Bất ngờ với "thủ phạm" gây hỏng răng của trẻ

Ngậm vú giả, bú bình khi ngủ, đẩy lưỡi về phía trước, mút tay, cắn móng tay, nghiến răng... là những thói quen xấu không chỉ gây hại cho răng miệng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Đẩy lưỡi về phía trước

Thói quen đẩy lưỡi về phía trước ở trẻ tưởng như vô hại nhưng lại có ảnh hưởng rất xấu cho hàm răng của bé. Việc đẩy lưỡi ra trước sẽ làm các răng phía trước, trên và dưới nghiêng ra phía trước và xa nhau. Hậu quả có thể làm trẻ bị hô răng trên và có thể gây cắn hở. Do vậy cha mẹ cần phải lưu ý và phát hiện khi trẻ có thói quen xấu này, cần quan sát và hướng dẫn trẻ đặt lưỡi ở đúng vị trí.

Ngậm vú giả

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng việc cho trẻ ngậm núm vú giả hoàn toàn vô hại, giúp trẻ ngoan và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, nếu để trẻ ngậm trong một thời gian dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với các vấn đề bất thường về răng miệng khiến hàm, cơ mặt, cung răng và lưỡi phát triển bất thường.

Ảnh minh họa
 Trẻ bú bình khi ngủ gây hại răng. Ảnh minh họa.

 

Bú bình khi ngủ

Nhiều cha mẹ thường cho trẻ uống sữa, bú bình hay uống nước hoa quả trước khi đi ngủ và nghĩ rằng, khi trẻ ăn no bụng sẽ ngủ ngon và ít quấy hơn. Tuy nhiên, kết quả của thói quen này sẽ khiến răng trẻ bị sâu. Đường từ nước trong chai sẽ nằm lại trên răng trong thời gian khá lâu, chúng sẽ bám vào chân răng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng bé, khiến bé dễ bị sâu răng. Ngoàira,nếu cho trẻ ăn quá no trước khi đi ngủ, sẽ khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn và đây cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị tăng cân béo phì.

Mút ngón tay

Mút tay là một thói quen xấu, mút tay nhiều sẽ làm răng bé bị hô và phải điều trị phẫu thuật chỉnh hình răng. Rất nhiều trẻ có thói quen mút tay tuy nhiên nếu để tình trạng này kéo dài sẽ không tốt cho răng của bé. Đặc biệt là khi trẻ đã mọc răng vĩnh viễn, sẽ làm hàm răng bị lệch lạc, sai khớp cắn và làm hẹp cung hàm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của hàm răng trẻ.

Bên cạnh đó, út tay cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng giun sán và các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp, nguy hại cho sức khỏe của bé. Vì thế cha mẹ cần giúp trẻ loại bỏ thói quen xấu này càng sớm càng tốt.

Nuốt kem đánh răng

Nhiều trẻ khi đánh răng thường nuốt cả kem. Thói quen xấu này của trẻ rất nhiều flouride thâm nhập vào cơ thể của trẻ gây ra các nốt trắng hoặc nâu bám trên răng, hiện tượng này gọi là Flourosis. Chính vì vậy, cha mẹ cần quan sát và hướng dẫn cho trẻ cách đánh chải răng, súc miệng và nhổ đúng cách và giúp trẻ hiểu rằng chỉ cần một ít kem đánh răng nhỏ như hạt đậu là đủ.

Cắn móng tay, gặm bút chì

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tật cắn móng tay ở trẻ không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà còn gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Các thói quen cắn móng tay, gặm bút , cắn các vật cứng rất có hại vì sẽ làm cho răng trẻ bị mòn, dễ rạn nứt, mẻ, ê , đau răng và giảm độ ngon miệng khi ăn uống lâu ngày còn có thể làm chết tủy răng và dễ cónguy cơ bị sưng tấy hay nhiễm trùng phần da xung quanh móng gây mất vệ sinh hay dễ nhiễm các bệnh giun sán.

Do vậy, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu tác hại của việc cắn móng tay và loại bỏ thói xấu này ở trẻ

Chống cằm

Trẻ lớn thường có thói quen chống tay vào cằm. Thói quen này không gây xô lệch răng một cách đáng kể ngay tức thì nhưng nếu kéo dài có thể gây hô hàm dưới tức là hàm dưới đưa ra hàm trên thụt vào, có thể khiến cho trẻ bị móm.

Thở bằng miệng

Ở trẻ em, việc phải thường xuyên phải thở bằng miệng sẽ khiến niêm mạc miệng khô, dẫn đến gây sâu răng, lệch lạc răng và khô hàm răng. Bên cạnh đó, nếu trẻ thường xuyên thở bằng miệng sẽ khiến hệ thống xương mặt phát triển không cân đối, dễ làm rối loạn các khớp cắn.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và sớm loại bỏ thói quen xấu này ở trẻ.

Nghiến răng

Nghiến răng thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ cơ và các khớp thái dương của hàm răng, khiến cho hệ thống nhai bị suy yếu. Chưa kể đến một số bé có thói quen nghiến răng mạnh sẽ làm vỡ men răng sữa hoặc gây mòn răng. Nếu trẻ thường xuyên nghiến răng sẽ làm nướu và hàm răng thay đổi bất thường, xấu hơn có thể làm khuôn mặt biến dạng.

Do vậy, cha mẹ nên giúp con loại bỏ thói quen nghiến răng và cho trẻ đi khám bác sĩ để theo dõi tình trạng của các khớp, cơ, nướu và viêm nhiễm răng nếu có. Nếu hàm răng bị xô lệch các bác sĩ sẽ dùng phương pháp chỉnh hình.

Không cho trẻ khám răng định kỳ

Theo các bác sĩ nha khoa, việc khám và chăm sóc răng trẻ em định kỳ sẽ giúp theo dõi chính xác tình trạng phát triển của răng và có điều trị kịp thời. Theo đó, cha mẹ hãy đưa bé đi khám răng ít nhất 4 tháng/1 lần, đừng chờ đến lúc trẻ bị sâu răng hay bị đau răng mới đưa đi khám.

Theo Phạm Minh  

VnMedia