Doanh nghiệp cần tự bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ

(Dân trí) - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo: “Tầm quan trọng của tài sản trí tuệ trong marketing và xây dựng thương hiệu” diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế tại Cần Thơ ngày 30/8.

Thạc sĩ Hoàng Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thông tiếp thị TPHCM cho rằng: Đừng bao giờ lấy tên công ty đặt cho tên sản phẩm. Bởi nếu sản phẩm xấu thì người mua sẽ tẩy chay sản phẩm đó, đồng nghĩa với việc tẩy chay công ty.

Chiến lược kinh doanh phải đi đôi với chiến lược thương hiệu thì sẽ giúp cho hoạt động marketing hiệu quả hơn; chủ động trong kinh doanh, tạo ra lợi nhuận siêu ngạch, chuyển nhượng thương hiệu, gia công hàng thương hiệu nổi tiếng, quyền ưu tiên về mặt bảo hộ pháp lý.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hòa, cần tự bảo vệ thương hiệu bằng cách tăng cường sự khác biệt của chất lượng hàng hóa; thiết kế thương hiệu độc đáo; phát hiện kịp thời các hàng hóa ăn cắp thương hiệu; nâng cao khả năng nhận biết thương hiệu của công ty.

Theo ông Hòa, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về sở hữu trí tuệ, chưa xây dựng chiến lược thương thiệu; chưa chú trọng đầu tư kỹ thuật công nghệ hiện đại- áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế; chưa chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực- nâng cao ý thức và cam kết của tất cả các thành viên trong công ty về việc xây dựng thương hiệu; chưa chú trọng công tác thị trường…

Vì thế, cần một số giải pháp như: Đối với Chính phủ, cần xây dựng hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ thống nhất; xây dựng luật thương hiệu riêng; tăng cường hoạt động phát triển thương mại nói chung và xây dựng- quảng bá thương hiệu nói riêng; xây dựng trung tâm thông tin tư vấn về thương hiệu; điều chỉnh quy định về hạn chế chi phí quảng cáo.

Còn đối với doanh nghiệp, cần nâng cao ý thức của tất cả các thành viên trong công ty về thương hiệu; xây dựng chiến lược thương hiệu dài hạn phù hợp với khả năng của doanh nghiệp; mạnh dạn đầu tư cho phát triển thương hiệu; tham gia thương mại điện tử để đưa thương hiệu phát triển rộng rãi hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với tài sản trí tuệ của đơn vị mình.

Bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ (Sở Khoa học & Công nghệ TP Cần Thơ) cho rằng, bảo hộ quyền SHTT là công cụ hữu hiệu khắc phục các lệch lạc trong hoạt động thương mại, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đây cũng là công cụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Bà Điệp kiến nghị, các doanh nghiệp nên thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT và tuyển dụng nhân sự có hiểu biết về vấn đề này; gắn chiến lược phát triển tài sản trí tuệ cùng với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; xác lập quyền SHTT kịp thời; khai thác thương mại quyền SHTT hiệu quả; chủ động bảo vệ quyền SHTT của mình; tôn trọng quyền SHTT của người khác.

Huỳnh Hải