XKLĐ sang Đài Loan: Phản ánh từ nhiều phía

(Dân trí) - Tình trạng lao động VN đi xuất khẩu lao động bỏ trốn ra ngoài làm hết “bị gióng chuông” cảnh báo tại thị trường Hàn Quốc, giờ lại tới ở Đài Loan. Mà đây vốn là những thị trường được coi là tiềm năng về tiếp nhận lao động VN. Vì sao vậy?

XKLĐ sang Đài Loan: Phản ánh từ nhiều phía
Lao động Việt Nam tại Đài Loan (Ảnh: CTV)

 

Nguy cơ mất thị trường trọng điểm

 

Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, tình trạng thiếu công ăn việc làm càng trở nên căng thẳng hơn nhất là tại các nước đang phát triển có nguồn nhân lực dồi dào như VN. Do vậy, việc tìm kiếm thêm những kênh tạo việc làm cho người lao động trong nước rõ ràng có ý nghĩa không hề nhỏ.

 

Và thực tế cũng cho thấy: dù biết đi làm việc ở xứ người không dễ dàng, nhưng được ra nước ngoài làm việc vẫn là một trong những mong ước chính đáng của một số bộ phận người lao động nước ta. Nhất là ở những vùng quê còn nghèo khó, trình độ nói chung còn chưa cao.

 

Qua tìm hiểu thực tế công việc của các công ty, cơ quan, tổ chức… làm việc trong lĩnh vực XKLĐ cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người dân đã, đang và chuẩn bị đi XKLĐ, chúng tôi phần nào có được hiểu biết về những “uẩn khúc” cả từ phía đưa đi và người đi XKLĐ.

 

Tình trạng LĐVN bỏ trốn ra làm ngoài ở nước sở tại là một trong những vấn đề rất đáng quan ngại, bởi nó đe dọa ảnh hưởng lớn đến chiến lược đưa lao động sang thị trường nước ngoài làm việc của VN. Chẳng vậy mà trước đây Hàn Quốc – một thị trường XKLĐ được đánh giá là rất tiềm năng, đã có lúc phải tạm ngừng tiếp nhận lao động VN khiến những người đã và đang chuẩn bị đi rơi vào cảnh đứng ngồi không yên…

 

Ai có thể không đau xót khi hay tin, ngành XKLĐ VN lại thêm một lần nữa có nguy cơ mất thị trường (Đài Loan – nơi mỗi năm thu hút hơn 30% tổng số LĐ VN đi làm việc tại nước ngoài). Khi trong số hơn 93.000 LĐ VN đang làm việc tại Đài Loan, tính đến hết ngày 31/12/2011 đã có hơn 49.000 LĐ bỏ trốn (bao gồm khoảng 30.000 LĐ nữ) - chiếm gần 41% số lao động nước ngoài bỏ trốn tại Đài Loan. Trung bình mỗi tháng có khoảng 550 lao động bỏ trốn tại Đài Loan. Hiện đã có gần 35.000 lao động bỏ trốn bị trục xuất về nước.

 

"Cò" ngoài, "cò" trong

 

Cũng như nhận định của Cục Quản lý LĐ nước ngoài về nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do chi phí mà người LĐVN phải trả cho cơ quan môi giới quá cao, nhiều người đã và đang trực tiếp làm việc tại Đài Loan còn cung cấp thêm những thông tin mà có lẽ không phải người trong cuộc thì cũng khó có thể biết ((hoặc tin) được:

 

“Muôn muôn muôn thuở là do các công ty môi giới quá tham lam, tham lam 1 cách có tổ chức. Ngày trước tôi làm công nhân điện tử bên ĐL, còn bị công ty môi giới định quỵt cả tiền thuế nữa kìa. May mà tôi có bạn là người ĐL gọi điện đến phòng thuế hỏi tên người lĩnh thuế của tôi, hóa ra là môi giới đã lĩnh từ trước đó gần 1 năm. Thế mà cách ngày tôi về nước 1 tuần họ vẫn nói là tôi không được hoàn thuế...” - Juynny do:  tocngan8@yahoo.com

 

“Thu phí dịch vụ cao quá qui định. Không những chỉ các "cò" ngoài, mà ngay cả những cán bộ trong đơn vị tuyển chọn của các trung tâm tuyển chọn của các sở LĐTBXH các tỉnh cũng đứng ra làm dịch vụ, đẩy giá lên gấp cả chục lần. Tình trạng như vậy thì ai là người phải chịu thiệt? Nếu như họ về đúng hạn thi chỉ đủ tiền "đầu tư" ban đầu thôi” - Vuong:  vuongdigi@yahoo.com

 

“Sở dĩ người LĐ phải trốn ra ngoài chẳng phải do họ vô tổ chức, mà cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, hoặc chủ đối xử tệ không chịu nổi phải trốn ra ngoài. Lo không có tiền về nước trả nợ thì phải bỏ ra làm ngoài thôi.

