Sở hữu lò bún tươi trăm tỷ, nữ doanh nhân bỏ triệu đô đặt cược vào xu hướng Spa trị liệu

Tưởng đâu xưởng bún trăm tỷ tăng trưởng liên tục sẽ khiến bà chủ không ngơi tay, nhưng mới đây, bà Nguyễn Thị Bính lại mở thêm công ty mới để làm spa. Ngành làm đẹp đang rất tiềm năng. Liệu bà Bính có thể tạo ra sự đột phá cho công ty thứ hai như đã từng làm ở công ty bún tươi trước đó?

Trắc trở mở spa triệu đô

Dáng người phốp pháp nhưng bà Nguyễn Thị Bính – chủ thương hiệu bún tươi Nguyễn Bính vang danh khắp TP.HCM, là người rất tháo vát. Một mình gầy dựng gánh bún nhỏ ở quận Bình Tân đến doanh nghiệp bún tươi được định giá cả trăm tỷ đồng như ngày nay, không phải dễ dàng gì. Cuối năm 2016, toàn bộ hệ thống sản xuất bún tươi Nguyễn Bính đã được tự động hóa hoàn toàn, từ khâu bơm gạo vô bồn ngâm đến khi cho ra sợi bún thành phẩm. Số máy móc đó đều do bà tự tay thiết kế rồi thuê người gia công.

Nhưng chuyện bà bỏ ra gần cả triệu USD mở spa khiến những ai nghe được không khỏi thắc mắc. “Mở spa là đam mê của tôi hơn chục năm qua”, bà giải thích gọn lỏn.

Sở hữu lò bún tươi trăm tỷ, nữ doanh nhân bỏ triệu đô đặt cược vào xu hướng Spa trị liệu - 1

Quê gốc Hà Tây cũ, sinh ra trong một gia đình có đến bốn đời làm nghề bún, nhưng bà ngại vất vả nên quyết vào Sài Gòn học ngành cơ khí và thiết kế chi tiết máy. Sau đó, bà còn học thêm ngành điện và quản trị kinh doanh. Trước khi quay trở lại nghề gia truyền năm 1999, bà đã làm nhiều nghề khác nhau như cơ khí, trang điểm, đông y, buôn thịt lợn... “Ngày còn lăn lộn giữa Sài Gòn, tôi cũng từng mở tiệm tóc và rất đông khách. Nhưng được một năm thì phải đóng cửa vì không trả nổi phí mặt bằng tăng nhanh”, bà chậm rãi kể về quãng thời gian vất vả.

Có lẽ cuộc đời nữ doanh nhân sinh năm 1970 này luôn gặp nhiều khó khăn lúc đầu, chuyện mở spa cũng trúc trắc không kém. Phải đến lần thứ ba thì bà mới khai trương tiệm spa suông sẻ.

Sở hữu lò bún tươi trăm tỷ, nữ doanh nhân bỏ triệu đô đặt cược vào xu hướng Spa trị liệu - 2

Hồi đầu năm 2015, bà bỏ ra hơn chục tỷ mua lại ngôi nhà năm tầng phía trước xưởng bún, dự định sẽ làm spa. Đang yên đang lành, công ty bún phát sinh nhiều việc tốn hao chi phí. Bà đành dành thời gian giải quyết công việc và cho thuê lại căn nhà.

Cuối năm đó, công việc đã ổn định dần, đối tác cũng trả nhà theo thỏa thuận. Bà khấp khởi mừng thầm, chuẩn bị sửa sang nhà cửa để mở spa. Sau khi tuyển nhân viên xong, bà hợp tác với một bác sĩ đông y có tiếng để đào tạo matxa, bấm huyệt cho nhân viên. Nhưng khi đến gần ngày gặp mặt, vị bác sĩ kia thông báo tăng chi phí. Đó là lần thứ hai bà ngậm ngùi gác lại cơ hội hiện thực hóa ước mơ.

Sở hữu lò bún tươi trăm tỷ, nữ doanh nhân bỏ triệu đô đặt cược vào xu hướng Spa trị liệu - 3

Hơn một năm sau, chưa biết tính toán thế nào thì bà nhận được tin vui, anh trai bà từ Hà Nội gọi vào thông báo mới nghỉ hưu. Ông là bác sĩ Nguyễn Tòng Xuân, có 3 bằng chuyên khoa là Nội nhi, Da liễu và Lao. Bà mời ngay anh mình vào Sài Gòn để đào tạo nhân viên các kĩ thuật bấm huyệt và matxa, đồng thời để dạy thêm cho bà kiến thức chuyên sâu về chăm sóc da.

