Cuộc cách mạng công nghệ 5G

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ 5G sẽ là một bước tiến quan trọng, làm thay đổi lớn đời sống con người. Các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đang xây dựng lộ trình để chuẩn bị sẵn sàng khi 5G chính thức đi vào hoạt động trong tương lai gần.

Lãnh đạo Công ty Ericsson cùng đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc trao đổi về những cơ hội và sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam để bắt kịp công nghệ 5G.

Cơ hội từ 5G

Là một trong những doanh nghiệp nghiên cứu phát triển nền tảng 5G từ rất sớm, ông đánh giá thế nào về những tiện ích và những cơ hội từ công nghệ này?

Ông Dennis Brunetti, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam & Myanmar: Công nghệ 5G sẽ cung cấp tốc độ dữ liệu nhanh hơn tới 100 lần, độ trễ mạng được hạ thấp tới 5 lần. Lượng dữ liệu di động tăng lên tới hàng nghìn lần, tuổi thọ pin tốt hơn hàng chục lần. Điều đó đồng nghĩa với việc 5G mang lại cơ hội kinh doanh to lớn cho các doanh nghiệp.

Trong tương lai, việc giới thiệu và áp dụng công nghệ 5G với quy mô lớn trên toàn quốc sẽ mang đến cho Việt Nam khả năng cung cấp các dịch vụ băng rộng di động tốc độ cao, độ trễ thấp, bao gồm cả việc truyền trực tiếp tín hiệu video 4K đến các thiết bị di động.

Ngoài ra, công nghệ 5G cũng cho phép triển khai các dịch vụ tiên tiến dành cho người dân, từ việc tiếp cận các dịch vụ y tế được tăng cường và cải thiện trên cả nước đến tiếp cận hệ thống giao thông thông minh, bao gồm xe ô tô tự lái và những sáng tạo mới trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, năng lượng và an toàn xã hội.

Đối với Việt Nam nói riêng, với vai trò là Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, ông đánh giá thế nào về nền tảng công nghệ này?

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện: Người Việt Nam hiện nay mong muốn có thể liên lạc và tiếp cận thông tin ngay lập tức ở mọi nơi. Khuynh hướng tiên phong về công nghệ 5G không chỉ đáp ứng nhu cầu này mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và ngành viễn thông.

Công nghệ 5G sẽ mang lại cơ hội lớn cho các nhà khai thác viễn thông. Việc ứng dụng công nghệ này sẽ giúp các doanh nghiệp này giải quyết được các vấn đề số hoá trong ngành.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của công nghệ 5G trong tương lai?

Ông Magnus Ewerbring, Giám đốc Công nghệ khu vực châu Á của Ericsson: Theo báo cáo di động mới nhất của Ericsson, công nghệ 5G đang phát triển nhanh chóng và sẽ có hơn 500 triệu thuê bao vào năm 2022.

Sự phát triển công nghệ 5G sẽ mang lại những cơ hội mới rất khác biệt cho con người, doanh nghiệp và xã hội tương lai. Dự báo tiềm năng doanh thu của công nghệ 5G trên toàn cầu là 582 tỷ USD vào năm 2026.

Việt Nam sẽ tiên phong 5G

Nhiều người cho rằng, việc nghiên cứu 5G hiện nay còn quá sớm, các ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện: 4G mới chỉ bắt đầu tại Việt Nam, nhưng chúng ta đã xây dựng công nghệ 4G trên một số nền tảng của công nghệ 5G, ví dụ như khả năng hỗ trợ IoT với mật độ kết nối lớn, độ trễ thấp, độ tin cậy cao.

Việc giới thiệu sớm các ý tưởng công nghệ 5G cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp thông tin di động, các nhà khoa học nghiên cứu và đào tạo là rất cần thiết để họ sớm hình dung và định hướng chính sách quản lý trong đó có quản lý tần số, sớm định hình mô hình phát triển ứng dụng và kinh doanh dịch vụ, để đào tạo nguồn nhân lực đón đầu việc triển khai.

Trình diễn công nghệ 5G của Ericsson tại Việt Nam
Trình diễn công nghệ 5G của Ericsson tại Việt Nam

Người Việt Nam có câu trăm nghe không bằng một thấy. Trình diễn 5G cho các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu để giúp các đơn vị này sớm định hình được chính sách quản lý, ý tưởng kinh doanh, chuẩn bị nguồn nhân lực cho 5G trong tương lai gần, đặc biệt là khả năng đáp ứng yêu cầu kết nối cho công nghiệp 4.0, thành phố thông minh, giao thông thông minh và các ứng dụng IoT khác.

Ông Dennis Brunetti, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam & Myanmar: Bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ 5G và lập kế hoạch sớm, cần phát triển kinh doanh, các mô hình khả thi với thị trường và sự thích ứng của các tổ chức. Việt Nam là đất nước có tính sáng tạo cao và có nhiều cơ hội để triển khai 5G, do đó, Việt Nam không nên chờ đợi 5G mà cần tiến hành sớm.

Dự kiến, người Việt Nam có thể sử dụng 5G vào khi nào thưa ông?

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện: Hiện nay trên thế giới vẫn đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện tiêu chuẩn cho 5G để có thể thương mại hóa vào năm 2020.

Các thử nghiệm được tiến hành tại nhiều nước và thử nghiệm thương mại sẽ được thực hiện tại Olympic mùa đông ở Seoul, Hàn Quốc vào năm 2018. Cuộc thử nghiệm tiếp theo tại Olympic mùa hè ở Nhật Bản ITU sẽ thông tầm nhìn của 5G và IMT 2020, trong đó vai trò của 5G là phát triển băng siêu rộng, hỗ trợ truy cập IoT giữa các thiết bị với độ kết nối nhanh, truy cập kết nối siêu cao và độ trễ cực thấp.

Có thể phải sau thời gian này 5G mới chính thức đi vào hoạt động. Nhưng việc giới thiệu, nghiên cứu các giải pháp nền tảng từ 5G ngay từ lúc này không phải là quá sớm.

Cuộc cách mạng công nghệ 5G - 2

Minh Dương