EVNNPT: Thu xếp vốn đi trước một bước đảm bảo tiến độ đầu tư

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, EVNNPT phải thu xếp 112.451 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản trả nợ gốc và lãi hàng năm, trung bình 22.490 tỷ đồng/năm để thực hiện đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 222 công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV, 500 kV.


EVNNPT đã có những đầu tư kịp thời để hiện đại hoá hệ thống truyền tải điện

EVNNPT đã có những đầu tư kịp thời để hiện đại hoá hệ thống truyền tải điện

Khối lượng công việc rất lớn

Báo cáo về tình hình đầu tư xây dựng của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, giá trị khối lượng đầu tư xây dựng thuần thực hiện tháng 6/2016 ước thực hiện 1.304,4 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2016 ước thực hiện 6.288,3 tỷ đồng, đạt 44,2% kế hoạch 2016 Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN giao.

Trong đó, Dự án khởi công trong tháng 6/2015, toàn Tổng công ty khởi công 2 công trình (NCS TBA 220 kV Vĩnh Yên, kéo dây mạch 2 ĐZ 220 kV Ô Môn - Sóc Trăng), lũy kế 6 tháng đầu năm 2016 khởi công được 5/14 công trình theo kế hoạch 6 tháng 2016/52 công trình theo kế hoạch năm 2016; Dự án đóng điện, trong tháng 6/2016 đóng điện 8 công trình, lũy kế 6 tháng đầu năm 2016 đóng điện được 25 công trình/44 công trình theo kế hoạch 6 tháng 2016/64 công trình theo kế hoạch năm 2016.

Đối với các dự án đóng điện, trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty và các đơn vị đã có sự cố gắng nỗ lực rất lớn và đã hoàn thành đóng điện được các dự án quan trọng phục vụ đảm bảo cung cấp điện và đấu nối giải tỏa công suất các nguồn điện như các TBA 500 kV: Phố Nối, Pleiku 2, NCS TBA 500 kV Sơn La; các ĐZ 500 kV: Duyên Hải - Mỹ Tho, đấu nối NĐ Vĩnh Tân 4; các TBA 220 kV: Than Uyên, Sơn Tây, Máy 2 Thuận An; các ĐZ 220 kV: Xêkaman 1 - Pleiku 2, Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới, đấu nối TĐ Trung Sơn đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đề ra.

Kế hoạch 6 tháng cuối năm, EVNNPT cho biết, tập trung đảm bảo mục tiêu khởi công, đóng điện và các nhiệm vụ đầu tư theo kế hoạch năm 2016 đã đề ra, trong đó khởi công 47 dự án, đóng điện 39 dự án. “Đây là một khối lượng rất lớn cần phải hết sức tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án để đảm bảo hoàn thành theo tiến độ kế hoạch đã đề ra”, lãnh đạo EVNNPT chia sẻ.


Những kỹ sư vắt vẻo trên cao để đưa điện về các vùng miền

Những kỹ sư "vắt vẻo" trên cao để đưa điện về các vùng miền

Thu xếp vốn “đi trước một bước”

Mặc dù trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 giá truyền tải điện dù được điều chỉnh 4 lần tuy nhiên, mức điều chỉnh hạn chế. Cụ thể, năm 2011 là 76,277 đồng/kWh; năm 2012 là 83,3 đồng/kWh; năm 2014 là 86,4 đồng/kWh chỉ đến năm 2015 Bộ Công Thương mới có Quyết định điều chỉnh giá truyền tải điện lên 104 đồng/kWh.

Trong công tác thu xếp vốn cho đầu tư, trong 5 năm Tổng công ty đã thu xếp vốn cho hơn 200 dự án với tổng giá trị lên đến 77.206 tỷ đồng trong đó vốn trong nước là 34.804 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 42.402 tỷ đồng qua đó đã đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng của Tổng công ty.

Theo đánh giá của ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT, giá truyền tải điện thấp, công tác thu xếp vốn rất khó khăn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất phức tạp và phải triển khai trong thời gian dài do các công trình đường dây đi qua nhiều địa phương, công tác đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện còn chậm một nhịp so với nguồn điện.

Mặc dù vậy, các khó khăn đã dần dần được tháo gỡ, hàng năm, EVNNPT đã đưa vào vận hành hàng chục công trình trọng điểm, cấp bách, từng bước xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đáp ứng được yêu cầu cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của đất nước.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, có hàng trăm công trình, dự án đường dây và TBA 220-500 kV, với nguồn vốn trung bình khoảng 18-20 nghìn tỷ đồng/năm, ông Phan Đăng Tường cho biết, EVNNPT luôn quan tâm và xác định công tác thu xếp vốn phải đi trước một bước nhằm đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án. “Lãnh đạo EVNNPT luôn tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thu xếp vốn”, ông Tường chia sẻ.

Trước nhiệm vụ rất khó khăn này, EVNNPT đã xây dựng kế hoạch và triển khai các thủ tục thu xếp vốn đầu tư xây dựng cho giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến các nguồn vốn chủ yếu như sau: Nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVNNPT là 31.394 tỷ đồng (chiếm 28%) dành để trả nợ vay và làm vốn đối ứng để vay vốn.

Nguồn vốn vay nước ngoài có tỷ trọng lớn nhất với giá trị 65.134 tỷ đồng (58%), bao gồm chủ yếu là nguồn vốn ODA, vay của các đối tác truyền thống như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AfD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn nước ngoài khác như vay vốn tín dụng xuất khẩu thông qua Cơ quan Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản (NEXI) và các khoản vay thương mại nước ngoài. Nguồn vốn vay thương mại từ các ngân hàng trong nước chiếm tỷ lệ 14% với giá trị 15.923 tỷ đồng.

Hà Anh