 

Mà cũng không chỉ thế đâu. Công nhân đi làm thì có những nơi ít việc, thậm chí còn không đủ ăn huống gì tiền gửi về trả 5.000-6.000USD phí môi giới ra đi. Công ty không có việc cũng không có phụ cấp, môi giới thì mặc kệ… Trong khi đó nào là tiền đóng phí chống trốn ra ngoài, phí cắt phần trăm cho môi giới, rồi tiền ăn tiền ở thì vẫn phải chi. Thử hỏi làm sao họ cứ nằm đó mà đợi được?

 

Thậm chí có công ty phá sản, tiền trích nộp phần trăm hàng tháng đáng lẽ hết hợp đồng lao động được nhận lại thì cũng không được trả, cũng không có cơ hội ở lại xin sang công ty khác. Thử hỏi tiền đâu ra để họ về?  Trong khi LĐ  bỏ trốn thì đổ lỗi lên đầu họ, nhưng sao khi công ty phá sản những quyền lợi của người LĐ đáng ra được hưởng thì không có người đại diện nào đứng ra đòi hộ cho? Có cả chuyện tiền hàng tháng bị giữ lại cũng không được lấy, tiền lương cũng không được nhận hết… Sao những cái đó không ai đề cập đến” - Thuy:  thanhthanhthuyvcu89@gmail.com

 

“Tôi cũng là người đang làm việc tại ĐL. Tôi thấy nguyên nhân chính dẫn đến người LĐ VN bỏ trốn cũng vì chi phí qua bên này quá cao – tới 6.500 USD. Trong khi nói lương cơ bản là 600 USD, nhưng đó là chưa trừ các chi phí bảo hiểm và môi giới bên ĐL. Sang đến bên này, nếu trừ hết tất cả thì người LĐ chỉ còn nhận được 300 USD/tháng thôi. Thử hỏi với mức phí đi XKLĐ và mức lương nhận được từng ấy thì chúng tôi phải làm thế nào, khi tất cả chi phí  để đi được đều phải vay ngân hàng hoặc vay nặng lãi? Tôi rất mong được các cấp chức năng xem xét và giúp tìm hướng giải quyết cho chúng tôi” - Ngoc Kien:  noibuonxasu_taiwan@yahoo.com

 

“Tại sao lao động VN bỏ trốn ư? Theo tôi, do chi phí đi quá cao, mà làm thì lương không cao, các nhà môi giới của chúng ta đã thu lệ phí một cách quá mức. Ví dụ người LĐ Thái Lan đi Đài Loan chỉ mất 2.500 USD, thế mà ở ta thu  tới 5.500USD là thấp nhất, có chỗ tôi thấy thu tới 8.000USD. Do đó để thu hồi lại vốn thì người ta phải bỏ trốn ra ngoài  để có mức lương cao hơn thôi. Đó là cái giá lẽ ra các bên môi giới phải trả vì đã lạm dụng thu quá nhiều tiền của người đi XKLĐ, thu vừa phải thôi thì làm gì có người bỏ trốn?” - Hung:  hung@gmail.com

 

“Theo tôi thì chi phí XKLĐ như thế là bất hợp lý. Mức phí 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm bao gồm những loại phí gì và do cơ quan nào quản lý, có cần thiết phải thu nhiều như thế không? Tại sao tiền môi giới lên đến 1.500 USD, tiền môi giới này vào túi những ai? Tôi không thể tưởng tượng được rằng người LĐ nghèo phải bỏ ra tới 5.000 - 6.000 USD mà không biết sang xứ người mình làm gì và mỗi tháng thu nhập được bao nhiêu. Trong khi có những doanh nghiệp XKLĐ dấu nhẹm tình hình việc làm và thu nhập thực tế ở các nước tiếp nhận lao động VN. Tôi nghĩ họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận từ tiền môi giới ("cò"), mà không cần biết người lao động ra sao sau 3 năm làm việc... Chắc họ chỉ cốt sao cho có nhiều người nộp phí là được?” - Vu Manh Dat:  vumanhdatnb@gmail.com

 

