Đường sắt đô thị Việt Nam: Làm sao để tiết kiệm hơn mà vẫn hiện đại?

Nếu so sánh với các loại hình đường sắt đô thị khác như đường sắt vận tải khối lớn (MRT), đường sắt một ray (monorail) thì hệ thống đường sắt nhẹ (LRT) vừa giúp tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường, hiện đại và vừa phù hợp với nhiều thành phố tại Việt Nam trong quá trình đô thị hóa.

Đây là vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Vai trò và giải pháp phát triển hệ thống đường sắt nhẹ của các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam”. Hội thảo do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp cùng với các Cty Halcom, Pacific Consultants, Ingerop tổ chức gần đây tại Hà Nội.

Hội thảo “Vai trò và giải pháp phát triển hệ thống đường sắt nhẹ của các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam”
Hội thảo “Vai trò và giải pháp phát triển hệ thống đường sắt nhẹ của các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam”

Hiện nay, các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển đều sử dụng đường sắt đô thị như “xương sống” trong bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị có mất độ dân cư cao. Bởi so với hệ thống giao thông công cộng trên mặt đất như taxi, xe buýt, hệ thống đường sắt đô thị có những ưu điểm vượt trội như tốc độ cao, duy trì nhiều chuyến trong ngày với lượng hành khách chuyên trở lớn, thuận tiện và thoải mái, phục vụ việc đi lại hàng ngày của hành khách từng đô thị và các vùng phụ cận.

Đường sắt đô thị bao gồm đường sắt vận tải khối lớn (MRT), đường sắt vận tải nhẹ (LRT) và đường sắt một ray (monorail)… Nếu MRT có phạm vi hoạt động rộng và tính hiệu quả cao, giúp việc đi lại giữa các nơi trong đô thị lớn và khu vực ngoại thị được dễ dàng với mức chi phí hợp lý, thì LRT nhỏ hơn và chạy chậm hơn MRT, được sử dụng trong các đô thị cỡ trung bình và các tuyến giao thông ngoại thị. Còn Monorail là hệ thống vận tải trên đường sắt một ray, có ưu thế trong việc thu gom hành khách các đoạn ngắn…

Phân tích và so sánh điểm mạnh, hạn chế của 3 loại hình đường sắt đô thị nói trên, PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: LRT là một phương án đáng để chúng ta quan tâm và thực hiện chúng cho quy hoạch một đô thị lớn. Bởi LRT chạy bằng nguồn điện, do đó không gây nguy hại tới môi trường. Được hỗ trợ rất nhiều từ công nghệ hiện đại và hệ thống điều khiển tự động, LRT là phương tiện giao thông tốc hành, thúc đẩy và kết nối các hệ thống xe buýt và đường sắt.

LRT được xây dựng theo kiểu chạy trên cao, chạy trên mặt đất và chạy ngầm. Khi được thiết kế chạy trên mặt đất, LRT không cần xây rào chắn, giúp đô thị đó tiết kiệm chi phí cũng như tạo điều kiện hòa hợp với các phương tiện giao thông đường bộ khác... Hơn thế, LRT đáp ứng được sự đa dạng, phong phú nhất về đường ray cũng như thiết kế xe và kỹ thuật vận hành.

“Với những ưu điểm trên, cần quy hoạch hệ thống LRT tại các đô thị lớn, từ đô thị loại II trở lên” – ông Lưu Đức Hải đề xuất.

Bàn về các giải pháp phát triển đường sắt nhẹ của các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, ông Đào Ngọc Vinh - đại diện Tổng Cty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải cho biết, đường sắt nhẹ phù hợp với đô thị loại trung bình, các đô thị lớn và hành lang các đô thị lớn có mật độ dân cư, đường giao thông nội đô không cao hoặc khu vực có dịch vụ du lịch, giải trí phát triển.

Phát triển đường sắt nhẹ ở các thành phố lớn có thể phù hợp với giai đoạn đầu khi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị. Đối với các thành phố loại trung bình, có thể xem xét phát triển đường sắt nhẹ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cũng như hỗ trợ các dịch vụ vui chơi, giải trí…

Hiện tại, cả 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đề cập đến LRT trong quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị nhưng các hệ thống LRT được phân đoạn đầu tư vào giai đoạn sau, khi mà các hệ thống MRT đã hình thành.

Khánh An