Công ty gia đình: Chuyển giao thế hệ và thay đổi mô hình quản trị

Những gương mặt mới

Lát cắt về quá trình chuyển đổi mô hình quản trị cùng với chuyển giao quyền lực ở các doanh nghiệp này phần nào cho thấy các vấn đề thời sự trong quản trị doanh nghiệp nói chung ở Việt Nam.

LTS: Trong 37 năm, kể từ ngày đất nước thống nhất 30.4.1975, vươn lên trong số hàng trăm ngàn hộ gia đình tham gia làm kinh tế ở Việt Nam, một thế hệ doanh nhân đã hình thành tại TP.HCM như ông Vưu Khải Thành – giày dép Biti’s, ông Trịnh Đồng – nhựa Đại Đồng Tiến, ông Kao Siêu Lực – bánh ABC, ông Lý Ngọc Minh – gốm sứ Minh Long, bà Nguyễn Thị Điền – may thêu An Phước… Trong giai đoạn hiện nay, cùng với yêu cầu thay đổi phương thức quản trị từ thuận tiện sang khoa học, một số gương mặt mới ở các doanh nghiệp kể trên lại xuất hiện, bắt đầu chu kỳ phát triển mới. Lát cắt về quá trình chuyển đổi mô hình quản trị cùng với chuyển giao quyền lực ở các doanh nghiệp này phần nào cho thấy các vấn đề thời sự trong quản trị doanh nghiệp nói chung ở Việt Nam.

 

Những gương mặt mới

 

Con cái của thế hệ doanh nhân trước, là những chàng trai, cô gái lớn lên trong thời kỳ đổi mới của đất nước như Vưu Lệ Quyên, Trịnh Chí Cường, Kao Huy Phương, Lý Huy Sáng… Họ được học hành và đào tạo từ các trường chuyên về kỹ thuật, hoặc kinh doanh ở nước ngoài. Họ đang tham gia thúc đẩy kinh tế Việt Nam vươn ra toàn cầu.

 

Những gương mặt mới - 1
Nhiều sản phẩm của các công ty gia đình nay đã vươn xa ra thị trường quốc tế. Trong ảnh: gốm sứ Minh Long luôn thu hút người tiêu dùng.

 

Tiếp nối truyền thống

 

Tham gia vào công ty Biti’s từ năm 2004 với công việc của một nhân viên phát triển khách hàng xuất khẩu, đến nay người con gái đầu của ông Vưu Khải Thành, chị Vưu Lệ Quyên, đang đảm nhiệm công việc của một phó tổng giám đốc về sản phẩm và marketing.

 

Chị kể: “Từ thời ông ngoại tôi, gia đình đã bắt đầu làm giày dép. Lúc ba mẹ tay không khởi nghiệp cũng bắt đầu từ giày dép. Tôi luôn hiểu rõ đây là nghề truyền thống của gia đình. Chắc chắn tôi sẽ nối nghiệp nghề của gia đình và tôi luôn luôn nhắc nhở bản thân: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

 

Chị Kao Huy Phương, trưởng nữ của ông Kao Siêu Lực, đang chịu trách nhiệm điều hành quản lý xưởng sản xuất chính tại TP.HCM và phụ trách tài chính của công ty ABC. Chị chia sẻ: “Tiếp xúc với bánh từ thuở nhỏ, nên tôi đam mê mùi thơm của nó. Tôi từng theo học chuyên ngành thực phẩm và ước mơ trở thành giáo sư đại học, nhưng rồi tôi đã thay đổi khi cha tôi cần tôi. Và sau khi cùng cha tham gia sáng lập ra công ty bánh ABC, tôi biết chắc cả cuộc đời tôi sẽ gắn với nghề bánh. Nhưng tôi không phải bắt đầu từ người thợ như cha, mà từ nguồn nguyên liệu và quản trị công việc kinh doanh. Tôi muốn cùng cha tôi gìn giữ và phát triển sự nghiệp gia đình”.

 

Ông Lý Huy Sáng, phó tổng giám đốc công ty gốm sứ Minh Long, từng ước mơ trở thành kỹ sư máy tính. Là trưởng nam, người kế thừa công ty, ông đã đi nước ngoài học về quản trị kinh doanh, bởi theo lời cha ông: “Để công ty lớn mạnh thì việc quản lý là khó nhất”. Tham gia vào công ty từ năm 2002, mất ba năm thử việc như nhân viên hành chính và công nhân trong xưởng, đến những năm gần đây ông Sáng mới được giao chức vụ quản lý và có thể áp dụng những điều đã học.