“Việc LĐ VN bỏ trốn nhiều là do mức phí môi giới ở VN còn quá cao so với các nước khác ở cùng khu vực. Vì vậy tôi đề nghị ngành chức năng cần đều chỉnh  mức phí môi giới xuống thấp hơn, từ khoảng 3.500-4000USD thôi” – nick Taiwan:  noiay_xindung_nhodentoi@yahoo.com
 
XKLĐ sang Đài Loan: Phản ánh từ nhiều phía
Lao động VN chuẩn bị đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan (Ảnh: Đặng Tiến, báo: Lao Động)

 

Chữ tín và ý thức 

 

Liên quan tới vấn đề này còn nhiều chuyện rất đáng suy nghĩ, khi nạn nhân là những người LĐ vốn đã nghèo khổ, cực chẳng đã phải tìm mọi cách để ra đi với hy vọng có thể giúp gia đình và bản thân thoát cảnh nghèo khó. 

 

“Trước đây tôi có cùng nhóm bạn vừa đi bộ đội về, được cán bộ của Phòng LĐTBXH Tỉnh tới hướng dẫn và làm thủ tục tạo cơ hội cho chúng tôi mới xuất ngũ về sẽ có cơ hội làm việc tại Đài Loan với thu nhập 700-800 USD/tháng. Lúc đầu nghe họ nói thì chúng tôi ai cũng tin theo. Sau đó hầu như ai xuất ngũ cũng được mấy ông ấy cho vay tiền để lên TPHCM học tiếng Trung, họ nói sau 3 tháng là đi được. Thế rồi chúng tôi được đưa lên trường Emico do ông Đại làm phó giám đốc. Lúc đầu đóng phí là 2.600 USD, đến khi trúng tuyển được đi thì phí lên đến 5.000 USD. Chúng tôi có về  nhà bán hết đất cũng không đủ tiền đóng, nên đành bàn nhau rằng những bạn có đủ khả năng thì cố lo để đi, còn tôi thì ở lại VN chờ tin của họ.

 

3 tháng đầu thì cũng liên lạc qua lại và thấy là việc làm cũng ổn. Nhưng sau 2 năm họ trở về thì chủ yếu cũng chỉ có cái thân họ mà thôi… Còn tôi không đi được phải quay về quê,  không hiểu sao tới giờ vẫn còn bị nói là nợ ngân hàng 9 triệu tiền XKLĐ chứ tôi có bao giờ đụng tới tiền. Ngân hàng cứ xuống nhà đòi hoài? Trong khi trước kia bảo ký vào hồ sơ là tôi cứ ký thôi chứ đâu biết là ký nợ gì…” - Lý Hồng Tuệ:  hongtue.auviet@gmail.com

 

“Tôi có chồng cũng đi XKLĐ tại ĐL. Phí đi mất 6.300USD. Vậy mà mới làm được 10 tháng thì tết rồi mẹ tôi bị ung thư,  nên anh xin về nghỉ phép về thăm mẹ. Vậy mà đến ngày sang thì người môi giới quản lý lại nói là chưa mua được vé, phải đợi thêm 5 ngày nữa họ sẽ xin chủ sử dụng lao động cho. Sau 4 ngày gọi điện thoại để hỏi lại thì họ nói là chủ sử dụng lao động không nhận nữa vì họ đủ người rồi. Vậy là họ chấm dứt hợp đồng với chồng tôi.

 

Điều đáng nói là từ ngày chồng tôi mới về, môi giới bên đó đã bảo với mấy công nhân cùng làm với chồng tôi rằng chồng tôi sẽ không sang nữa vì được chủ sử dụng lao động bồi thường cho 3.000USD. Nhưng thực chất chồng tôi không được biết bất cứ điều gì và cũng không nhận được một đồng nào cả. Nếu ai cũng bị như vậy thì thử hỏi tại sao họ không trốn ra ngoài làm. Như chồng tôi bây giờ về nhà mang cả đống nợ, bao giờ mới trả hết được” - Mai Lan:  Ngoisaokhongcodon521@yahoo.com

 

Song nói đi cũng phải nói lại. Không thể phủ nhận có những sai sót, lỗi lầm cũng là do từ chính ý thức, lối sống cùng suy nghĩ hoặc còn hạn hẹp, hoặc lại quá nuôi ảo tưởng… của không ít LĐVN đã góp phần đẩy họ vào cảnh bi đát. Nhiều kiến nghị tiếp tục được người LĐ đưa ra cũng với mong muốn cùng chung tay nỗ lực xóa bỏ được thực trạng đáng lo ngại này, để mọi việc diễn ra luôn đúng theo quy định mục đích đề ra cho công tác XKLĐ của chúng ta.

