Chần thịt qua nước sôi: Sai lầm nghiêm trọng, bà nội trợ nào cũng mắc

(Dân trí) - Để loại bỏ tạp chất và giảm nguy cơ thịt nhiễm độc, nhiều bà nội trợ có thói quen chần thịt qua nước đun sôi nhiều lần rồi mới đem chế biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là cách làm sai lầm và vô tình lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiện nay, trên thị trường thông tin về thịt lợn ăn cám tăng trọng, tiêm tạp chất khiến nhiều người lo lắng. Để giảm nguy cơ thịt nhiễm độc, nhiều bà nội trợ có thói quen chần thịt qua nước đun sôi sau đó mới tiếp tục chế biến.

Chị Minh Anh (27 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, lần nào mua thịt ở chợ, chị cũng đều phải chần qua nước sôi, bỏ thêm vài hạt muối để thịt ra hết bọt đen và mùi hôi tanh. “Lần nào mà không sơ chế trước như vậy, khi ăn mình có cảm giác thịt hôi, không thơm ngọt nên ăn không yên tâm”, chị Minh Anh nói.

Tương tự, bà Thu Hương (52 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết, trước đây thịt nuôi bằng thức ăn tự nhiên, khi chế biến không có mùi hôi hoặc hiện tượng sủi bọt đen. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình lạm dụng thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt không được thơm ngon như trước.

Thông tin về thịt lợn ăn cám tăng trọng, tiêm tạp chất khiến nhiều người lo lắng, nhiều bà nội trợ tìm đủ cách sơ chế trước khi chế biến. Ảnh: Trần Văn
Thông tin về thịt lợn ăn cám tăng trọng, tiêm tạp chất khiến nhiều người lo lắng, nhiều bà nội trợ tìm đủ cách sơ chế trước khi chế biến. Ảnh: Trần Văn

Để khắc phục điều này, bà Hương vẫn thường chần qua thịt trong nước đun sôi để loại bỏ tạp chất sau đó mới đem chế biến. Với cách làm này, bà Hương tin rằng chất lượng thịt sẽ được đảm bảo và an toàn hơn. “Không chỉ chần một lần mà đối với thịt lợn cảm giác không ngon tôi còn chần lại với nước sôi 2 đến 3 lần cho yên tâm. Nhờ thế, sau khi chế biến các món ăn cũng có cảm giác yên tâm hơn”, bà Hương nói.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân Trí, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, đây là cách làm sai lầm. Việc chần thịt qua nước sôi không thể loại bỏ tạp chất trong thịt thậm chí còn khiến các chất độc nếu có trong thịt sẽ thấm ngược trở lại vào bên trong. Nguyên nhân là do, khi cho thịt vào nước đun sôi sẽ làm miếng thịt biến tính co lại làm cho thịt “ngậm” chặt các hóa chất bẩn mà không đào thải ra bên ngoài.

“Nếu cho thịt vào nước đun sôi, nhiệt độ cao khiến các protein bề mặt bên ngoài thịt đóng vón lại, các chất bên trong không thôi ra được, tương tự các chất độc cũng đóng vón lại. Điều này rất không tốt và là cách làm sai lầm mà nhiều người mắc phải”, PGS.TS Thịnh khẳng định.

Chuyên gia này cũng cho biết, cách hữu hiệu để loại bỏ chất bẩn và hóa chất có trong thịt lợn là, khi mua về, bà nội trợ nên rửa thịt bằng nước sạch nhiều lần. Ngoài ra, có thể dùng muối hoặc nước muối pha loãng bóp thịt, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Khi luộc thịt nên luộc bằng nước lạnh, có thể cho thêm hành, gia vị để thịt thơm, ngọt hơn. Trong quá trình nấu, nếu thấy có hiện tượng nổi bọt, váng có thể dùng thìa để hớt bỏ đi.

Thực tế, thịt nhiễm độc, bơm tạp chất theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh rất khó nhận biết bằng mắt thường. Khi mua, bà nội trợ cần chú ý chọn lựa những miếng thịt có màu hồng sáng, bì mềm mại, thớ thịt săn và đàn hồi tốt. Không nên chọn miếng thịt ít mỡ, lỏng lẻo và chuyển màu khác lạ. Đặc biệt, thịt phải không có mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

“Tốt nhất bà nội trợ nên mua hàng ở các cơ sở uy tín, trong các cửa hàng đã được chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu thấy miếng thịt có những biểu hiện lạ như: chuyển màu, mùi hôi, ra nhớt… thì tuyệt đối không nên ăn để tránh nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe”, chuyên gia này tư vấn.

Hà Trang