Bà lão U70 dành hơn nửa cuộc đời làm nghề ai cũng... tránh xa

(Dân trí) - Dù mới ở tuổi 64, nhưng bà Nguyễn Thị Bình đã có đến gần 50 năm làm nghề vớt xác trên sông Hồng. Bà nói rằng, đây là công việc chẳng giống ai, nhưng vì cái “nghiệp” và cũng vì tình người, bà không đành lòng để mặc những phận đời xấu số phải chịu cảnh bi thương, vất vưởng,…

Cả đời vớt xác trên sông Hồng

Ở xã Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), từ kẻ tóc xanh cho đến người đầu bạc, ai ai cũng biết bà Nguyễn Thị Bình và nhắc đến người phụ nữ này như một nhân vật dám cả gan “cướp cơm” của Hà Bá. Thậm chí, bà còn “sắm vai” như ông Kẹ, ông Ba Bị trong những câu chuyện mang ra dọa trẻ con trong thôn Hồng Ngự.

Bà Nguyễn Thị Bình năm nay đã 64 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Bình năm nay đã 64 tuổi.

Kể về cái duyên đến với nghề vớt xác, bà Bình cho biết, gia đình bà vốn có truyền thống làm nghề chài lưới trên sông Hồng. Ngay từ khi còn nhỏ, cứ đến mùa mưa lũ là bà lại chứng kiến biết bao cảnh đời đau thương bị cuốn theo dòng nước chảy xiết.

Theo chân bố vài lần, chẳng mấy chốc mà các thao tác tìm kiếm, cứu người hay bốc mả,… đã dần trở thành thói quen. Trên khúc sông Hồng chảy qua dốc Chèm, có chỗ nào nông, sâu, xoáy nước to hay nhỏ, bà đều nắm trong lòng bàn tay.

Bà Bình tiếp nối câu chuyện bằng chất giọng hơi khàn: “Tôi vẫn còn nhớ mãi mùa lũ năm 1971. Khi đó, nước dâng cao làm ngập úng nhiều nơi, cuốn phăng vô vàn nhà cửa, tài sản và sinh mạng con người. Trong lúc người dân ở đây thi nhau ra sông gom củi, thu nhặt trâu, bò, gà,… thì tôi lại vớt được gần chục xác người. Lẫn trong dòng nước có cả tượng Phật từ các ngôi chùa, nên tôi cứ tay gạt tượng, miệng khấn và mắt đảo liên hồi để quan sát”.

Căn nhà của bà Bình khá đơn sơ, là nơi che mưa che nắng hàng ngày.
Căn nhà của bà Bình khá đơn sơ, là nơi che mưa che nắng hàng ngày.

Nơi bếp đun cũng rất đơn giản.
Nơi bếp đun cũng rất đơn giản.

Những phận người xấu số được bà kéo lên bờ, tắm rửa bằng xăng rồi mặc quần áo mới cho họ. Trước khi đưa xác vào áo quan, bà phải trình báo chính quyền địa phương để tìm người nhà hoặc làm thủ tục chôn cất.

Thanh niên trai tráng trong làng không chỉ phục bà vì tài bơi lội, mà còn “ngả mũ” trước sự gan dạ, mạnh mẽ không ai sánh bằng. Bà Bình đã tiếp xúc với hàng trăm trường hợp, có thi thể biến dạng đến mất tay, mất chân, nhưng chưa bao giờ bà thấy sợ hãi hay bị ám ảnh. Kể cả những lần đi làm về giữa đêm khuya, bà cũng lên giường ngủ thẳng một mạch.

Chiếc móc câu vớt xác cũ đã gắn bó với bà cả chục năm trời.
Chiếc móc câu vớt xác cũ đã gắn bó với bà cả chục năm trời.

Có lần, nhìn thấy xác một người phụ nữ, bà nhanh chóng đưa lên bờ thì phát hiện cô gái này đang mang thai. Cho dù tóc tai đã rụng hết, khuôn mặt cũng chẳng còn nguyên vẹn, nhưng dựa vào quần áo, bà đoán rằng người này còn rất trẻ. Xót thương cho số phận hẩm hiu, bà thức cả đêm hôm đó chôn cất cô gái và chờ người nhà đến nhận.

