Xã hội và sự minh bạch thông tin

Thông tin về thị trường từ xã hội dân sự cũng là những thông tin mà người ta có thể kiểm chứng một cách cụ thể nhất.

Những hậu quả của sự thiếu thông tin trong thời gian qua đã đủ để khẳng định sự cần thiết trong việc minh bạch hoá thông tin khi mà có quá nhiều tin đồn gây hoang mang trong dư luận và đã có hậu quả không mong muốn.

Bắt nguồn từ sự...thiếu minh bạch

Chưa bao giờ đòi hỏi về tính minh bạch lại cao như lúc này. Trên thị trường chứng khoán nhà đầu tư mong mỏi và đặt niềm tin vào sự làm ăn minh bạch của các công ty.

Trong công tác cán bộ, đòi hỏi phải công khai quy trình bổ nhiệm.

Trong xét xử người dân muốn tiếp cận các phán quyết của toà án trên các phương tiện thông tin đại chúng, để giám sát nhân viên công quyền, người dân đòi hỏi họ phải công khai tài sản....

Những tiêu cực phát sinh trong đời sống, trong sản xuất kinh doanh, trong sinh hoạt chính trị thời gian qua nhiều khi bắt nguồn từ việc... thiếu minh bạch.  Thiếu minh bạch là mảnh đất tốt cho nhưng tin đồn thiếu thiện ý, cho cách xử sự theo bản năng bầy đàn và người gánh chịu hậu quả đầu tiên là những người lương thiện và ngay thẳng.

Nếu Rouseau nói rằng con người sinh ra vốn bình đẳng thì cần hiểu là sự bình đẳng về tư cách con người. Khi có nhà nước thì nó đã tước đi sự bình đẳng này: "Con người sinh ra vốn tự do nhưng ở đâu nó cũng bị xiềng xích".

Về mặt thực tế, sự bình đẳng nhìn từ các khía cạnh tự nhiên, kinh tế, cơ hội, thì con người ta sẽ không bình đẳng và nhiệm vụ của nhà nước văn minh là khỏa lấp sự bất bình đẳng này, đem đến những cơ hội ngang nhau cho các thành viên trong xã hội.

Nói cách khác là nhà nước bên cạnh cổ vũ kẻ mạnh bởi họ là động lực của phát triển thì không quên một nhiệm vụ phải bảo vệ kẻ yếu thế.

Bình đẳng hay bất bình đẳng là một phạm trù phủ sóng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và xuất hiện ở các quan hệ khác nhau.

Điều đáng lo ngại chính là sự bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa cá nhân và công quyền, giữa các chủ thể của thị trường.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Ai che được ming thếgian"?

Nếu xét bình đẳng trong mối quan hệ đó thì việc người ta lo ngại về một tình trạng đang xảy ra là: Bất bình đẳng thông tin còn nguy hiểm hơn bất bình đẳng về kinh tế là hoàn toàn đúng.

Hiện thực đó đã và đang tồn tại trong xã hội hiện đại. Xóa bỏ tình trạng này không chỉ trông chờ vào chủ thể là nhà nước mà còn có những chủ thể khác và các cơ chế khác ngoài nhà nước; trong đó, vai trò của xã hội dân sự đối với sự bất bình đẳng hay bất cân xứng thông tin là một ví dụ.

Xã hội dân sự có quyền lực riêng của nó. Điều này đã được chứng minh bằng cả lý thuyết và thực tiễn. Quyền lực của xã hội dân sự  là phần còn lại của quyền lực của cá nhân sau khi  họ đã trao quyền tự nhiên của mình cho nhà nước bằng khế ước.

Quyền lực của xã hội dân sự thể hiện ở việc nó buộc nhà nước phải thận trọng trong việc ra chính sách và pháp luật qua đó hạn chế sự lạm quyền. Đối với thị trường, xã hội dân sự kiềm chế những khuyết tật của nó như cạnh tranh không lành mạnh độc quyền, lừa đảo

Ngạn ngữ Việt Nam có câu rất hay mà có thể áp dụng khi nói về vai trò của xã hội dân sự đối với thông tin: Ai che được miệng thế gian? Cái mà ông bà ta gọi là "miệng thế gian" phải chăng là tiếng nói, thông tin từ xã hội dân sự?

Từ quyền lực của xã hội dân sự thắp lên hy vọng cho người ta ở việc nó sẽ góp phần thu hẹp sự bất bình đẳng thông tin.