 

Còn Trịnh Chí Cường, tổng giám đốc công ty nhựa Đại Đồng Tiến, lại tiếp nhận quyền điều hành công ty như một định mệnh. Năm 2007, cha bị bệnh, mới 26 tuổi, vừa học ở nước ngoài về, Cường đã được đại gia đình chọn vào vị trí tổng giám đốc vì ông là con trai cả, được học hành bài bản ở nước ngoài và được người thân ủng hộ.

 

Khát vọng tương lai

 

Ước vọng của thế hệ kế thừa công ty gia đình không chỉ là tiếp quản và gìn giữ, mà họ mong muốn công ty sẽ vượt ra khỏi phạm vi tỉnh, thành phố hay toàn quốc, trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành nghề ở Việt Nam, trên thế giới…

 

Những gương mặt mới - 2
Sản xuất tại nhà máy nhựa Đại Đồng Tiến.

 

Không chỉ phát triển hệ thống ABC lên 27 cửa hàng bán lẻ, mở chi nhánh ra nước ngoài, Kao Huy Phương cũng đã mở công ty chuyên kinh doanh nguyên liệu và dịch vụ bánh Uni Food để đón đầu sự phát triển thị trường bánh tươi ở Việt Nam.

 

Phương nói: “Nhờ am hiểu thị trường, quen với nhiều nhà cung cấp toàn cầu, nên tôi có nhiều lợi thế để mở công ty kinh doanh nguyên vật liệu. Nếu thị trường bánh phát triển nhiều hệ thống mới, cửa hàng mới thì tôi cũng có thêm khách hàng. Người tiêu dùng phát triển nhu cầu làm bánh trong gia đình như thú vui thư giãn và giải trí cuối tuần, làm bánh sinh nhật cho người thân trong gia đình… (như ở nước ngoài), thì cũng bán được hàng. Còn bánh làm sẵn đã có ABC…”

 

Bên cạnh Phương, em gái thứ Kao Huy Minh đã hoàn tất khoá học về ngành quản trị doanh nghiệp cũng đang giúp cha, ông Kao Siêu Lực, vấn đề nhân sự công ty. Cậu con trai út Kao Hớn Phong được ông Lực xem như bản sao về niềm đam mê nghề bánh của mình vẫn đang tiếp tục học.

 

Với Vưu Lệ Quyên, chị tin tưởng sản xuất giày dép sẽ vẫn là ngành nghề chính yếu của Biti’s. Tuy nhiên có thể trong tương lai sắp đến, Biti’s sẽ mở rộng một số ngành nghề có lợi cho sự phát triển của công ty và phát huy được ưu điểm của hệ thống phân phối rộng khắp hiện tại.

 

Chị cũng đã lên kế hoạch để Biti’s đổi mới, thích ứng với môi trường hội nhập mới. Cụ thể cần tập trung vào giải pháp cho khách hàng hơn là sản xuất những gì mình có, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, hiệu quả kinh tế để giảm bớt các chi phí nhân công ngày càng tăng cao. Đối với hệ thống phân phối, cần phải mở rộng những hệ thống phân phối hiện đại như bán hàng qua mạng, bán hàng qua siêu thị…

 

Trước thực tế kinh tế Việt Nam đang khó khăn, ông Lý Huy Sáng đã xây dựng chiến lược và kế hoạch cho Minh Long với bốn nội dung rõ ràng: rà soát lại các quy trình sản xuất để tìm ra một quy trình mới hiệu quả hơn; kiểm tra, kiểm soát năng suất của từng công nhân cũng như quy trình để khắc phục những lãng phí, cũng như hạn chế công nhân lãng công và giảm thiểu các gián đoạn trong sản xuất để có hiệu suất cao nhất; đào tạo lại cán bộ công nhân viên để tay nghề được nâng cao, cũng như kỹ năng quản lý được cải thiện; và cuối cùng là tuyển dụng thêm những nhân sự có kỹ năng quản lý tốt để củng cố bộ máy quản lý của công ty với mục đích tránh lãng phí trong sản xuất do quản lý kém.

 

Công ty Đại Đồng Tiến đã giảm được áp lực tiền mặt đáng kể khi hoàn tất mạng lưới phân phối toàn quốc từ cuối năm 2011 với 70 nhà phân phối, 300 nhân viên và cách bán hàng thu tiền ngay, không gối đầu công nợ.

 

Ông Trịnh Chí Cường cho rằng, kinh tế khó khăn, thị trường chậm là cơ hội để tái cấu trúc công ty, rà soát lại từng phòng ban. Hiện Đại Đồng Tiến vẫn đang xây dựng nhà máy thứ hai, đầu tư cho hệ thống ERP mới để có thể giúp ra quyết định nhanh hơn, phát triển khách tiêu dùng nội địa, khách nước ngoài và khách hàng công nghiệp…

 

Theo Bích Nga

SGTT