Chuyên gia chỉ cách nhận biết thịt lợn chứa chất tạo nạc

(Dân trí) - “Thịt lợn chứa chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường. Khi chế biến thường bị tách rời rõ rệt phần mỡ và phần nạc. Khi ăn không cảm nhận được vị thơm và béo của thịt”, GS-TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Thịt lợn là thực phẩm được tiêu thụ phổ biến nhất hiện nay. Nắm bắt tâm lý đó, trước khi bán ra thị trường, không ít cơ sở chăm nuôi đã sử dụng chất cấm để tạo nạc cho đàn lợn của mình.

Chất tạo nạc Salbutamol thuộc nhóm Beta-Agonist bị hai tổ chức WHO (Y tế thế giới) và FAO (Nông lương thế giới) cấm sử dụng nhiều năm nay. Tại Việt Nam, loại chất độc hại này bị cấm sử dụng trong chăm nuôi từ năm 2002.

Tuy nhiên thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện hiện số lượng lớn chất tạo nạc được sử dụng tại các trang trại chăn nuôi đã khiến người tiêu dùng hoang mang và lo lắng.

Mới đây nhất, ngày 3/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện trong 160 mẫu thì có 5 mẫu tại 3 cơ sở chăn nuôi ở Thanh Hóa dùng chất cấm tạo nạc Salbutamol. Ngoài ra, nhà chức trách cũng đã gửi 13 mẫu để phân tích định lượng chất Salbutamol. Trong đó có 5 mẫu nước tiểu, 4 mẫu thức ăn chăn nuôi, 4 gói bột trộn vào thức ăn cho lợn đều dương tính với chất tạo nạc.

Thịt lợn chứa chất tạo nạc Salbutamol có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường (Ảnh minh họa: Internet)
Thịt lợn chứa chất tạo nạc Salbutamol có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường (Ảnh minh họa: Internet)

Trao đổi với chúng tôi về ảnh hưởng của chất tạo nạc Salbutamol đối với sức khỏe con người, GS-TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Salbutamol làm cho đàn lợn tăng trọng nhanh, nhất là lượng nạc. Khi lợn được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu mỡ và nếu không bán nhanh thì con vật sẽ chết. Do vậy, người chăm nuôi thường pha chất này cho lợn ăn trong khoảng 15 ngày đến 1 tháng rồi xuất chuồng ngay.

Về sự nguy hại khi ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc Salbutamol ông Thịnh nói: “Người tiêu dùng sau một thời gian ăn phải thịt lợn chứa hóa chất tạo nạc Salbutamol có thể tồn đọng các chất độc hại trong cơ thể. Những cảm giác như chóng mặt, nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp,… sẽ xảy ra thường xuyên. Về lâu dài, chất này có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, thậm chí gây tử vong.

Nhận biết thịt lợn chứa chất tạo nạc

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, bằng mắt thường người tiêu dùng rất khó có thể nhận biết được đâu là thịt lợn an toàn và đâu là thịt lợn chứa chất tạo nạc Salbutamol. Song vẫn có những nguyên tắc nhất định có thể giúp người tiêu dùng chọn lựa được thịt lợn an toàn.

Theo vị chuyên gia này, thịt lợn an toàn thường có lớp mỡ sáng bóng, phần nạc có độ đàn hồi cao, khi ấn tay vào không để lại vết lõm dính. Thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, màng ngoài thịt khô nhưng khi dùng dao cắt thịt có màu sắc bình thường sáng.

Người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua những loại thịt có màu sắc bất thường như màu hơi thâm, màu xanh nhạt và khi dùng tay ấn vào thịt có cảm giác bị nhớt. Không mua thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay thuốc kháng sinh.

Thông thường thịt lợn chứa chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường. Khi chế biến thường bị tách rời rõ rệt phần mỡ và phần nạc. Khi ăn không cảm nhận được vị thơm và béo của thịt.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng bày tỏ thêm: “Bởi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết chính xác thịt lợn chứa hóa chất tạo nạc Salbutamol nên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt việc kiểm soát hóa chất độc hại này. Xử lý nghiêm minh các cơ sở chăn nuôi sử dụng loại chất tạo nạc này, đồng thời tiêu hủy ngay các đàn lợn đã phát hiện chứa chất tạo nạc.”.

Nhữ Trang