 

“Mình cũng muốn góp ý với các bạn thế này: Thực ra ý thức lao động của không ít người LĐ VN mình còn kém, cứ thấy lợi hơn là bỏ sang làm, khi nào gặp khó khăn thì lại đổ vấy cho cơ quan này nọ. Đi làm thuê nhưng cứ nghĩ như làm chủ sao được... Song tôi cũng muốn ngành chức năng VN nên xem lại cái cách quản lý của mình, chứ đừng đổ lỗi cho ai hết. Người LĐ VN cũng chỉ vì quá khó khăn nên mới muốn thay đổi cái nghèo khó đó. Nhưng với chi phí cao phải trả khi đi, người LĐ phải cố kiếm thêm trả  nợ trong 3 năm còn chưa biết có hết được nổi không. Với hy vọng kiếm thêm chút vốn liếng, người ta mới đành phải bỏ trốn như vậy thôi. Tóm lại, cần coi lại hệ thống quản lý và quy định của phía ta sao cho chặt chẽ hơn nữa” – nick Đáng buồn:  phamthiquynhphuong@gmail.com
 
XKLĐ sang Đài Loan: Phản ánh từ nhiều phía
Người lao động ở nhiều vùng quê vẫn mong muốn được đi làm việc tại các thị trường thu nhập tốt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (ảnh: Thu Uyên, báo CAND)

 

“Trình độ nhận thức của nhiều người Việt mình còn kém vậy đó. Các bạn cũng đừng lúc nào cũng đổ trách nhiệm cho các cơ quan chức năng, mà không nhìn lại mình xem có phải vẫn giữ tư duy thấy lợi là bất chấp cả pháp luật lẫn chữ tín?...” - Thao Nguyen:  nguyenthao_bs@yahoo.com

 

“Tôi là người làm trong ngành XKLĐ và đưa lao động sang Đài Loan đã hơn 10 năm nay. Tôi thấy thực tế nguyên nhân bỏ trốn của người LĐ có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Nhưng các biện pháp hạn chế tỉ lệ bỏ trốn mà cơ quan chủ quản phía VN đưa ra, tôi thấy đều không đánh trúng đối tượng, chỉ như kiểu "gãi không đúng chỗ ngứa".

 

Theo tôi, cách làm triệt để nhất là phối hợp với cơ quan chủ quản và Cảnh sát phía Đài Loan xử lý triệt để các môi giới bất hợp pháp (phần lớn là người Việt đang sống tại Đài Loan). Đồng thời kiến nghị phía Đài Loan thực thi các biện pháp xử phạt thật nặng các chủ sử dụng nhận lao động phi pháp. Chỉ cần làm triệt để 2 biện pháp đó thì tôi tin tỷ lệ LĐ bỏ trốn sẽ lập tức hạ xuống rất nhanh. Còn như ý kiến của nhiều bạn nói do người LĐ bị thu phí cao mà sang đó lại không có thu nhập như ý muốn, theo tôi là còn phiến diện.

 

Thực tế tôi thấy có nhiều công ty XKLĐ làm tốt việc tư vấn thông tin cho LĐ trước khi đi. Nhưng nhiều LĐ của ta sang đó không thỏa mãn với mức lương theo hợp đồng và sẵn sàng bỏ trốn ra ngoài làm việc khi có cơ hội (thị trường nào cũng có những người Việt  xử sự như vậy). Làm thế là người Việt đang dần tự đánh mất những ưu thế vốn có của mình, cùng lúc đó lại phô bày những mặt trái như tư duy lạc hậu, tính ích kỷ…

 

Tôi nghĩ, các biện pháp đều cần thực thi đồng bộ và quyết liệt thì mới mong thay đổi được các vấn đề đang tồn tại hiện nay” - Lao Ai:  cocaiay@yahoo.com

 

“Theo kinh nghiệm của tôi: về phía chủ thuê công xưởng ĐL  thường thích sử dụng LĐ Thái Lan vì tính tình mềm mại hơn, ít kiến nghị và phần lớn có thể lực tốt hơn. LĐ Philippines thì đa phần học thức cao hơn, khi có vấn đề phát sinh dễ thỏa thuận hơn. Về giúp việc nhà thì gia đình chủ thuê thường thích sử dụng LĐ Indonessia vì tính phục tùng cao mặc dù phản ứng không nhanh bằng LĐ Việt Nam. Còn những người thích sử dụng LĐ VN là vì "lại mặt" nhiều hơn, mặt khác LĐ VN do thường thông qua quá nhiều "cầu" nên chi phí đội lên rất nhiều.

