Truyền tải điện miền Tây 3: Nhiều biện pháp bảo vệ an toàn lưới điện

Mặc dù có những thuận lợi nhất định tuy nhiên, công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện của Truyền tải điện miền Tây 3 vẫn gặp khó khăn do đường dây trải dài, rộng khắp 3 tỉnh thành với địa hình phức tạp, người dân tiến hành cất nhà, san nền trong hành lang bảo vệ của lưới điện…


“Lính truyền tải” làm công tác kiểm tra an toàn hàng lang lưới điện mùa nước nổi

“Lính truyền tải” làm công tác kiểm tra an toàn hàng lang lưới điện mùa nước nổi

Địa hình phức tạp, kiểm tra khó khăn

Truyền tải điện miền Tây 3 hiện đang quản lý đường dây 220kV: 807.309 km – 1266 trụ gồm 18 tuyến đường dây 220kV đi qua địa bàn các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và 4 trạm biến áp 220kV, 8 máy biến áp tổng dung lượng 1625MVA.

Về mặt thuận lợi, theo ông Châu Sóc Kha, Phó Giám đốc Truyền tải điện miền Tây 3, giống như các công trình điện Quốc gia khác, công tác bảo vệ hệ thống lưới điện của Truyền tải điện miền Tây 3 cũng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân trong đó, Nhà nước đã cụ thể hoá bằng các văn bản pháp luật quán triệt nhiệm vụ đến từng cấp, từng ngành trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt công tác bảo vệ hệ thống lưới điện được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể, các ngành theo đó thu được nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, theo ông Kha, vần còn tồn tại những khó khăn trong quá trình bảo vệ hệ thống lưới điện như, đường dây trải dài, rộng khắp 3 tỉnh, thành qua nhiều địa hình khá phức tạp và khó khăn cho việc đi lại kiểm tra.

Bên cạnh đó, tình hình phát triển dân cư, nhu cầu về đất ở, đất canh tác ngày càng cao, tình hình di dân tự do ở một số nơi, một số khu vực đường dây trước đây không có dân cư như đồng ruộng ít người qua lại, nay trở thành khu vực đông dân cư, có nhiều người sinh hoạt qua lại.

“Người dân tiến hành cất nhà, san nền, đào đắp bờ ao… trong hành lang bảo vệ lưới điện làm giảm khoảng cách an toàn từ dây dẫn đết mặt đất so với khi xây dựng đường dây theo đặc điểm trước đây, thậm chí còn trồng cây phát triển nhanh trong hành lang lưới điện làm ảnh hưởng đến việc vận hành cung cấp điện”, ông Kha cho hay.

Hạn chế cuối cùng là việc người dân chặt tỉa cây trong và ngoài hành lang lưới điện gây cản trở trong công tác bảo dưỡng và sửa chữa trên lưới điện.

Truyền tải điện miền Tây 3: Nhiều biện pháp bảo vệ an toàn lưới điện - 2

Cần biện pháp cương quyết, cụ thể hơn

Liên quan đến tình hình vi phạm Nghị định bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, ông Châu Sóc Kha thông tin thêm, tính đến tháng 10/2016 có 6 căn trong đó có 4 căn thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Kiên Giang và 2 căn thuộc địa bàn huyện Tịnh Biên, An Giang.

Tồn tại này là do các công trình đầu tư xây dựng mới, các chủ đầu tư chưa xử lý triệt để và do người dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Vị Phó giám đốc Truyền tải điện miền Tây 3 cho biết thêm, thời gian qua đã vận động, tuyên truyền người dân hiểu và tham gia bảo vệ an toàn hành lang lưới điện vì vậy đã có một số hộ tự tháo dỡ nhà di dời và có hộ cải tạo lại vật liệu của nhà bằng những vật liệu khó cháy đồng thời Truyền tải điện miền Tây 3 cũng đã đóng tiếp địa các nhà có phần kết cấu kim loại chưa được nối đất.

“Đây là việc làm mà Truyền tải điện miền Tây 3 đã đầu tư rất nhiều công sức nhưng hiệu quả mang lại chưa cao do một số địa phương chưa cương quyết và chưa có biện pháp cụ thể dẫn đến tình trạng người dân hứa hẹn, không giải quyết dứt điểm để đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định của Chỉnh phủ gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý vận hành của ngành điện”, ông Kha nhấn mạnh.

Với 2 hộ dân tại Tịnh Biên, ông Kha cho biết, Truyền tải điện miền Tây 3 rất mong lãnh đạo chính quyền địa phương cùng các ngành tiếp tục hỗ trợ vận động 2 hộ dân sớm thực hiện hoàn trả lại mặt bằng trụ 78 để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, cung cấp điện cho nước bạn Campuchia cũng như an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cũng theo ông Châu Sóc Kha, nhiều năm qua, Truyền tải điện miền Tây 3 đã phối hợp với chính quyền địa phương có đường dây cao thế đi qua tổ chức công tác bảo vệ, tuyên truyền cùng nhân dân tham gia bảo vệ an toàn cho hệ thống lưới điện như không trộm cắp, tháo dỡ phụ kiện lưới điện, không xây dựng nhà cửa, các công trình trong hành lang đường dây không đạt theo Nghị định của Chính phủ, không đốt nương rẫy trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, không thả diều, ném các vật gây sự cố cho đường dây, không sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động mạnh hoặc gây hư hỏng cho công trình lưới điện...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) cho biết, từ năm 2004 xã đã thành lập Ban an toàn lưới điện, phối hợp với ngành điện kiểm tra an toàn lưới điện. “Chúng tôi trèo xuồng đi kiểm tra an toàn lưới điện, riêng ở một địa phương đã cảm nhận được sự khó khăn, vất vả mới thấy trong công tác quản lý đường dây truyền tải điện trên cả nước là rất khó khăn vì có nơi là rừng núi, nơi đầm nước, địa hình phức tạp.

Với những hộ dân chưa hiểu rõ về công tác bảo vệ an toàn lưới điện, ông Bảo cho biết chính quyền đã có những hình thức tuyên truyền, vận động người dân, gặp gỡ trực tiếp những hộ dân chưa hiểu để giải thích.

“Trước đây, bà con trong mùa nước nổi tham gia đánh bắt thuỷ sản và cũng đi đến các trụ điện. Do có thông tin ở các tỉnh bạn có hiện tượng thất thoát các thiết bị lắp đặt trong đó có máy móc, ốc, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền, đi kiểm tra nên địa bàn xã không xảy ra trường hợp mất mát”, ông Bảo nói.

Hà Yên