"Chiến thuật" xoa dịu cơn thịnh nộ của trẻ nhỏ

(Dân trí) - Trẻ con có thể nổi giận hoặc quấy khóc vì những yêu cầu không được đáp ứng ngay lập tức khiến cha mẹ không có cách nào dỗ được. Một vài mẹo dưới đây sẽ phần nào giúp các cha mẹ cảm thấy dễ dàng hơn khi đối phó với những cơn thịnh nộ của con.

Làm trẻ phân tâm

Khả năng tập trung của trẻ nhỏ thường không cao, vì vậy cha mẹ có thể khéo lóe “lái” cơn giận giữ của trẻ bằng cách đánh lạc hướng để trẻ chuyển sang một trạng thái cảm xúc khác. Ví dụ như ví dụ như “Con gì rất to vừa bay vào nhà mình thế” “Cái máy bay mô hình của ai bay vào sân thế kia”… Một khi đã bị thu hút bởi chuyện gì đó vui vẻ hơn, con bạn sẽ quên đi cơn giận.

Phớt lờ đi

Đối với những trẻ tỏ ra bướng bỉnh, có một cách để làm giảm bớt căng thẳng, giận giữ là phớt lờ trẻ đi. Cứ cho bé “ăn vạ” chán chê, cha mẹ kiên quyết không được mềm lòng. Khi phát ra tín hiệu mà không thấy cha mẹ hồi đáp, các bé sẽ chán và tìm mọi cách để làm lành với mẹ.

Phớt lờ bé lúc bé lên đỉnh điểm “ăn vạ” không có nghĩa là sẽ bỏ qua luôn chuyện này. Sau khi bé trở lại bình tĩnh, cha mẹ cần giải thích cho bé hiểu hành động vừa rồi của bé là không tốt, và sai như thế nào.


Trẻ con có thể nổi giận hoặc quấy khóc vì những yêu cầu không được đáp ứng ngay lập tức (Ảnh: Internet)

Trẻ con có thể nổi giận hoặc quấy khóc vì những yêu cầu không được đáp ứng ngay lập tức (Ảnh: Internet)

Ôm trẻ vào lòng

Hãy ôm con vào lòng để trẻ luôn cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Khi thấy trẻ tức giận, cha mẹ nên ôm chặt trẻ vào lòng và hỏi han bé “Điều gì làm trẻ tức giận? Cho mẹ biết để 2 mẹ con ta cùng giải quyết nhé? Điều này có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và bình tĩnh trở lại. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, cha mẹ lại mắc sai lầm bỏ qua cơn tức giận của trẻ, khiến trẻ cơn giận của trẻ càng trở nên trầm trọng.

Thực chất, tức giận, ăn vạ chính là dấu hiệu của một đứa trẻ không nhận được sự quan tâm và tình cảm mà chúng muốn có. Vì vậy, trong những trường hợp này, cái ôm thực sự cần thiết với trẻ. Tất nhiên, người lớn không nên áp dụng phương pháp này quá nhiều để tránh tạo thói quen dựa dẫm cho trẻ.

Không nên la mắng, đánh trẻ

Nếu bị cha mẹ la mắng, cơn tức giận của trẻ càng “bốc cháy” hơn. Vì vậy, cha mẹ cần phải tình tĩnh, tránh khiến cơn giận giữ của trẻ chuyển sang mình. Không nên đánh trẻ bởi làm như vậy trẻ có thể học theo cách ứng xử của bố mẹ để ứng xử với mọi người xung quanh hoặc trẻ sẽ trở lên lì đòn dẫn đến đòn roi không có tác dụng. Một hình phạt tốt sẽ giúp cho sự phát triển của trẻ em và bạn có thể sử dụng những cách khác nhau thay vì đánh, mắng trẻ.

Không nên la mắng khi trẻ đang trong cơn tức giận (Ảnh: Internet)
Không nên la mắng khi trẻ đang trong cơn tức giận (Ảnh: Internet)

Thay đổi không khí

Cha mẹ hãy dùng khuôn mặt rạng rỡ để trẻ cảm thấy được an toàn thay vì đối diện với trẻ một cách bực bội sẽ không giúp làm dịu đi tâm trạng cửa trẻ.

Ngoài ra, cần thay đổi ngay không khí bằng cách hướng dẫn bé thực hiện một số bài tập hiệu quả giúp trấn tĩnh như: Hít thở sâu, ra ngoài trời, ở một mình, tập yoga, tập võ… Nếu con còn nhỏ, bạn có thể gợi ý để bé vẽ tranh về những điều mình đang cảm nhận. Trẻ lớn hơn có thể rủ trẻ đi bơi, đi tắm. Sau khi đi ra ngoài một lúc có thể giúp cơn giận cũng sẽ biến mất.

Nghe trẻ tâm sự

Một liều thuốc an thần hiệu quả trong những lúc trẻ tức giận là lắng nghe chia sẻ, tâm sự của trẻ. Khi mối quan hệ thân tình với con cái như bạn bè được cha mẹ tạo ra, trẻ sẽ tin tưởng và thổ lộ những buồn vui, điều khiến trẻ nổi con giận giữ đồng thời điều tiết cảm xúc của bản thân. Bên cạnh đó mẹ cần hiểu những thay đổi tâm lý của trẻ để tìm cách giải tỏa giúp con. Nếu trẻ đang ốm đau, buồn ngủ, đói… hãy thỏa mãn nhu cầu của trẻ trước.

Nhữ Trang