 tuổi”, ông Phượng nói.

Suốt những năm tháng qua, người dân làng Chờ, Phú Mẫn coi cây thị như một “báu vật” và cũng không ai dám mạo phạm đến “thần” thị.

Dù đã gần 600 năm tuổi nhưng cây thị vẫn ra rất nhiều hoa. Hoa rụng kín cả dưới gốc tuy nhiên, mỗi năm cây chỉ đậu rất ít trái. Có nhiều lời đồn đoán từ thời phong kiến, hễ cây thị đậu bao nhiêu trái thì trong làng Chờ có bấy nhiêu người đỗ đại học.

Dù đã cao tuổi nhưng cây thị vẫn phát triển rất tốt, cành lá xum xuê tỏa bóng mát.
Dù đã cao tuổi nhưng cây thị vẫn phát triển rất tốt, cành lá xum xuê tỏa bóng mát.
Năm 2012, cây thị đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Năm 2012, cây thị đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Phượng nói: “Đấy là ngày xưa các cụ truyền tai nhau thế nhưng tôi nghĩ có thể là do sự trùng hợp nào đó. Những năm gần đây, tôi thấy số lượng người đỗ đại học trong làng rất nhiều còn cây thị có năm chỉ đậu duy nhất 1 trái, năm đậu nhiều thì 20-30 trái”.

Đặc biệt, những quả thị ở đền Chờ khi chín rất thơm, vỏ vàng óng ánh. Tuy rơi từ độ cao khoảng hơn 20 mét xuống sân gạch nhưng không bao giờ bị dập vỡ. Người dân cũng không dám tự tiện nhặt mang về mà muốn xin về phải vào đền làm lễ.

Do thân cây rỗng từ gốc lên đến ngọn nên những đêm gió thổi to, thân cây thị phát ra một tiếng động rất lạ nghe “ục ục”. “Tôi ở đây quen rồi nên không sợ chứ người lạ mà lần đầu nghe tiếng phát ra thì hoảng luôn”, ông Phượng nói.

Đến ngày nay, những câu chuyện kì lạ về “thần” thị vẫn được người dân làng Chờ truyền tai nhau. Không biết những câu chuyện có thật hay không vì chưa ai lí giải được.

Hằng năm theo tục lệ của làng, hễ nhà ai có việc đều phải mang lễ vật ra đền làng thờ cúng sau đó đánh trống trình báo với các thần, có như vậy các ngài mới chứng dám và phù hộ.

Chuyện lạ khó tin quanh cây dầu rái trồng ngược

Cây dầu rái đặc biệt này tọa lạc ở đường Sơn Thông (phường 7, TP Trà Vinh). Bà Kim Thị Hương (59 tuổi, ngụ phường 7) chia sẻ, từ khi sinh ra bà đã được các thế hệ trước kể chuyện về “cây thần”. Theo đó, trong một lần đi hành đạo qua nơi này, một vị cao tăng thấy địa thế đẹp, cao hơn xung quanh nên đã trồng nhiều cây dầu chính giữa khu đất cao.

Điều đáng nói, thay vì trồng như bình thường, vị cao tăng này lại cắm ngọn của cây xuống đất. Thấy cách trồng cây kỳ quái, nhiều người gặng hỏi thì vị cao tăng chỉ cười, nói đó là huyền cơ, sau này sẽ biết. Sau khi trồng cây, vị cao tăng bỏ đi không một lần trở lại.

Bên gốc “cụ dầu”, người dân xây dựng miếu thờ
Bên gốc “cụ dầu”, người dân xây dựng miếu thờ

Theo người xưa kể lại, những cây dầu được trồng ngược đó chỉ có một cây duy nhất sống, đó chính là cây dầu rái hiện nay. Điều đặc biệt là cây dầu rái này tỏa bóng rộng chứ không thẳng vút như những cây cùng chủng loại khác. Một số người cho rằng có lẽ những cành cây khúc khuỷu, sần sùi vươn rộng như bộ rễ là lý do ra đời câu chuyện cây trồng ngược như trên.

Năm 1994, trong một lần đi tìm đất canh tác, ông Thái Huy Khanh (53 tuổi) ngang qua khu vực cây dầu rái, nhìn thấy hình thù kỳ lạ của cổ thụ nên quyết mua khu đất này.

