Bác Hồ trong lòng người dân Nam Bộ

(Dân trí) - Những ngày này, hòa cùng không khí chung của cả nước đang hướng về kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đang nô nức chuẩn bị cho ngày sinh nhật Bác.

Đền thờ Bác ở xứ cù lao

Đã thành thông lệ, gần đến ngày 19/5, bà con lại tất bật chuẩn bị nếp dẻo, gạo thơm, nấu xôi làm bánh mang đến dâng Bác tại Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). Hầu như gia đình nào cũng có mâm lễ vật của riêng mình là những sản vật quê nhà do chính mình vun trồng. Đến mỗi căn nhà ở Cù Lao Dung đều dễ dàng bắt gặp bàn thờ Bác Hồ trang trọng, uy nghiêm và nghi ngút khói hương.

Sinh nhật Bác lại về, bà con lau dọn, trưng bày bàn thờ Bác thật đẹp. Ông bà nhắc nhở con cháu, bà con lối xóm động viên nhau... ai cũng phải nên sửa mình, cố gắng sống tốt, lao động, sản xuất, học tập thật giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau để xứng đáng với công lao của Bác và để cho Bác được vui lòng.

Thầy Trương Văn Nhỏ (trường Tiểu học An Thạnh Đông C) cho biết: “Đã nhiều năm nay, năm nào bà con ở địa phương cũng tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác và sau này nâng lên thành lễ hội Đền thờ Bác Hồ. Những ngày này, cả xứ cù lao vui như ngày hội khi các tuyến đường được trang hoàng đẹp mắt bởi cờ Tổ quốc tung bay trong gió, dòng người nô nức về đền thờ Bác. Ai cũng háo hức chờ được vào thắp hương cho Bác và dâng lên người những sản vật của quê hương mình”.

Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung.
Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung.

Đền thờ Bác Hồ toạ lạc tại xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (cũ) nay là xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Đền thờ được khởi công xây dựng vào ngày 3/2/1970 và hoàn thành đúng dịp sinh nhật Bác vào ngày 19/5/1970. Việc lập đền thờ Bác Hồ là một việc làm có ý nghĩa thiêng liêng, phù hợp với tập tục và đạo lý Việt Nam, nói lên tấm lòng tôn kính của người dân miền Nam đối với Bác.

Vào năm 1970, thời điểm đền thờ Bác lập xong cũng là lúc Mỹ nguỵ thay đổi chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hoá chiến tranh” nên việc giữ gìn, bảo vệ Đền thờ Bác lại càng khó khăn hơn.

Có một câu chuyện lịch sử kể lại, thời điểm đó, tên Trung uý Nhàn, trưởng đồn chỉ huy trung đội bảo an, vốn là tên ác ôn khét tiếng ở đây, đã dẫn lính đi lùng sục đốt phá nhà cửa của nhân dân trong xã. Một lần chúng kéo đến đền thờ Bác Hồ, cả bọn hết sức ngạc nhiên, tại sao một vùng cù lao sông nước xa xôi này lại mọc lên một đền thờ Bác Hồ?

Đầu tiên, bọn chúng hạch sách bà con: “Ai là người đầu đảng bày ra việc lập đền thờ Ông Hồ?”. Hôm ấy, dân trong ấp kéo lại hàng chục người, trong đó có Bà Giáo Tiền (tức Tô Thị Tốt), bà Hai Luỹ, Hai Kỳ cùng tham gia, một người đứng ra nói: “Không ai cầm đầu cả, đây là sự biết ơn của bà con đối với cụ Hồ, vì Cụ đã đem cơm áo, ruộng đất cho nhân dân đánh Pháp năm xưa, hôm nay cụ Hồ mất, nên nhân dân lập đền để thờ”.

Chúng hỏi: “Ai đứng ra xây cất?” Bà con đồng thanh trả lời: “Dân trong ấp đồng lòng đứng ra xây cất”. Chúng nhào tới đánh đập, bà con không nao núng cứ một mực như vậy mà nói. Không đàn áp, hù doạ được, chúng xoay qua đòi đốt đền thờ, bà con cương quyết ngăn lại, với lý lẽ: “Đền ở đây đất sát bên nhà chúng tôi, các ông đốt rồi cháy lan đến nhà cửa rồi sao? với lại từ xưa đến nay không có ông quan nào lại đốt đền miếu, nơi thờ thần thánh….”. Người khác tiếp: Chỉ có giặc giã mới làm như vậy mà thôi”. Tên ác ôn đuối lý, nạt bà con giải tán rồi ra lệnh rút lui.

