Xăng dầu “làm giá” đến bao giờ

(Dân trí) - Đã thuộc lòng điệp khúc “kêu lỗ, đòi tăng giá” của các “tổng” lớn như điện, xăng dầu…nên tình hình giờ đúng như Minh Quân: vuminhquan1502@gmail.com bày tỏ: “Chán không muốn nói thêm lời nào nữa vì dự đoán của mọi người là quá đúng rồi. Chúc mừng các thầy bói bất đắc dĩ”

Giá xăng “làm giá” đến bao giờ
Nhiều khách hàng đành quay ra khi nhân viên cây xăng Minh Trung (QL13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) thông báo hết xăng (ảnh: Tùng Nguyên – Thảo Trần)

 

Quy luật… không chung sống hòa bình?

 

Lời chúc mừng đó sao mà nghe chua chát quá, bởi trong khi các bộ ngành chức năng được giao trách nhiệm quản lý bao giờ cũng viện dẫn đủ khó khăn này, trở ngại khác để biện minh cho cái sự chẳng “quản” được mà cũng không có “lý” của mình, thì người tiêu dùng ai cũng có thể bắt trúng bệnh của các ông Điện, ông Xăng dầu…để mách thuốc chữa. Nhưng khổ nỗi cả các “ông lớn” đó lẫn các cơ quan quản lý họ đâu có muốn trị được bệnh???

 

Bởi thế nên dù bao lần phải cay đắng ca thán: “Chán chẳng buồn nói nữa!”, nhưng rồi lại vẫn phải nói vì không nói thì không thể nào cứ phải cầm lòng nuốt trôi hết quả đắng này tới cục tức khác. “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.

 

“Cứ mỗi lần xăng tăng giá là góc bình luận lại rất “sôi nổi”. Ai cũng bức xúc, khó chịu trước cái thực cảnh: chờ đợi mỏi mòn giảm, rồi chưa được vui vẻ thì nó tăng một cách khủng khiếp. Ai có thể hiểu được nỗi lòng người lao động vất vả, giới sinh viên nghèo nhỉ? Xăng, điện, nước ơi, đến bao giờ mấy "ông" mới sống hòa bình với dân chúng đây ???  hixx” - Nguyen Thanh Tu:  thienduonghoa11@yahoo.com

 

“Cứ bảo tại sao khi nhận được tin xăng giảm giá X đồng mà chúng tôi không quan tâm. Vì giảm X đồng thì 1 thời gian ngắn sau sẽ tăng 2X tới 4X đồng – Điều đó gần như thành quy luật mất rồi. Không biết vài ba năm tới giá xăng sẽ còn tăng đến thế nào, khi mà bây giờ xăng đã chiếm 1 tỉ lệ % chi phí không nhỏ đối với người thu nhập thấp rồi?” – Thành: sunshinekts@gmail.com

 

“Quản lý giá xăng kiểu mập mờ thế này thì mới lấy tiền được của dân và còn được mang tiếng lo cho dân nữa chứ (?) Trong khi theo tôi thấy, thực ra để quản lý giá xăng rất đơn giản:

 

+ Thứ nhất là chỉ cần căn cứ vào tỷ giá ngoại tệ và căn cứ mốc giá thành xăng nhập theo giá thế giới theo ngày là giải quyết được tình trạng mập mờ giá xăng dầu .

 

+ Thứ 2 là bỏ cái kiểu sợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ thì mới đúng nghĩa gọi là kinh tế thị trường.  Đã kinh doanh thì phải có lãi và lỗ, nhưng phải minh bạch và các bộ chủ quản không được “đỡ đầu”, “bênh vực”.
 
VD: ngày 10/1/ 2011 giá nhập xăng là 100 USD (đối với thùng hoặc lít), thì giá bán lẻ trong nước là 15.000VND/1lít  (doanh nghiệp được lãi). Đến ngày 20/1/2011 giá nhập tăng khoảng 10USD, thì Bộ Tài chính cho tăng giá tính căn cứ theo tỉ giá ngoại tệ và khoảng cách thời gian cố định thay đổi giá (10 ngày) cùng biến động giá khoảng 5% thì sẽ đưa ra được mức giá hợp lý. Nếu giá xăng nhập vào lại giảm về mức 100 USD ---> 15k/ 1 lit. Nhưng mà nếu được minh bạch như thế thì các vị ấy chắc là không thích rồi vì…túi mình vẫn mỏng” - Vũ Ngọc Phương:  phuonghcatv@yahoo.com.vn

 

