Kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10:

Vui buồn nghề luật hiện nay

Người làm nghề luật phải biết đau nỗi đau của người khác thì mới thấu hiểu được nguyên nhân và lý giải được bản chất của sự việc

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Mười hai năm đèn sách, đến khi ra trường, ai cũng mong chọn cho mình được một nghề nghiệp như ông cha ta vẫn thường dăn dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Với các bạn trẻ, đến với chương trình cử nhân Luật là đam mê, cũng có người là cơ duyên, nhưng để gắn bó và thành danh với những kiến thức luật pháp thì phải cần rất nhiều sự nỗ lực, ý chí và một niềm đam mê theo đuổi đến cùng con đường mà mình đã chọn. Giống như một nhà hiền triết đã từng nói: “Người bảo vệ công lý phải có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và một bàn tay sạch”. Trái tim nóng để hiểu, đồng cảm và có những dự cảm đúng về con người. Cái đầu lạnh để phân tích, suy luận và phán đoán các sự kiện chính xác, khách quan. Còn bàn tay sạch là không tham lam, không vụ lợi, giữ lương tâm trong sáng.

Nghề luật giữ vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống và được xã hội đề cao. Hiện nay, những người làm nghề luật đang hàng ngày, hàng giờ thầm lặng góp phần bảo vệ lẽ phải, công bằng cho xã hội. Có ba nghề người xưa trân trọng gọi bằng từ “thầy”, đó là thầy giáo, thầy thuốc và thầy cãi (luật sư). Tuy nhiên, đã xa rồi cái quan niệm người luật sư chỉ đi “cãi” nhau và “cãi” giùm người khác. Người luật sư ngày nay ngoài việc tranh tụng họ còn được mở rộng và phát triển năng lực nghề nghiệp của mình thông qua các hoạt động khác mà điểm nhấn là hoạt động tư vấn. Nhờ có sự tư vấn của người luật sư mà biết bao nhiêu vấn đề đã được gỡ rối. Nhưng, một điều không thể không thừa nhận, đằng sau những vinh quang trong nghề là những nhọc nhằn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được hết.

Khó khăn đầu tiên là quá trình để trở thành Luật sư, sau 04 năm đào tạo ở trường đại học, nếu suôn sẻ sẽ thêm 02 năm cho quá trình học nghiệp vụ luật sư và tập sự trực tiếp. Như vậy, tổng thời gian kể từ khi học đại học chuyên ngành luật cho đến khi được công nhận là luật sư của mỗi người nếu thực hiện liên tục, không đứt đoạn là sáu năm. So với những ngành nghề khác trong nước được đào tạo trong nước thì rõ ràng nghề Luật sư có thời gian đào tạo lâu hơn, thể hiện rõ tính chất phức tạp của công việc. Theo tâm lý chung, thời gian đào tạo nghề Luật sư lâu, dẫn đến việc xây dựng sự nghiệp và đạt được thành công muộn hơn bạn bè cũng trang lứa, đây là rào cản đầu tiên mà mỗi luật sư đều phải trải qua.

Bên cạnh đó, nghề luật là một lĩnh vực lao động trí tuệ gian khổ, lao động đó đòi hỏi phải huy động rất nhiều tố chất trong một con người như sự tinh tường về pháp luật, sự am hiểu về thực tế xã hội, sự hiểu biết về tâm lý con người, sự nhạy bén về chính trị, sự lịch lãm của văn hoá tố tụng, giàu lòng nhân ái, có bản lĩnh chính trị và phải có một trình độ nghề nghiệp cao.

Luật sư là người thường xuyên phải tiếp xúc với những bất công trong xã hội, gặp nhiều loại người cũng như chứng kiến biết bao nỗi đau của người khác. Do vậy, người làm nghề luật phải biết đau nỗi đau của người khác thì mới thấu hiểu được nguyên nhân và lý giải được bản chất của sự việc. Một Luật sư muốn tồn tại và có chỗ đứng trong xã hội thì phải có cái “Tâm” trong sáng. Chữ “Tâm” ở đây được hiểu Luật sư phải là người thực sự tâm huyết, yêu và hiểu nghề mà mình đang theo đuổi. Họ phải làm việc với tất cả sự nhiệt huyết, trăn trở, ưu tư, sống chết với nghề. Ở hầu hết tất cả các ngành nghề đều có người này người kia. Nghề Luật sư cũng vậy. Nhưng những Luật sư tồn tại được phải là người sống bằng cái tâm trong sáng. Họ theo nghề bằng con đường chân chính, bằng việc vận dụng đúng pháp luật.

Chúng ta vui mừng biết bao khi một con người đã bị khởi tố, bị bắt giam nay nhờ có sự hướng dẫn, tư vấn của luật sư mà người đó được đình chỉ điều tra và trả tự do. Vui mừng biết bao khi một người bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên án tù giam, đến phiên tòa phúc thẩm, nhờ có sự tư vấn, tham gia Tố tụng của luật sư, người đó được trả tự do, được tuyên án vô tội tại phiên tòa, và biết bao nhiêu tranh chấp trên các lĩnh vực Hành chính, kinh tế, dân sự, thương mại… trong  đời sống xã hội đã được giải quyết ổn thỏa nhờ sợ có mặt của luật sư.

Người dân đang bị chiếm dụng tài sản, hoặc đang ngơ ngác trước cả một hệ thống các cơ quan công quyền, trước một rừng các thủ tục Hành chính; Doanh nghiệp đang bế tắc trong cách ứng xử với đối tác, lúc đó người dân và doanh nghiệp đang bối rối, không biết đường đi; khi gặp luật sư, bằng tri thức của mình luật sư giúp cho đương sự như bừng sáng, thấy được đường đi tới lẽ công bằng, công lý; biết cách hành xử  phù hợp pháp luật, phù hợp với đạo làm người và lẽ ở đời.

Tôi nghĩ, bất cứ một nghề nào đều có một thời kỳ khởi đầu đầy gian nan, nhưng rồi sẽ đến một lúc nào đó được xã hội biết đến và coi trọng. Tuy nhiên, điều đó không phải tự nhiên mà có được, mà cần phải có những nhân tố tích cực tạo nên, trong đó quan trọng hơn cả là nhân tố Con người - một nghề nghiệp muốn tồn tại cần phải có những con người đam mê và tâm huyết. Nghề Luật sư cũng vậy, khi mới ra đời, nó cũng ko mấy được xã hội biết đến. Nhưng đến hiện nay, thế giới đã có cả một lịch sử hào hùng và vinh quang của giới Luật sư, một lịch sử chứng tỏ sự danh giá của nghề nghiệp, một lịch sử thể hiện sự tôn vinh của xã hội đối với nghề Luật sư. Dẫu biết rằng nghề luật sư còn nhiều nguy nan, còn nhiều trăn trở và đầy “Ám ảnh” hoặc có những” Dư âm” với những cung bậc khác nhau, nhưng giới luật sư vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào nghề mà mình đã theo đuổi, với tình yêu công lý, với sứ mệnh vinh quang của nghề luật sư.

LS Thùy Dương

 (VPLS Trương Anh Tú)