Tổng kết chương trình “Tái chế điện thoại - Bảo vệ môi trường”

Chiến dịch “Tái chế điện thoại - Bảo vệ môi trường” của Nokia do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường bảo trợ chính thức bắt đầu từ ngày 13/6 tại hai thành phố lớn: TPHCM và Hà Nội.

Thu nhận hơn 6.000 chiếc điện thoại cũ và hơn 400kg linh kiện

Chiến dịch “Tái chế điện thoại – Bảo vệ môi trường” của Nokia do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường bảo trợ chính thức bắt đầu từ ngày 13/6 tại hai thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nỗ lực kêu gọi người dân tái chế điện thoại, bảo vệ môi trường đã mang đến những kết quả đáng khích lệ. Từ lúc chính thức khởi động bằng cuộc thi chạy bộ với các ngôi sao nổi tiếng như: Lam Trường, Hồ Ngọc Hà, Phương Thanh, Hà Anh Tuấn, Quang Vinh… cho đến nay, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người sử dụng điện thoại. Trong một thời gian ngắn, mục tiêu 5000 chiếc điện thoại cũ đã nhanh chóng được hoàn thành, và tính đến thời điểm cuối tháng 7 Ban tổ chức chương trình đã nhận được tổng cộng 6.365 chiếc điện thoại cũ đi cùng 435 Kg linh kiện.

Chung tay ngăn ngừa những nguy cơ từ “rác” công nghệ

Nỗ lực tái chế điện thoại của Nokia không chỉ được thực hiện tại Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Đơn giản vì nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu này nhận thức từ rất sớm những nguy cơ nghiêm trọng cho môi trường từ khối lượng “rác” công nghệ khổng lồ bị đào thải ra mỗi ngày. Làm một bài tính đơn giản: hiện trên toàn thế giới có hơn 10 tỉ chiếc điện thoại đang được sử dụng, bình quân một chiếc điện thoại nặng chừng 200g thì Trái đất đang gánh một khối lượng vật liệu lên đến 1.4 triệu tấn, với những chất độc hại có tuổi thọ hàng trăm năm và khó phân hủy như: nhựa (vỏ), chì (mainboard) hay đồng, thủy ngân (pin)…

Riêng Việt Nam, hiện có khoảng 110 triệu chú dế đang hoạt động, và bình quân tuổi thọ là 2 năm cho mỗi chiếc điện thoại, như thế mỗi năm kho rác điện tử lại được bổ sung khoảng 50 triệu máy, tương đương lượng “rác” công nghệ lên đến 400 tấn. Đây thực sự là một con số đáng lo ngại như lời nhận định của chuyên gia về Trung Quốc Dương Danh Dy: “Nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ đang rất lớn khi hàng loạt sản phẩm đủ thể loại đang tràn về, nổi bật là điện thoại di động”.

Tổng kết chương trình “Tái chế điện thoại - Bảo vệ môi trường” - 1

Chương trình có sự tham gia của rất nhiều ngôi sao

Ý thức được rất rõ về tầm quan trọng của việc tái chế điện thoại, Nokia đã phát động chương trình “Tái chế điện thoại – Bảo vệ môi trường” tại châu Âu, châu Mỹ… và sau đó là tại Việt Nam cùng một số quốc gia khu vực châu Á: Thái Lan, Singapore... Đây là một chiến dịch lớn nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc tái chế điện thoại, khuyến khích mọi người cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường.

Việc làm nhỏ, lợi ích lớn!

Theo thống kê, hiện tại chỉ có khoảng 3-5% người sử dụng điện thoại tại Việt Nam nghĩ đến việc tái chế điện thoại. Hành động đóng góp một chiếc điện thoại cũ tuy cực kỳ đơn giản, nhưng nếu chúng được thực hiện bởi số đông người dân thì sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho quốc gia, nhất là về mặt môi trường.

Trên thực tế, những chiếc điện thoại cũ, hư hỏng không vô dụng như chúng ta thường nghĩ. Nếu biết sử dụng chúng đúng cách, chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích mà ta không thể ngờ tới. Điện thoại được cấu thành bởi hàng trăm vi mạch điện tử và nhiều linh kiện khác nhau. 100% trong số chúng đều có thể được tái sử dụng, phục hồi để tạo nên những sản phẩm mới, hoặc sử dụng vào việc sản sinh năng lượng để con người sử dụng bằng phương pháp đốt. Nếu mỗi người dùng điện thoại chỉ tái chế một chiếc điện thoại cũ không còn sử dụng của mình, thì chúng ta sẽ cùng nhau tiết kiệm được gần 80.000 tấn nguyên liệu thô. Một con số đáng kinh ngạc và cũng rất đáng để suy nghĩ.

Là một trong những công ty đi đầu khởi xướng chương trình tái chế, Nokia đã triển khai chiến dịch thu hồi điện thoại cũ từ cuối những năm 1990 và ngày nay, Nokia vẫn thường xuyên làm việc với các tổ chức về môi trường hoặc các tổ chức phi chính phủ như WWF nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng ở nhiều thị trường khác nhau trên khắp thế giới. Song song đó, Nokia cũng làm việc với các đối tác khác cùng ngành nhằm nâng cao các tiêu chuẩn tái chế, tham gia vào nhiều dự án nhằm cải thiện cách thức xử lý điện thoại không còn dùng đến. Ngoài ra, Nokia cũng là thành viên của sáng kiến StEP (giải quyết vấn đề rác thải điện tử), một chương trình hợp tác của ngành và giới học viện do trường đại học LHQ tổ chức.

Trong năm 2007 Nokia đã đạt được mục tiêu sử dụng 25% trong tổng số lượng điện tiêu thụ là điện từ tái chế. Với việc này, Nokia đã giảm đến 27400 tấm CO2 thải ra môi trường, tương dương với chất thải từ một chiếc xe lái 4000 vòng quanh trái đất. Mục tiêu mới của Nokia trong năm 2010 là sẽ đạt đến mức sử dụng 50% điện tái chế.