“Chuyện giá xăng dầu: Vì tính toán giá cả không được minh bạch, vì “quan hệ” giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, vì chuyện “ép duyên” doanh nghiệp phải kinh doanh theo cơ chế thị trường trong điều kiện không thể nào làm được… nên mỗi lần doanh nghiệp “kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường” đặt vấn đề đồng loạt tăng giá xăng dầu, không một ai có thể ngồi im không nói gì được. Đặc biệt, các cơ quan quản lý của ta thường trực đưa ra các lý do làm yên lòng dân và hỗ trợ cho các doanh nghiệp “kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường”. Đó là: lúc thì giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn giá xăng dầu của Lào và Campuchia, lúc thì tăng giá xăng dể chống buôn lậu, lúc thì tăng giá xăng để hạn chế phát triển phương tiện giao thông, mới đây nhất lại có lý do nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngừng hoạt động… Với cái lý do mới sáng tác này, để rồi xem khi nhà máy lọc dầu trở lại hoạt động giá xăng dầu sẽ giảm được bao nhiêu?

 

Mới đây các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về những đường dây buôn lậu xăng qua phương thức tạm nhập/tái xuất với số lượng lớn. Theo cơ quan Hải quan, đây không phải là đường dây duy nhất và không biết có bao nhiêu đường dây như vậy, đã hoạt động từ bao lâu rồi. Thử hỏi lượng xăng dầu buôn lậu vào Việt Nam từ trước tới nay lớn đến mức độ nào? Và vì sao các cơ quan quản lý không tính đến chuyện giảm giá xăng dầu trong nước để chống nguồn buôn lậu từ ngoài vào, mà chỉ tính một chiều tăng giá để chống buôn lậu từ trong ra?

 

Tôi nghe nói Trung Quốc lần đầu tiên sau 5 tháng mới tăng giá xăng dầu để hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Còn ở Việt Nam việc tăng giá là cơm bữa rồi, trong khi rõ ràng là không nhất thiết phải làm như thế trong hoàn cảnh một số mặt hàng khác vừa có đợt tăng giá mới” - Lê Hoàng Tuyên:  daonhuchuyentc6@vnn.vn

 

“Xem chừng Bộ Tài chính quá dễ dãi với các DN xăng dầu. Người dân thì vẫn đang kêu ca thảm thiết vì biết rằng xăng tăng sẽ kéo theo mọi thứ đều tăng, còn các vị ấy thì chắc đang cười vì cứ mỗi lần cho tăng giá thế này thì túi riêng... đầy thêm nhiều nhiều đấy...” - Chau:  vmchau.dc@gmail.com

 

“Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay giá bán lẻ xăng dầu trong nước có 10 lần điều chỉnh, với 5 lần tăng tổng cộng 5.400 đồng và 5 lần giảm với mức 3.200 đồng. Lãi quá rồi còn gì??? Khổ mỗi dân chúng ta thôi!” – Thu Ha:  thuhakt3.2012@gmail.com

 

“Tôi thấy, có lẽ nếu xét qua lĩnh vực giá cả này thì có lẽ chưa nước nào phát triển kinh tế nhanh và mạnh như ở Việt Nam. Nếu không thế thì làm gì có chuyện 1 tháng mà tăng giá xăng lên đến 3 lần, vậy thì kinh tế đất nước phải tăng lên gấp mấy lần mới phải chứ?” - Hoang:  phongtraotdhn@gmail.com 

 

“Đúng là xoa rất nhẹ và đấm thì rất đau... Mới giảm được vài trăm đồng lẻ thì lại tăng lên mấy ngàn liền. Dân biết sống sao đây khi mà xăng tăng, điện tăng, nước tăng... tất cả cùng tăng nhưng mà lương thì chưa tăng tí nào?” - Trần Nhung:  thehe8x_online0204@yahoo.com

 

“Hi vọng rằng từ giờ  giá xăng sẽ KHÔNG GIẢM để cho người dân đỡ phải MỪNG ÍT LO NHIỀU. Vì giá xăng luôn chỉ giảm chút ít để lấy đà cho tăng giá nhiều gấp mấy lần thôi” - Doremon:  doremon132@yahoo.com
 
Giá xăng “làm giá” đến bao giờ
Một cây xăng của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam trên quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân treo biển nghỉ bán sáng 13/8 (ảnh: Tùng Nguyên – Thảo Trần)

 

Bệnh “găm hàng” không khó chữa

 

“Bài” giá giảm 1 tăng 3,4,5…ai cũng “thuộc” cả rồi. “Bài” khác về găm hàng chờ tăng giá xem ra cũng chẳng có gì mới cả, có chăng chỉ là công khai hơn chứ không còn ngấm ngầm như trước nữa mà thôi. Thế nên phân tích của các “thầy bói bất đắc dĩ” xem ra còn có luận chứng và cơ sở thực tế hơn là những lời giải thích kiểu trời ơi, đất hỡi của các ban ngành chức năng mà cuối cùng bao giờ cũng... chẳng có trách nhiệm gì.