Xã hội dân sự có vai trò hịệu chỉnh với nhà nước, với thị trường. Đối với các chủ thể này xã hội dân sự có những hiệu chỉnh khác nhau, trong đó có việc góp phần đem đến sự quân bình về thông tin và tiếp cận, sử dụng thônng tin.

Để làm rõ vấn đề này cách tiếp cận chính là từ đặc điểm, vai trò của xã hội dân sự và chính bản chất, đặc điểm của cái gọi là thông tin.

Nhiều người luôn lo ngại và không thiện cảm với xã hội dân sự vì họ cho rằng xã hội dân sự là sự đối trọng với nhà nước - đối trọng theo nghĩa triệt tiêu, gây khó dễ...., mà quên đi rằng xã hội dân sự và nhà nước còn có mối quan hệ hỗ trợ cho nhau.

Sự tương tác giữa xã hội dân sự và nhà nước dù đôi lúc có trong trạng thái đối trọng đi chăng nữa cũng không nằm ngoài sự hỗ trợ. Thông tin có thể tiếp cận dựa trên hai nguồn: Chính thống - các phương tiện thông tin của Chính phủ hoặc được chính phủ kiểm duyệt và thông tin của xã hội dân sự.

Không thể trông chờ vào chỉ duy nhất một nguồn thông tin nào. Bởi mỗi nguồn thông tin đều có những hạn chế của nó cả về độ chính xác lẫn sự nhanh nhạy.  Xã hội dân sự sẽ đem đến sự đa dạng về thông tin cho các đối tượng có nhu cầu khác nhau.

Qua đó sẽ thiết lập thế quân bình trong thông tin khi mà nhà nước không thể cung cấp thông tin cho xã hội.

Mặt khác thông tin từ xã hội dân sự rất hữu ích cho để nhà nước, để nhà nước hoạch định chính sách và pháp luật.

Sự bất bình đẳng thông tin làm cho các khuyết tật của thị trường như: Lừa đảo, trái với các quy luật thị trường, méo mó thị trường, cạnh tranh không lành mạnh....có cơ hội trỗi dậy và đương nhiên, người chịu hậu quả đầu tiên và nặng nề nhất là những người dân lương thiện.

Trước tình trạng bất bình đẳng thông tin giữa các chủ thể của thị trường thì nhà nước với công cụ pháp luật dường như chỉ có tác dụng khi sự lừa đảo đã xẩy ra  và chắc chắn là muộn.

Xã hội dân sự với những lợi thế của nó sẽ đem đến thông tin nhanh nhất và sức lan tỏa của nó rộng nhất và khách quan nhất sẽ khỏa lấp những khoảng trống về thông tin mà nhà nước không đảm đương được.

Thông tin về thị trường từ xã hội dân sự cũng là những thông tin mà người ta có thể kiểm chứng một cách cụ thể nhất.

Ở khía cạnh tích cực, thị trường không thể coi nhẹ giá trị từ nguồn thông tin của xã hội dân sự. Các nhà buôn có lẽ quan tâm nhiều đến nhu cầu, mong muốn  các động thái của thị trường từ chính khách hàng, hiệp hội người tiêu dùng, hơn là các thông tin chính thống của nhà nước để điều chỉnh hoạt động của mình.

Đến lượt mình, thị trường sẽ tổng hợp nhiều thông tin từ xã hội dân sự cung cấp ngược trở lại cho xã hội, đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của người mua.

Sự tác động của xã hội dân sự thông qua nguồn thông tin mà nó nắm giữ đến nhà nước và thị trường  chúng tôi muốn nói ở đây chính là sức ép mà nhiều người cho là đối trọng, kiềm chế thiết nghĩ cũng không sai. Các tổ chức của xã hội dân sự phản ánh lợi ích, nguyện vọng của các thành viên.

Cần thông tin và muốn minh bạch thông tin là một trong những lợi ích và nguyện vọng đó. Với vai trò phản biện của mình, xã hội dân sự  buộc nhà nước và thị trường phải giải trình và qua sự giải trình đó, một lượng thông tin khổng lồ và độ xác thực cao đã được cung cấp cho xã hội. Cũng chính từ đó vai trò phản biện xã hội của xã hội được củng cố.

Mặt khác, khi xuất hiện thông tin và sức ép yêu cầu giải trình từ phía xã hội dân sự thì luồng thông tin nhà nước đứng trước sự phản biện sắc sảo và thuyết phục. Thế độc quyền thông tin và cung cấp thông tin bị phá vỡ thì sự quân bình thông tin sẽ được thiết lập.
 
Theo Đinh Thế Hưng
(Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật- Viện KHXH Việt Nam)
Vietnamnet