Bên trong là tượng Bác uy nghiêm, người dân tôn kính.
Bên trong là tượng Bác uy nghiêm, người dân tôn kính.

Qua bao năm tháng tạo dựng và kiên trì, dũng cảm đấu tranh gìn giữ đền thờ Bác, giờ đây người dân An Thạnh Nhì nói riêng, nhân dân Long Phú - Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nói chung có quyền tự hào là giữa vùng sông nước cù lao, giữa Lòng Đầm, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đứng uy nghiêm sừng sững, làm nao nức bao tấm lòng của người dân nơi đây.

Một vinh dự lớn đến với Đảng, quân và dân An Thạnh Nhì (nay là An Thạnh Đông), ngày 28/12/2001, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận là Di tích Lưu niệm Danh nhân cấp quốc gia.

Ông Lý Sênh (ngụ TP Sóc Trăng) bồi hồi: “Người dân Khmer chúng tôi ơn Bác, ơn Đảng nhiều lắm. Cuộc đời bà con chúng tôi đổi thay cũng là nhờ ơn Đảng và Bác Hồ, vì thế, trong trái tim người dân Khmer chúng tôi lúc nào cũng khắc sâu hình ảnh Bác kính yêu. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu học tập, noi theo tấm gương Bác để học hành, công tác tốt, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”.

Đền thờ Bác ở đất Bạc Liêu

Từ Sóc Trăng, xuôi về Bạc Liêu, đến xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa – thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1998.

Đền thờ Bác Hồ ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Đền thờ Bác Hồ ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Theo người dân địa phương, tình cảm của bà con nơi đây luôn hướng về Bác Hồ, mong ngày thống nhất đất nước sẽ được ra thăm Bác. Thế nhưng, niềm mong ước chưa thành thì ngày 2/9/1969 Bác đã ra đi. Để bày tỏ tình yêu thương vô hạn với Bác, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã để tang Bác, Huyện ủy Vĩnh Lợi mượn ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Tến để tổ chức lễ truy điệu Bác vào lúc 17 giờ ngày 3/9/1969. Sau lễ truy điệu Bác Hồ, ngôi nhà trở thành nhà tưởng niệm Bác. Đồng thời, Huyện ủy Vĩnh Lợi phát động các xã trong huyện xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 25/4/1972, Huyện ủy Vĩnh Lợi, xã Châu Thới long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Sau 24 ngày đêm, vất vả bí mật, có lúc phải ngừng thi công vì địch càn quét, bắn phá, ngôi Đền thờ Bác đã được xây dựng xong bằng vật liệu kiên cố với diện tích 18,24m2 và khuôn viên rộng 6.000m2.

Ngày 15/9/1972, Xã ủy Châu Thới đã làm lễ khánh thành Đền thờ nhân kỷ niệm 82 năm ngày sinh nhật Bác. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo cho các lực lượng du kích, lực lượng địa phương quân Vĩnh Lợi và Đội bảo vệ Đền thờ Bác bằng mọi giá, dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ an toàn Đền thờ.

Sau khi Đền thờ Bác Hồ được khánh thành, địch thường xuyên huy động các phương tiện đánh phá như: Pháo 105 ly từ Vĩnh Hưng bắn vào, máy bay địch từ sân bay Sóc Trăng đến bắn phá. Đặc biệt tháng 3/1973, địch dùng 04 máy bay trực thăng đến bắn phá Đền thờ Bác, 04 chiến sĩ bảo vệ Đền thờ rất kiên cường, dũng cảm dùng súng M16 dụ máy bay địch ra khỏi khu vực Đền thờ để bắn, không để máy bay địch bắn phá Đền thờ; Sư đoàn 21 địch tại thị xã Bạc Liêu nhiều lần đưa hàng ngàn lính bộ binh vào đánh phá Đền thờ Bác Hồ nhưng đều bị Đảng bộ và quân dân Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi chặn đánh, làm phá sản kế hoạch của chúng. Đền thờ Bác được bảo vệ an toàn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Hình tượng Bác Hồ đang tưới cây vú sữa được dựng bên trong đền thờ.
Hình tượng Bác Hồ đang tưới cây vú sữa được dựng bên trong đền thờ.

Ngày nay, tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới thường xuyên mở cửa đón khách đến thăm viếng. Đặc biệt, hàng năm luôn tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác (19/5), ngày Bác đi xa (2/9), nhiều cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức đoàn vào thăm viếng Đền thờ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo công với Bác, phát động trồng cây, tổ chức kết nạp Đảng và nhiều hoạt động thiết thực khác…

Cao Xuân Lương