Gương mặt mới của Unilever Việt Nam

Chỉ mới một năm công tác, bà Nguyễn Thị Bích Vân - chủ tịch Unilever Việt Nam đã dẫn dắt nhân viên cùng viết tiếp rất nhiều thành công cho chặng đường phát triển của công ty.

Gương mặt mới của Unilever Việt Nam - 1

Mỗi ngày bước vào văn phòng, ngang qua dãy bàn làm việc của nhân viên, bà Nguyễn Thị Bích Vân, 46 tuổi, sau 22 năm làm việc tại Unilever Việt Nam, vẫn cảm thấy được tiếp thêm năng lượng từ những những con người tài năng cùng những câu chuyện truyền cảm cảm hứng mà bà may mắn có cơ hội làm việc chung. Sau một năm được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch Unilever Việt Nam, bà Vân dẫn dắt đội ngũ 1.500 nhân viên viết tiếp một năm thành công cho công ty.

Khảo sát năm ngoái của Kantar Worldpanel tại bốn thành phố chính và khu vực nông thôn trong ba năm kể từ năm 2015, Unilever thuộc top công ty dẫn đầu về giá trị các sản phẩm tiêu thụ tại nhà của ngành hàng chăm sóc cá nhân và chăm sóc nhà cửa, thuộc ngành hang tiêu dùng nhanh (FMCG). Điều này chứng tỏ việc chuyển giao quyền điều hành sau hơn hai thập kỷ thuộc về người nước ngoài bước đầu thành công. Theo bà Bích Vân, mức tăng trưởng của Unilever Việt Nam trong năm qua ước tính 5,3% về giá trị tiêu thụ tại nhà ở khu vực thành thị và 4,4% tại nông thôn, theo Kantar WorldPanel. Công ty Unilever nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất tại diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2017.

Thị trường FMCG đáp ứng nhu cầu của đất nước gần 94 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng kéo theo sự thay đổi không ngừng của thói quen tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của kênh bán lẻ mới như thương mại điện tử khiến cho cuộc cạnh tranh giữa Unilever và các doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong nước trở nên sôi động.

Gương mặt mới của Unilever Việt Nam - 1

Unilever thâm nhập thị trường Việt Nam năm 1994 thông qua Lever Haso. Tháng 2.1995, Unilever tham gia liên doanh thứ hai Lever Viso (liên doanh này về sau sáp nhập với liên doanh đầu, nay là Unilever Việt Nam). Từ đó, tăng trưởng của công ty luôn đạt hai con số, theo Unilever tự công bố. Thông cáo báo chí của Unilever, họ đã hoàn tất mua lại 33,3% cổ phần từ Vinachem năm 2009, trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

Gương mặt mới của Unilever Việt Nam - 2

Người phụ nữ quyền lực tại Unilever Việt Nam - Nguyễn Thị Bích Vân có vẻ ngoài nữ tính, điệu đà. Trong suốt cuộc nói chuyện, bà thường không quên để ý vuốt hai bên tóc vốn đã được chăm chút khá kỹ lưỡng. Cách tư duy là điều khiến cho bà trở nên hoàn toàn khác biệt. Trong buổi phỏng vấn một tiếng đồng hồ với tạp chí Forbes Việt Nam, ở hầu hết câu trả lời, bà Vân sắp xếp các ý rất nhanh chóng và thể hiện gãy gọn các lập luận bằng trật tự rõ ràng “thứ nhất là”, “thứ hai là”,… Ông Hoài - thành viên ban điều hành vốn sớm nhìn thấy con đường thăng tiến của bà Vân dựa trên ba thế mạnh khá nổi trội của bà là tố chất lãnh đạo, sự quyết tâm và khả năng phân tích sắc sảo. “Trong quá trình phát triển của tôi tại Unilever, tôi đam mê xây dựng những nhãn hàng, làm sao để người tiêu dùng dùng sản phẩm xong sẽ yêu mến nhãn hàng và làm sao cho khách hàng, những người đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cùng yêu mến nhãn hàng.” Theo bà Vân chia sẻ, nếu có thời gian, bà sẽ đi thị trường để gặp người tiêu dùng hoặc người bán hàng để được truyền cảm hứng.

Bà Vân chia sẻ kinh nghiệm một năm ở vị trí chủ tịch ở Unilever: “Lãnh đạo trong môi trường đa quốc gia đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất lớn. Thứ nhất, phải hiểu được tầm nhìn của tập đoàn và xác định được vai trò của mình trong bức tranh đó là gì. Thứ hai, môi trường làm việc của tập đoàn đa quốc gia rất đa dạng nên đòi hỏi khả năng làm việc, giao tiếp, suy nghĩ trong môi trường đó. Để kích thích mọi người đưa ra những ý tưởng tốt, đòi hỏi tài lãnh đạo, khả năng hiểu văn hóa đa quốc gia như thế nào nhưng cũng phải hiểu tính cá nhân của từng người để vừa tôn trọng họ vừa kết hợp những tài năng, dẫn dắt đội ngũ đi đến một mục tiêu chung trong cùng một khoảng thời gian. Kỹ năng này không dễ vì càng nhiều nhân tài càng khó đi đến một đích chung”. Bà Vân, hiện là mẹ của một cậu con trai 10 tuổi nhận định khái niệm làm CEO ngày hôm nay không còn là ở vị trí “ra lệnh từ trên xuống mà là một người phục vụ cho bao nhiêu người khác”, họ cần “định hướng, sau đó trao quyền lực cho nhân viên để họ ra quyết định mỗi ngày”. Chủ tịch công ty từ chối trả lời thẳng các câu hỏi về dấu ấn cá nhân của bà trong một năm tại vị, chỉ chia sẻ tham vọng chung trong chiến lược phát triển của công ty sắp tới.