Làm báo - Mực mài nước mắt

(Dân trí) - Đó là tựa đề cuốn sách “nóng hổi” của nhà báo, nhà giáo lão thành, kỳ cựu đang ở tuổi 80 Lê Khắc Hoan, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo giáo dục và Thời đại vừa ra mắt độc giả sáng 20/6 nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016).

Tác phẩm “Làm Báo - Mực mài nước mắt” có nhiều chi tiết thú vị về công việc của nhà báo liên quan đến bạn đọc; những “bếp núc” của nghề báo được tái hiện sống động.

Bằng tất cả tâm huyết và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ trong những năm qua, nhà báo, nhà giáo Lê Khắc Hoan đã miệt mài vật lộn với từng con chữ: từ dạy học, viết văn, viết báo. Nhưng có lẽ nghề báo đã gắn ông với công chúng, với bạn bè và để lại trong ông nhiều kỷ niệm vui, buồn, nhiều bài học quý giá.

Tác giả Lê Khắc Hoan phát biểu trong buổi họp báo ra mắt sách của mình
Tác giả Lê Khắc Hoan phát biểu trong buổi họp báo ra mắt sách của mình

Trong suốt cuộc hành trình ấy, nhà báo Lê Khắc Hoan đã có 21.900 nhật trình và đấy là bột để ông gột thành “Làm Báo - Mực mài nước mắt”.

Với từng trải ấy, lưng vốn ấy và nhờ tính đa thanh của bút pháp, tác giả đã đưa đến cho bạn đọc nhiều chân dung nhân vật, nhiều giai thoại văn bút, chữ nghĩa và đặc biệt nhiều kinh nghiệm nghề báo, từ triết lý báo chí, tới bếp núc tòa soạn, từ sự kiên định cho cả đời người cầm bút, tới sự linh hoạt từng chữ trong mỗi bài…

Cuốn sách “Làm Báo - Mực mài nước mắt” không chỉ nói lên niềm vui, nỗi khổ; vinh quang và trăn trở của nghề báo mà còn truyền lại cho người làm báo về cái “Tâm” của người cầm bút. Đặc biệt là bản lĩnh và thái độ ứng xử của báo chí trước yêu cầu đòi hỏi về thông tin và các định chế pháp luật.

Nói đến tác giả Lê Khắc Hoan bạn đọc đã quen biết qua hàng ngàn tác phẩm báo chí Giáo dục xuất sắc trong thập niên 70 - 80 và cuốn sách Mái Trường Thân Yêu được tái bản vài chục lần. “Làm Báo - Mực mài nước mắt” là cuốn sách rất đặc biệt và có lẽ là cuốn sách cuối cùng của ông.

Nhà báo Lê Khắc Hoan ký tặng sách cho độc giả
Nhà báo Lê Khắc Hoan ký tặng sách cho độc giả

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”, cả cuộc đời duyên tơ với con chữ, với nghề báo nên đến khi tuổi ngoài 80, sức khỏe yếu ông vẫn cầm bút “rút ruột nhả tơ” như gửi gắm, truyền lửa cho các đồng nghiệp đang dấn thân hoặc sắp bước chân vào nghề báo.

Với những trải nghiệm, đam mê và trách nhiệm qua hơn nửa thế kỷ miệt mài cầm bút cùng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của nghề báo được ông khắc họa chân thực trong “Làm Báo - Mực mài nước mắt”.

Công Quang