 

“Cây xăng thì có thể không găm hàng, nhưng các đầu mối găm hàng là chắc chắn. Rõ ràng các bộ chủ quản còn tỏ ra bất lực trong việc quản lý  xăng dầu, thì các đầu mối xăng dầu còn nhiều chiêu để lũng đoạn thị trường. Chỉ có người tiêu dùng là khổ đủ đường thôi, biết rõ bị "làm giá" mà vẫn phải chấp nhận ngậm ngùi vì nếu không lấy xăng đâu mà đi xe. Mà không đi xe lo làm ăn thì... chết đói....Chắc Trời cũng bó tay với kiểu quản lý giá cả thế này:

 

Hôm nay xăng giảm một đồng

Bà con phấn khởi, trong lòng thấy vui

Một đồng là quý lắm rồi

Ai dè mấy bữa, gấp 10 nó tăng

Nhà nước "buông" quản lí xăng

Dân còn phải chịu giá tăng "trên trời"!!!

 

Tóm lại: Của các vị ấy hết!!!” - Trần Văn Thế:  tranthe031@yahoo.com.vn

 

“Chuyện tăng giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ai cũng hiểu. Nhưng chuyện găm hàng chờ tăng giá,  tại sao cơ quan chức năng không quản lý được? Theo chúng tôi,  như vậy là giữa nhà phân phối và đại lý đã có tính toán thông đồng với nhau để thao túng người tiêu dùng 1 cách trắng trợn. Việc tăng giá họ biết trước cả tuần thì dại gì không găm hàng chứ? Qua đó cho thấy quản lý giá xăng dầu quá kém cỏi, ảnh hưởng bất lợi đến đại đa số người dân. Trong khi đó lợi ích cho 1 nhóm người thì lại tăng lên” - Sanu:  sanuhcm@yahoo.com.vn

 

“Sao lại khó quản lý? Đơn vị nào đóng cửa thì cho xóa sổ luôn, cấm hoạt động trở lại” - Quạt mo:  mn_tq1@yahoo.com

 

“Nói câu "KHÓ" chỉ có ở những CB kém năng lực hoặc không nói được vì đã... Họ đăng ký giờ bán ít thì duyệt cho người khác mở cây xăng ở cạnh đó để bảo đảm bán hàng chứ. Đăng ký giờ bán hàng ít là năng lực công ty kém, phải bổ sung hoặc rút giấy phép ngay!” - Minh433:  minh433@yahoo.com.vn

 

"Hầu hết các cây xăng đều chỉ đăng ký hoạt động đến 19 – 20h. Ngày thường thì họ bán quá giờ đăng ký đến khuya, nhưng những ngày này họ bán đến 19h nghỉ thì cũng không xử phạt được vì họ nghỉ đúng giờ đăng ký" - Vậy thử hỏi những ngày họ bán đến khuya, quá giờ đăng ký kinh doanh thì các ngài QLTT đi đâu mà không xử phạt họ? Để giờ họ nghỉ bán đúng giờ thì nói gì nữa? Quản lý lỏng lẻo như vậy thì việc các cây xăng vi phạm sẽ còn mãi thôi, báo chí có viết hết giấy mực cũng vô ích!” - Hoàng Tú:  nuinguon31@gmail.com

 

“Có gì là khó xử lý? Các bác quản lý thị trường không đồng tình thì có gì là khó? Các bác dán số điện thoại nóng của các bác ngay các cây xăng, khi dân cần phản ánh ngay. Nhưng khi gọi các bác có nghe điện thoại không lại là chuyện khác” - Bethewin:  bethewin@yahoo.com.vn

 

“Theo tôi, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần có cơ chế quản lý thật hợp lý để tránh phần thiệt thòi luôn thuộc về người tiêu dùng. Việc tăng giá xăng theo giá thị trường là hợp lý, tuy nhiên phải có kiểm soát thực sự công tâm. Tránh trường hợp lợi nhuận chỉ rơi vào một số Tổng công ty và một số cá nhân, còn phần thiệt đều đổ lên đầu người tiêu dùng. Việc tăng giá xăng phải công khai, minh bạch và người tiêu dùng phải là người được thông tin đầu tiên. Tránh tình trạng như thời gian vừa rồi, liên bộ chưa có kết luận mà các đại lý xăng dầu đã biết và ghim hàng không bán để đợi lên giá, là không thể chấp nhận được. Đề nghị chấn chỉnh sớm” - Thanh:  hoangngocthanh2007@gmail.com

