Công ty Bảo hiểm BIDV chuyển sang hình thức Cổ phần

Việc chuyển đổi này đã được Bộ Tài chính phê chuẩn tại Giấy phép số 11/GPĐC7/KDBH ngày 01/10/2010.

Ngày 01/10/2010, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) vừa công bố chính thức chuyển đổi hình thức từ Công ty 100% vốn Nhà nước sang Công ty Cổ phần. Việc chuyển đổi này đã được Bộ Tài chính phê chuẩn tại Giấy phép số 11/GPĐC7/KDBH ngày 01/10/2010. Sau khi chuyển đổi, BIC sẽ có tên gọi mới là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Toàn bộ 19 chi nhánh của BIC cũng đồng thời được chuyển đổi thành các Công ty con hạch toán phụ thuộc. Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV cũng đã được Bộ Tài chính phê chuẩn chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Đồng thời với việc chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, BIC cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 660 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nắm giữ 82,3% cổ phần, người lao động trong doanh nghiệp nắm giữ 0,26% cổ phần, 17,44% cổ phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư tham gia đợt đấu giá cổ phần ngày 05/08/2010 vừa qua.

Thi hành Luật doanh nghiệp 2005, Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ, Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã quyết định cổ phần hóa Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và đã thực hiện việc chào bán cổ phần ra công chúng để chuyển đổi BIC thành Công ty Cổ phần. Tại Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất BIC được tổ chức ngày 09/09/2010, các cổ đông đã nhất trí thông qua phương án chuyển đổi BIC thành Tổng Công ty Cổ phần và đồng thời chuyển đổi các Chi nhánh thành các Công ty con hạch toán phụ thuộc.

Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm 6 năm hoạt động của Công ty Liên doanh Bảo hiểm Việt Úc và 5 năm hoạt động của Công ty Bảo hiểm BIDV, với mạng lưới 19 Công ty con và 50 Phòng Kinh doanh khu vực đã gây dựng; cùng với lợi thế của 111 chi nhánh và 500 phòng giao dịch của BIDV trên toàn quốc, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ tiếp tục mục tiêu xây dựng BIC thành 1 trong 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam. BIC sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố mạng lưới, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để thỏa mãn tối đa nhu cầu bảo hiểm của Khách hàng. Đồng thời BIC sẽ tiếp tục liên kết chặt chẽ với các đơn vị thuộc hệ thống BIDV để hoàn thiện chu trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính trọn gói cho khách hàng.

Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIC phát biểu: “Việc chuyển đổi hoạt động của Công ty sang mô hình Tổng Công ty cổ phần là hoàn toàn phù hợp với định hướng về cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Tổng Công ty trên thị trường; sử dụng và phát huy tốt hơn nữa các nguồn lực về vốn, tài sản, con người nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty và nâng cao chất lượng dịch vụ đối với khách hàng.”

Sau khi chuyển đổi và đi vào hoạt động với tên gọi mới, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ kế thừa toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trước đây. “Chúng tôi cam kết rằng tất cả các Hợp đồng/Giấy chứng nhận bảo hiểm mà khách hàng đã ký với Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng như các Chi nhánh của Công ty trước đây, các yêu cầu bồi thường đã phát sinh sẽ được Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tiếp tục thực hiện, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của khách hàng”, ông Tùng cho biết.

Việc chuyển đổi sang mô hình Tổng Công ty Cổ phần cũng sẽ tạo điều kiện cho BIC có thể phát huy tốt nguồn nhân lực sẵn có, ổn định việc làm, tuyển dụng thêm những lao động có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng tốt, đáp ứng được yêu cầu công việc; xây dựng chính sách thu hút và sử dụng nhân tài, tăng cường công tác đào tạo nguồn lực. Tổng Công ty cũng đã có cam kết sẽ tiếp tục kế thừa các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm theo Hợp đồng lao động đã ký giữa Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với người lao động trước cổ phần hóa.