Được hỗ trợ tiền khi sinh con gái

3.000 tỷ chưa giải quyết được tâm lý xã hội

(Dân trí) - Cần đưa ra những quy định tốt sẽ thiết thực hơn là cứ lấy tiền ra để hỗ trợ gia đình có con gái. Bởi suy cho cùng, việc thay đổi tâm lý của xã hội cần thời gian và công sức chứ không phải là vấn đề của 3.000 hay 5.000 tỷ đồng hỗ trợ.

 

3.000 tỷ chưa giải quyết được tâm lý xã hội - 1

Được hỗ trợ tiền khi sinh con gái: Vui hay buồn

Đâu là nguyên nhân của tâm lý thích sinh con trai? Tại sao nhiều gia đình dù nghèo khó, đủ 2 con gái rồi vẫn muốn sinh cố một “thằng cu”? Thậm chí có nhiều gia đình sau khi đủ 2 con gái, bà mẹ có thai lần sau là con gái thì phá thai đến 2, 3, 4 lần tới khi nào siêu âm ra được bé con là con trai thì mới dừng lại. Đặc biệt nếu như trước kia, việc sinh con số lượng nhiều, ý thức về việc nuôi dạy con cho tốt từ thời các cụ còn chưa được chú trọng, gia đình nào cũng có thể có từ 4 – 5 con nên hiếm có gia đình nào sinh con 1 bề, chí ít thì cũng có 1 hoặc 2 con trai cộng với việc y tế chưa phát triển nên việc nạo phá thai để sinh con theo ý muốn là rất ít. Nhưng hiện nay, mỗi gia đình đều hạn chế số lượng con để nuôi dạy tốt hơn cùng với sự phát triển của công nghệ nên việc phá thai để sinh con theo ý muốn là rất nhiều.

Tôi cho rằng, tâm lý này hình thành không phải từ 1, 2 năm trở lại đây mà là từ rất lâu ở Việt Nam nói chung và miền Bắc Việt Nam nói riêng (đặc biệt là vùng Đồng Bằng Bắc Bộ - nơi có sự chênh lệch Nam- Nữ cao nhất Việt Nam). Trước các cụ có câu: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô (có 1 con trai thì mới gọi là có con, có 10 con gái cũng là không có con ?). Nhiều tỉnh vùng Đồng Bằng Bắc Bộ còn có lệ, nếu có con trai thì ăn cỗ họ, cỗ giỗ mới được ngồi mâm trên, không thì xin mời ông bố ngồi mâm dưới. Đây phải chăng là hủ tục từ ngàn đời để lại, nó ngấm vào tâm lý của tất cả các bà mẹ, ông bố được sinh ra, nuôi lớn ở làng xã rồi. Rồi thì tập quan của Việt Nam, sinh con trai để mai này chết đi để nó thờ cúng mình, thờ cúng tổ tiên. Rồi khi về già thì bố mẹ đi ở với con trai, nương tựa tuổi già chứ mấy người đi ở với con gái. Tâm lý thường là như vậy, rồi thì con gái lấy chồng sẽ là con nhà người ta. Ngay như tôi đây, mẹ lúc nào cũng dạy: Con gái lấy chồng phải theo chồng, thờ cúng, lo việc gia đình nhà chồng. Việc nhà mình nếu muốn làm gì thì cũng phải xin phép chồng mới được. Những tư tưởng như vậy ngấm chặt vào đầu óc của bao nhiêu thế hệ người Việt miền Bắc, đời đời, kiếp kiếp thì liệu rằng 3000 tỷ đồng chi ra để hỗ trợ liệu có thấm vào đâu? Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không thể cải tiến được suy nghĩ này. Bằng chứng là hiện nay,nhiều gia đình có 2 con gái vẫn vui vẻ, hạnh phúc và cũng không có nhu cầu sinh thêm con.

Nên chăng cơ quan chức năng cần triển khai những biện pháp lâu dài. Cụ thể:

1. Giáo dục: Chỉ có giáo dục toàn diện mới có thể thay đổi nhận thức của xã hội. Việc giáo dục không chỉ dừng lại ở nhà trường mà còn trong xã hội. Hãy giáo dục các bà mẹ, ông bố để tạo được sự công bằng từ trong gia đình. Hãy loại dần những tư tưởng chỉ nuông chiều con trai. Con trai con gái cũng phải bình đẳng làm việc nhà, được đối xử công bằng trong gia đình từ rất nhỏ thì khi lớn lên, tư tưởng bình đẳng ấy mới có thể ngấm vào các bé được.

Tôi có người bạn gái, chị ấy lúc nào cũng ước làm đàn ông, chỉ đơn giản vì ba mẹ chị luôn đối xử không công bằng với chị từ hồi chị bé. Chị phải chăm sóc em, làm các việc nhà, và luôn phải có tư tưởng nhường thằng cu chỉ vì chị là con gái và em chị là con trai. Do vậy, tâm lý muốn làm đàn ông, chỉ muốn sinh con trai lúc nào cũng thường trực trong đầu chị.

2. Tạo sự bình đẳng trong chính sách xã hội: mặc dù hiện nay, trong các điều luật của Việt Nam không có sự bất bình đẳng này nhưng nhiều chính sách của xã hội, doanh nghiệp vẫn ưu tiên người Nam. Ví dụ: trong vấn đề tuyển dụng: các doanh nghiệp luôn ưu tiên tuyển nam hơn. Nếu là nữ thì sẽ bị loại từ vòng lựa hồ sơ.

Theo đó, cần có những quy định bắt buộc về tỷ lệ nam – nữ lao động trong doanh nghiệp.

3. Xây dựng quỹ xã hội: Như nêu trên: nhiều bố mẹ muốn sinh con trai để sau này an dưỡng tuổi già. Việc xây dựng quỹ xã hội dành cho người già là rất quan trọng, nó sẽ giảm dần tâm lý phụ thuộc, trông chờ vào con trai. Hãy nhìn điển hình của người Nhật, nếu trước kia vị trí của con trai trong gia đình là ông vua thì nay, các gia đình hoàn toàn có thể thoải mái có 2 con gái mà họ cũng không lo lắng, buồn phiền gì cả. Đơn giản vì có hay không có con trai thì bố mẹ cũng không cần thiết phải ở với con trai như chúng ta để mong được an hưởng tuổi già.

Thiết nghĩ, cần đưa ra những quy định thiết thực như vậy hơn là dùng tiền để hỗ trợ gia đình có con gái. Bởi suy cho cùng, việc thay đổi tâm lý của xã hội cần thời gian và công sức chứ không phải là vấn đề của 3.000 hay 5.000 tỷ đồng hỗ trợ.

Độc giả Phạm Quỳnh

Hãy đưa ra ý kiến của bạn về vấn đề này ngay dưới phần bình luận dưới bài viết hoặc gửi về địa chỉ doisong@dantri.com.vn