Đã nhiều năm trôi qua, ngôi mộ ấy vẫn nằm đó. Thi thoảng, bà Bình lại đem gửi cho họ ít tiền vàng coi như sự an ủi cuối cùng.

Công việc chẳng giống ai

Trước đây, cả gia đình bà Bình gồm 7 người sống chen chúc trên một chiếc thuyền 15m2, quanh năm lênh đênh giữa bốn bề sông nước. Chỉ có ngày nào gió to bão lớn, bố mẹ bà mới lên bờ dựng lều cho các con ở tạm.

Nhớ về quãng đời cơ cực khi xưa, bà không giấu nổi nỗi buồn: “Ngày đó, thức ăn là rau khoai lang luộc lên chấm với mè, chỉ tiêu mỗi bữa được 2 bát. Có hôm “sang” hơn thì cả nhà chuyển sang ăn khoai. Những bữa ăn hồi ấy ám ảnh đến mức, giờ chỉ nhìn thấy khoai là cũng đủ ngán đến cuối đời”.

Ngôi nhà khá lạc lõng so với các nhà cao tầng xung quanh.
Ngôi nhà khá lạc lõng so với các nhà cao tầng xung quanh.

Mãi đến năm 1990, bà mới chính thức chuyển lên bờ xây nhà sinh sống. Để nuôi các em, bà Bình phải làm đủ mọi nghề, từ phụ nề, đổ bê tông, bốc mả cho đến vớt xác,… Nhiều khi, tiền công bà nhận được chỉ là bao thuốc lá, nắm chè hoặc một lời cảm ơn.

Nghe đến nghề vớt xác, bất cứ ai cũng phải nhăn mặt lắc đầu, nhưng bà đã gắn bó với nó được ngót 50 năm. Theo bà Bình, vớt người trên sông là một công việc đặc biệt và đòi hỏi những kỹ năng không giống ai. Bà phải nắm bắt được đặc điểm của từng đoạn sông. Thêm nữa, người sắp chết đuối thường hay quẫy đạp, bám víu rất mạnh. Trong khoảnh khắc giằng co ấy, nếu không cẩn thận người đi cứu sẽ rất dễ bị kéo theo.

Răng bà đã rụng gần hết do tiếp xúc với nước lạnh quá nhiều.
Răng bà đã rụng gần hết do tiếp xúc với nước lạnh quá nhiều.

“Trong lúc đi làm, thi thoảng tôi cũng giẫm vào đinh hay vật sắc nhọn. Dẫu biết là nguy hiểm lắm, nhưng chẳng có tiền đi tiêm nên chỉ vận dụng 1 bài thuốc đặc biệt, ấy là lấy ớt và hành khô giã nhuyễn rồi đắp lên. Còn có lần bị nhiễm trùng da đến độ mủ chảy dính vào quần áo, mỗi ngày phải bỏ đi một bộ. Mẹ tôi vì nhìn thấy thân hình ghẻ lở nên đã khiếp sợ mà phải tạm đuổi đi. Đó cũng có thể coi như tai nạn nghề nghiệp”, bà Bình kể.

Đến giờ, người phụ nữ nhỏ bé này cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu thi thể. Bà cho rằng, đó là việc đau lòng, không cần phải khắc ghi trong đầu, và cũng chẳng bao giờ bà để tâm đến chuyện ân huệ. Kể cả có người nhờ đi trong đêm, bà cũng sẵn sàng bỏ dở giấc ngủ để lên đường.

Chăm đàn gà là thú vui của bà Bình mỗi khi rảnh rỗi.
Chăm đàn gà là thú vui của bà Bình mỗi khi rảnh rỗi.

“Dù tuổi cao lại đau chân mỗi lúc trở trời, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ ngưng làm công việc này. Có nhiều hôm đang ngồi tán dóc, công an cũng đến “áp giải”, nhờ đi vớt xác trên sông. Tuy vất vả, thu nhập lại chẳng đáng là bao, nhưng bù lại mình được sống trong sự mến thương của bà con xóm giềng. Cảm động nhất là những lần may mắn cứu sống người bị nạn, họ nhất quyết nhận tôi làm mẹ nuôi rồi thi thoảng mang ít bánh kẹo, hoa quả đến biếu. Với tôi, vậy là đủ”, bà Bình tâm sự.

Hoàng Ngọc