10 năm không về ngoại ăn tết, vợ tôi vẫn vui vẻ như thường

Vợ tôi không xấu xí, cũng chẳng ngu dốt, cô ấy còn là trưởng phòng, còn tôi không tài giỏi, cũng chẳng phải đại gia nhưng tôi luôn khiến vợ phải thuộc lòng cái câu, đã lấy chồng thì phải có trách nhiệm chăm lo cho cái gia đình mà mình đang sinh sống, xong xuôi đâu đấy, muốn làm gì thì mới được nghĩ đến.

Hồi đầu, mới cưới về, vợ tôi cũng đỏng đảnh lắm, cũng đòi hỏi quyền lợi, và sự công bằng lắm, nhưng bây giờ cô ấy khác hẳn, không bao giờ dám lên tiếng đòi hỏi bất cứ cái gì, và cái gì tôi đã quyết thì cô ấy không bao giờ được phép cãi lại.

Chuyện ăn tết cũng vậy. Tôi có nhà cửa và sinh sống ở Hà Nội nhưng quê gốc của tôi ở Bắc Giang, vợ tôi quê Lào Cai. Bố mẹ tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái còn bố mẹ cô ấy chỉ có 2 cô con gái. Tuy nhiên, ngay từ năm đầu tiên sau cưới, tôi đã nói rõ ràng với vợ và cả bố mẹ vợ tôi rằng, sẽ không có chuyện vợ tôi được bỏ tết nhà chồng để về ăn tết nhà ngoại vì phận làm dâu, vợ tôi phải lo lắng chu toàn cho công việc nhà chồng. Các ngày lễ tết là dịp anh em bạn bè tụ họp sum vầy nên vợ tôi không thể không có mặt.

Chính vì thế, năm đầu tiên rồi đến năm thứ 2, tôi đều cùng vợ về Bắc Giang ăn tết với bố mẹ tôi. Đến khoảng mùng 4, mùng 5, anh em trong gia đình tôi đi làm hết, cô ấy mới được về ăn tết với ông bà ngoại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm thứ 3, lịch trình vẫn tương tự, vợ tôi có vẻ không vui. Cô ấy giận dỗi, đá thúng thụng nia nhưng cũng không dám nói năng gì.

Đến năm thứ 4, không biết nghe ai xúi giục, kích động, cô ấy nhất định đòi về ngoại từ 29 tết, hoặc ít nhất là chiều mùng 1. Tôi nói cô ấy nhưng cô ấy không nghe mà tỏ ra ương bướng. Vì thế, trong lúc bực bội, tôi đã tát vợ 2 cái để dạy dỗ. Sau đó, tôi tuyên bố ly hôn.

Vợ tôi khóc lóc, giận dỗi chán chê, sau cùng cũng phải xin lỗi và nghe theo lời tôi. Từ đó, tôi tuyên bố, nếu còn mở miệng đòi về ngoại ăn tết thì sẽ nhận không chỉ 2 cái tát mà hình phạt sẽ đau đớn hơn rất nhiều.

Sau đó, tôi cũng gặp bố mẹ vợ để nói thẳng về chuyện chúng tôi đã cãi nhau và tôi đã tát cô ấy chỉ vì cô ấy đòi về ăn tết với ông bà ngoại. Tôi còn bảo ông bà rằng, nếu ông bà muốn con gái về ăn tết cùng thì tôi sẽ để con gái ông bà về ở hẳn với ông bà chứ không phải về nhà chồng nữa.

Bố mẹ vợ tôi rất hiểu lễ nghĩa và phép tắc, ông bà đồng ý với ý kiến của tôi. Ông bà còn điện thoại mắng mỏ vợ tôi, bảo, “đã lấy chồng thì phải nghe theo sự sắp xếp của chồng, phải toàn tâm toàn ý với gia đình chồng. Đừng làm trái ý chồng, trái ý bố mẹ chồng mà gia đình lục đục. Như thế bố mẹ cũng không vui”.

Chính vì thế, từ đó đến giờ, đã hơn 10 năm, cô ấy không bao giờ nhắc nhỏm đến chuyện ăn tết bên nội hay bên ngoại nữa.

Năm nào cũng như năm nào, cứ được nghỉ tết là vợ chồng con cái chúng tôi kéo về Bắc Giang để ăn tết với ông bà nội. Đến chiều mùng 4 hoặc sáng mùng 5, tôi sẽ cùng vợ con hoặc nếu tôi bận thì vợ con tôi về ăn tết với ông bà ngoại khoảng 2 ngày rồi mới đi làm.

Tôi nghĩ, việc sắp xếp như thế là hợp lý nên cứ như vậy mà diễn, không cần phải bàn đi bàn lại nhiều lần.

Vì thế, tôi cho rằng, việc ăn tết nội hay tết ngoại không phải là việc các chị em muốn hay không muốn mà được. “Con gái là con người ta” – đã gả bán đi rồi thì phải ăn tết, lo tết ở nhà chồng. Đó là quy tắc bất di bất dịch.

Tuy nhiên, cánh đàn ông cần phải cứng rắn, quyết đoán và phải có cái uy, chứ không các cô vợ sẽ nổi loạn, đòi quyền bình đẳng thì … mệt.

B.H (Bắc Giang)

Theo Vietnamnet