Vực dậy ngành sư phạm: Quyết tâm của Bộ trưởng có thành hiện thực?

“Người vào học ngành sư phạm phải là những thí sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm tổ chức gần đây.


Giáo viên vùng cao điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: giaoduc.net.vn

Giáo viên vùng cao điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: giaoduc.net.vn

Trước thực trạng đầu vào các trường sư phạm thấp đến mức thê thảm, những học sinh có 9 điểm/3 môn thi cũng được tuyển và sự xuống cấp trong chất lượng đào tạo sư phạm, ý kiến của Bộ trưởng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Các giải pháp mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và đề cao yêu cầu chất lượng; Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu cho các trường dựa trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương khảo sát; có chính sách điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm để tuyển được những người khá, giỏi.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về các giải pháp mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra. Việc thống kê nhu cầu giáo viên theo từng giai đoạn không có gì là khó. Tuy nhiên, hiện nay, có một số lượng lớn GV đã ra trường nhiều năm đang thất nghiệp. Đây là con số mà địa phương khó nắm bắt và rất dễ làm cho kế hoạch đào tạo theo địa chỉ bị phá sản.

Bên cạnh đó, hiện hầu hết các môn, các cấp học đều thừa GV, chỉ thiếu một số lượng ít ỏi GV mầm non, GV vùng sâu vùng xa. Nếu đào tạo theo “đặt hàng”, khi số lượng quá ít và không đồng đều giữa các môn, cấp học, liệu các trường sư phạm có đáp ứng được?

Mặt khác, trong khi chờ đợi chỉ tiêu, các trường sư phạm sẽ tồn tại như thế nào? Yêu cầu của trường sư phạm là phải đủ cơ cấu giảng viên, bộ môn, cấp học. Nếu tồn tại lay lắt thì chính các trường sư phạm sẽ “xuống cấp” đầu tiên về chất lượng.

Và, cho dù việc đào tạo theo địa chỉ sẽ thành công, các sinh viên sư phạm ra trường sẽ có việc làm, thì cũng không bảo đảm thu hút được những sinh viên giỏi nhất.

Bởi, mức lương của giáo viên, sau hàng chục năm đi làm, hiện cũng chỉ được khoảng 5-6 triệu đồng/ tháng, quá thấp so với nhu cầu cuộc sống. Môi trường làm việc cũng có nhiều áp lực, nhất là với cấp mầm non, tiểu học. Hầu hết GV đều định hướng cho con không theo nghề mình.

Cái khó nữa là ngân sách khó khăn, khả năng chi cho giáo dục đã tới hạn, không thể cấp thêm.

Ý tưởng chấn hưng, vực dậy ngành sư phạm là đúng đắn. Tuy nhiên, quyết tâm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp quá nhiều thử thách, chông gai. Trước khi nêu ra giải pháp, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần triển khai thật tốt công tác thống kê, khảo sát thực trạng, từ nhu cầu, quy hoạch GV, đến số sinh viên còn “tồn đọng”, cơ chế, chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo, hiện trạng cơ sở vật chất, đội ngũ của các trường sư phạm…

Theo Quang Đại

Báo Lao động