 

“Tôi có kiến nghị đến các cơ quan chức năng vấn đề rất bức xúc trong những lần tăng giá xăng dầu. Đó là: Ai cũng biết quyền hành trong tay các vị, nhưng xin các ông có làm gì thì làm thì cũng để một con đường sống cho dân nghèo chúng tôi. Các ông muốn tăng thì tăng, muốn giảm thì giảm có ai nói, kêu gì đi chăng nữa thì cũng đến thế mà thôi. Nhưng để dân đỡ bức xúc thì nếu lần sau có tăng giá nữa, xin các ông theo dõi dự báo thời tiết một chút. Làm sao chọn thời điểm xấu nhất như là lúc giông bão hoặc nửa đêm để tăng giá, vì lúc đó không mấy ai ra ngoài nên chắc sẽ không có cảnh chen lấn nhau đổ xăng. Và tệ hại hơn là các chủ cây xăng đóng cửa nói là dừng bán để kiểm kê, hết hàng, mất điện - toàn lý do không thể chấp nhận được... Nói tóm lại là rất bực” -  Nguyễn Hùng:  nguyenhung2002ds@yahoo.com

 
 
Giá xăng “làm giá” đến bao giờ
Cây xăng dầu doanh nghiệp tư nhân Thắm Tài đóng ở địa phận xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch dán biển "Không bán xăng" (Ảnh chụp vào cuối giờ chiều ngày 13/8) (ảnh: Đ. Tài – Đ. Đức)
 

Nước chảy chỗ trũng

 

Mỗi đợt tăng giá lại có thêm những bài học được người tiêu dùng đúc rút thành kinh nghiệm dắt lưng và truyền lại cho nhau. Mỗi bài học ngắn ngủi đều ẩn chứa bao nỗi niềm “ngọt bùi thì ít, đắng cay thì nhiều” bởi sự đời vẫn vậy, nước luôn chảy chỗ trũng…

 

“Đằng sau mỗi quyết định cho tăng giá như thế này sẽ làm cho một số người giàu lên và nhiều nhiều người nghèo đi” - Phong Tran:  Trnphng7@gmail.com

 

“Các cơ quan chức năng cần có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, chứ cứ tăng 10/ tuần giảm 1/ tháng như thế này thì đời sống nhân dân lao đao lắm” - BaZTo:  loptruong_1403@yahoo.com

 

“Chắc cú đạp này khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục đổ vỡ, người dân khô héo. Đúng là còn độc quyền là còn… thảm họa” – Hong Hanh: honghanh834834@yahoo.com.vn

 

“Thôi dân ta lại quay về thời kỳ đi xe đạp cho trong lành không khí. Cũng đỡ phải phát sốt phát rét vì mỗi đợt có thông báo: Kính gửi người đi xe máy, ô tô! Theo điều chỉnh giá xăng dầu để bù lỗ nên.....chúng tôi buộc phải tăng giá nguyên liệu xăng lên 1.000đ, 1.100đ, 1.400đ/lít....” - Người Nghèo:  vl_blackcat@yahoo.com.vn

 

“Tăng thì nhiều, hạ thì ít. Tại sao được phép tăng nhiều nhưng đến khi hạ lại không được quá ngưỡng cho phép? Vậy quyền lợi của người tiêu dùng được xem ra sao? Vì là giá quy định nên người tiêu dùng cứ thế phải ngậm ngùi chấp nhận mãi sao? Lúc xăng tăng thì kéo theo gia tăng giá cả các mặt hàng khác, nhưng khi xăng giảm thì không thấy giá cả mặt hàng nào giảm? Không ai biết đâu là cái đích cuối cùng của giá xăng. Người đi buôn thì luôn muốn mình có lãi, người mua hàng muốn được mua hàng giá rẻ, đều hợp lí. Điều gì cũng có hai mặt của nó, nhưng quyền lợi người tiêu dùng chưa bao giờ được đặt lên hàng đầu và được tính toán hợp lí cả. Ai là người có lợi trong những lần tăng giá xăng? Liệu có phải là lỗ thật nên phải tăng?” - Hrt:  vheath@gmail.com

 

Vấn đề quyền lợi của người tiêu dùng xem ra mới là KHÓ thực sự đây, vì nếu hài hòa được lợi ích giữa đôi bên thì…dư luận chẳng còn cơ hội nào để bức xúc nữa ư. Chuyện... viễn tưởng quá!

 

Khánh Tùng