 

Cần có chế độ kiểm tra bình xét các đơn vị XKLĐ hàng năm, công bố rõ kết quả. Đồng thời tăng cường giám sát mức thu phí, tuyên truyền hậu quả của việc bỏ trốn (như không được đóng BHYT + BHLĐ, ốm đau không có điều kiện đi khám chữa bệnh, có thể gặp nhiều rủi ro khi chạy trốn cảnh sát ...). Cung cấp đ/c và số điện thoại của Cục Lao công ĐL để liên lạc giúp đỡ LĐ khi cần thiết, có quy định cụ thể về trách nhiệm của LĐ trốn ra ngoài khi về nước...” – Lai Ngoc Vinh:  laithingocvinh@yahoo.com.tw

 

“…Theo suy nghĩ của tôi, ngành chức năng nên tính toán kỹ để quy định mức môi giới phù hợp. Đặc biệt cần kết hợp với Bộ Công an có quy định chặt chẽ về các mặt quản lý đơn vị KXLĐ. Ví dụ cần có trách nhiệm hơn trong việc tổ chức cho LĐ đi và về khi đến hạn, việc gia hạn visa... Đồng thời có quy chế chặt chẽ: nếu LĐ bỏ trốn thì bị xử phạt nặng ra sao. Có vậy mới ngăn chặn được chuyện LĐ bỏ trốn gây ảnh hưởng xấu... Kính đề nghị tòa soạn giúp đề xuất với các cơ quan hữu trách để giải quyết tốt vấn đề trên. Xin trân trọng cảm ơn” - Nguyễn Gia Lộc (Trung Tự, Hà Nội):   nguyengialoc2002@yahoo.com

 

“Ngành chủ quản nên làm việc với các chủ doanh nghiệp và cơ quan liên quan của Đài Loan, để buộc bên môi giới Đài Loan phải tuân thủ mức  4500 USD với lao động làm việc tại các nhà máy và 3600 USD với LĐ làm hộ lý (đã bao gồm cả phí cho môi giới VN và Đài Loan). Tôi biết, phía môi giới Đài Loan luôn được hưởng lợi phần lớn, trong khi sang đó có bao nhiêu vấn đề lại dồn hết lên người LĐ và môi giới VN. Để làm được điều này cần có những quy định cụ thể của các cơ quan chức năng phía ta” – Nick Yeu Viet:  tainanshan@yahoo.com.tw

 

XKLĐ trong điều kiện của VN hiện nay trên thực tế vẫn có nhu cầu khá lớn, nhất là trong số những LĐ đã từng làm việc tại thị trường quen thuộc ĐL như Ta Khac Minh  tbnetvn@yahoo.com viết: “Không biết Bộ LĐTBXH nói vậy nhưng có thực hiện được không? Tôi cũng là người đi ĐL 3 năm về, tiền kiếm  không được mấy đồng, đã định bỏ ra ngoài nhưng được sự động viên của bạn bè nên về nước. Lần này nếu các công ty môi giới làm theo Luật thu phí không quá 4.500 USD thì tôi vẫn muốn được đi tiếp....”

 

Sẽ rất tốt nếu có ai đó trong số các bạn có thể chia sẻ những thông tin cần thiết cho người LĐ của chúng ta như bạn đọc có email  Anhhau_vanngheo88@yahoo.com: "Các bạn ở đâu vậy? Ở chỗ tôi chi phí cần đi  LĐ ở ĐL khoảng 3000$ thôi.  Nhưng mà đã đi làm thuê phải xác định là đi làm thuê chứ đừng mong làm giàu. Sau này có vốn thì bỏ chất xám ra làm giàu cũng không muộn. Rất không nên chưa gì đã định bỏ trốn để làm giàu nhanh, nên quên ngay ý định đó đi các bạn ạ, làm giàu khó lắm. Dù sao cũng chúc các bạn đạt được ước vọng kiếm tiền chính đáng của mình”.

 

Sống ở trên đời cần có tấm lòng. Với những người LĐVN phải xa xứ kiếm sống, điều đó nếu được thể hiện từ phía những người làm công tác XKLĐ thì càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Mặt khác, ý thức làm việc thời hiện đại, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, với những người LĐ khác đồng cảnh với mình cũng đang rất cần có việc làm... cũng cần được nâng cao hơn trong chính các LĐVN nơi xứ bạn. Song song với

 tình cảm quê hương, sự gắn bó, đoàn kết giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau.

 

Khánh Tùng