Ông Khanh cho biết, ngay khi nhìn thấy cây dầy rái có hình dáng lạ, ông đã thấy có một sự thân thuộc tới khó tả. Vì thế, ông đã dùng 8 cây vàng để mua lại mảnh đất có cây dầu rái. “Khi biết tôi có ý định mua lại mảnh đất này, người nhà, bạn bè tôi đã kịch liệt phản đối, can ngăn vì cho rằng đó là đất thiêng, không thể ở cũng không thể canh tác được. Vậy nhưng tôi đã gạt bỏ tất cả và quyết mua khu đất này”, ông Khanh nói.

Thân cây có nhiều nhánh vươn rộng ra các hướng, thớ gỗ vặn xoắn rất lạ
Thân cây có nhiều nhánh vươn rộng ra các hướng, thớ gỗ vặn xoắn rất lạ

Chủ nhân của khu đất này cũng cho hay, trước đây khi tới thăm cây, một số người mê tín cho rằng cây toả linh khí, có khả năng chữa bách bệnh nên mỗi lần đến lại bóc một mảnh vỏ cây mang về, xem như điều may mắn.

Cây “nổi tiếng” đến mức năm 2015 có một vị giáo sư người Úc tìm tới xem xét về giống và nguồn gốc cây. Sau khi thăm cây, giáo sư này khẳng định đây là cây dầu rái đặc biệt, có khả năng tự tái sinh khi bị sét đánh hay bị bóc vỏ.

Thời điểm vị giáo sư trên tới xem cây cũng là lần đầu tiên ông Khanh có đo đạc về cây. Theo lần đo năm 2015, cây có chiều cao khoảng 25m, gốc cây có bề ngang khoảng 7m. Cái độc đáo của cây này là gỗ xoắn từ gốc lên tới các nhánh, trong khi các cây cùng chủng loại khác đều mọc thẳng.

“Cụ cây” từng trải qua 7 thế kỷ tại Việt Nam

Kể từ khi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia vào năm 2013 rồi được Tổ chức kỷ lục Việt Nam - Vietkings xác lập kỷ lục vào năm 2014, cây dã hương có tuổi đời 556 năm ở xã Yên Nhân (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã thu hút sự chú ý của nhiều người cả trong lẫn ngoài nước. Trong lịch sử hàng trăm năm ấy, “cụ cây” này gắn liền với những câu chuyện mang tính lịch sử được truyền từ đời này sang đời khác, và cũng vướng phải không ít thị phi là những tin đồn thiếu căn cứ.

Cây dã hương cổ thụ này ở làng Dương Phạm (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Cây dã hương cổ thụ này ở làng Dương Phạm (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Ông Chu Minh Giang - Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết, cây dã hương đại thụ nói trên được trồng trong khuôn viên miếu thờ bà Ngô Nữ Thị Hoằng. Theo sử sách, bà vốn xuất thân từ một gia đình nghèo khó, sau trở thành nhị phi của vua Lê Thánh Tông (niên đại 1460 - 1497). Trước khi qua đời vì trọng bệnh vào ngày 10/6 âm lịch năm 1471, bà có ước nguyện là được an táng tại quê cha đất mẹ. Do đó, nhà vua đã cho thuyền đưa thi thể bà về quê chôn cất, rồi trồng một cây mộc hương để phủ mát nơi bà yên nghỉ.

Về những câu chuyện tâm linh liên quan tới cây dã hương cổ thụ, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân khẳng định các câu chuyện đó đều vô căn cứ hoặc chỉ đơn giản là sự trùng hợp.

Gốc và rễ cây già cỗi.
Gốc và rễ cây già cỗi.

Chẳng hạn thông tin truyền tai nhau cho biết, vào năm 1976, người dân cắt rễ, cắt cành cây dã hương về đóng đồ dùng và đun bếp rồi sau đó gặp nhiều chuyện không may, là không có thật. Hay trong cơn bão năm 1985, người dân cũng không gặp những chuyện xui xẻo gì khi dùng cành lá khô gãy, đổ trong bão để đốt lửa.

Đặc biệt, “cụ cây” còn bị gán vào những lời thị phi bởi những câu chuyện hoàn toàn hư cấu khác, như câu chuyện về một thanh niên lấy đá ném con chim trên cành cây rồi tay anh ta bị gãy dù không va đập vào đâu. Câu chuyện con rể ông trưởng xóm cũ leo lên chặt 3 cành cây to về bán rồi đúng 3 năm sau tự tông vào gốc cây tử nạn cũng chỉ là hư cấu.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, hiện cây dã hương cổ thủ của làng thu hút rất đông du khách xa ở đến chiêm ngưỡng vào những ngày rằm. Thời gian qua còn có những vị khách là kỹ sư nông nghiệp người Đức, Nga, Úc,... tìm đến để tận mắt thấy, tai nghe.

Hiệp Nguyễn

Tổng hợp