Trong thời gian anh trai đào tạo nhân viên, bà khăn gói lặn lội sang Hàn Quốc học kĩ thuật chăm sóc sắc đẹp và công nghệ làm spa hơn tháng trời. Lúc về, bà mua luôn 7 máy làm đẹp của Hàn Quốc, xách tay về Việt Nam. Cũng vì vậy, lần đó bà bị hải quan phạt cả mớ tiền vì mang hàng vượt khối lượng quy định. “Tại lúc đó nóng lòng làm nghề quá mà”, bà bẽn lẽn kể lại.

Thu hồi vốn sau 3 năm?

Khai trương tiệm spa từ tháng 10/2017, bà Bính tỏ vẻ nôn nóng khi cho biết sẽ hoàn vốn trong 3 năm tiếp theo, trừ ngôi nhà như tài sản riêng. Giá trị số máy móc hiện đại và chi phí đầu tư cơ sở vật chất theo chuẩn châu Âu cũng đã gần 6 tỷ đồng. Tính tất cả chi phí lên đến gần 1 triệu USD. Kế hoạch này có quá ảo tưởng?

“Con số này có thể khả thi, doanh thu bình quân mỗi năm có thể đạt thấp nhất từ 1,5 – 2 tỷ đồng. Thị trường spa đang rất tiềm năng”, bà khẳng định. Theo bà, giá trị thị trường Spa Việt có thể lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Sở hữu lò bún tươi trăm tỷ, nữ doanh nhân bỏ triệu đô đặt cược vào xu hướng Spa trị liệu - 4

Theo báo cáo của Viện Tăng cường sức khỏe Toàn cầu (Global Wellness Institute - GWI) hồi đầu năm 2017, nền kinh tế tăng cường sức khỏe (Wellness) đạt 3.700 tỉ USD năm 2015. Riêng ngành Spa toàn cầu đạt 99 tỉ USD, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và có số lượng Spa nhiều nhất thế giới với 21,4 tỷ USD doanh thu. Cũng theo GWI, giai đoạn 2013-2015, ngành Spa thế giới tăng trưởng 11%, riêng châu Á tăng tới 16%. Dự báo giai đoạn 2016-2020, nền công nghiệp này sẽ tăng khoảng 20% và cao hơn nữa ở khu vực châu Á.

Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức nào về thị trường này. Tuy nhiên, theo Liên hiệp Spa-Thẩm mỹ Việt Nam, số lượng Spa giai đoạn 2000-2015 đã tăng từ con số 100 lên 3.000 spa. Dự kiến giai đoạn 2015-2020, số spa sẽ đạt đến 5.000, tức tăng trưởng gần 70%. Điều này cũng đồng nghĩa với vị thế người đến sau, bà Bính sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất gay gắt.

Theo bà Bính, thế giới đang có 4 loại hình spa. Day Spa giúp khách hàng thư giãn cơ thể trong thời gian ngắn, đang phổ biến nhất. Hình thức này hoạt động ở các khu nghỉ dưỡng thì gọi là Hotel/resort Spa. Spa trị liệu (Medical Spa) và Spa kết hợp (Destination Spa) lại là loại hình được đánh giá cao nhất, đòi hỏi phải có chuyên môn và máy móc công nghệ cao phục vụ trị liệu và giấy phép y tế. “Tôi chọn ngách nhỏ để bắt đầu. Điều đó giúp tôi thêm nhiều cơ hội sống sót”, bà Bính chia sẻ về hướng đi khác biệt là Spa trị liệu.

Sở hữu lò bún tươi trăm tỷ, nữ doanh nhân bỏ triệu đô đặt cược vào xu hướng Spa trị liệu - 5

Hiện tại, những dịch vụ làm đẹp phổ biến như giảm cân, trị mụn, trị nám… bà thực hiện bằng máy móc hiện đại đã mua từ Hàn Quốc. Ngoài ra, cùng với kiến thức đông y tích lũy được, bà hướng đến việc điều trị những bệnh của cuộc sống hiện đại như đau dây thần kinh, rối loạn tiền đình, đau vai gáy… Theo bà, những bệnh này khách hàng bình dân hay trung lưu đều dễ mắc phải. Do đó, phân khúc khách hàng mà Spa Nguyễn Bính hướng đến cũng rộng hơn đối thủ.

Đồng thời, để khắc phục khuyết điểm năm xa trung tâm, bà Bính dự kiến sẽ đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ tận nhà trong năm sau. “Tôi sẽ chủ động đi tìm khách hàng, đó là những người cần phục hồi chức năng sau tai biến hoặc có nhu cầu về vật lý trị liệu”, bà tiết lộ.

Về dài hạn, nữ doanh nhân này cho biết sẽ sang Thái Lan (quốc gia nổi tiếng về công nghiệp Spa ở Đông Nam Á) để học thêm kinh nghiệm. Bên cạnh yếu tố chuyên môn, bà còn nhắm đến việc dạy lại cho nhân viên cách giao tiếp với khách hàng. Theo bà, đây là cách giữ khách hiệu quả nhất khi làm dịch vụ.

Giản Phúc