Viết tiếp những trăn trở về một cây cầu

(Dân trí) - “Trước mắt làm 1 cây cầu treo, nhanh, kinh phí thấp cho các em qua rồi xây cầu bê tông sau. Chứ chờ dự án duyệt tới duyệt lui thì mùa mưa lũ tới tính mạng các em sẽ ra sao?” - Hoàng Trúc - Từ Tp.Hồ Chí Minh trăn trở.

Với độc giả Dân trí thì những nghĩa cử với cộng đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên cả nước đã trở thành một việc làm gần như thường xuyên. Vì thế, việc phải chứng kiến cảnh các em học sinh ở Minh Hóa, Quảng Bình liều mạng vượt sông tìm chữ đã khiến con tim ai cũng quặn thắt. Mọi ý kiến độc giả gửi về Dân trí đều nhấn mạnh quan ngại song song với mong muốn tránh cho các em nhỏ phải đối mặt với hiểm nguy như vậy.
 
Viết tiếp những trăn trở về một cây cầu - 1

Nhìn cảnh các em đánh đổi sự sống để vượt sông tìm chữ ai cũng day dứt

 

Nick Người dân - Nam - 46 tuổi - Từ Hà Nội day dứt trước câu hỏi bỏ ngỏ: “Xót xa và đắng lòng khi nhìn thấy hình ảnh vượt sông đến trường. Chúng ta luôn nói trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là nguồn lực lao động sáng tạo đặc biệt để phát triển bền vững. Tuy nhiên con đường tìm kiếm cái chữ đáng lẽ là quyền các em đều được hưởng, vậy mà những em nhỏ ở đây lại có thể phải đánh đổi bằng cả sinh mạng khi rủi ro luôn rình rập. Tôi tự hỏi rằng những công trình đầu tư lãng phí hay thất thoát tiền ngân sách của Nhà nước sẽ xây được bao nhiều cái cầu để các em có cơ hội đến trường?”
 

Hồ dũng - Nam - 26 tuổi - Từ Hải Dương bày tỏ: “Thật xót xa và thương các em quá. Ngày xưa tôi đi học bằng đò đã cảm thấy vất vả và khốn khổ lắm rồi, nhưng bây giờ nhìn thấy cảnh các em vượt dòng nước hung dữ đến với cái chữ thật sự tôi không cầm được nước mắt. Mong các cấp chính quyền nhanh chóng xây cho các em 1 cây cầu, dù là cầu tạm cũng được, trước khi sự việc đáng buồn có thể xảy ra với các em”.

 

Nick vuivui - Nữ - 21 tuổi - Từ Bình Định đóng góp: “Qua phóng sự chúng ta thấy đâu đó vẫn còn thiếu tinh thần trách nhiệm từ các cấp chính quyền địa phương đối với các cháu. Thực tế có rất nhiều cách để xử lý vấn đề, ví dụ:  1. Xây dựng trường học cho các cháu. 2. Di chuyển hẳn khu vực dân cư đó đến vùng có điều kiện hơn. Thực tế việc đi học của các cháu chỉ mới biểu hiện một phần rất nhỏ trong điều kiện sống cơ cực của dân vùng này, rất cần thiết phải chuyển đến vùng có điều kiện phát triển hơn. 3. Xây cầu mới. Cảm ơn”.

 

Nguyễn lê - Nữ - 21 tuổi - Từ Bình Định trăn trở: “Đây là trường hợp được phát hiện và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng đó chỉ là một trong hàng trăm trường hợp đau lòng của người dân nghèo, của những vùng xa xôi hẻo lánh trên đất nước ta. Vì vậy theo tôi, trước mắt cần gấp rút làm cho người dân Minh Hóa 1 cây cầu. Đồng thời các cơ quan chức năng cần phải có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo trung thực về thực tại tương tự ở các địa phương khác”.

 

Vốn là người con của dải đất miền Trung, Như Quỳnh - Nam - 50 tuổi - Từ Hải Phòng mong mỏi sự góp sức của cả xã hội và đặc biệt là những người con Quảng Bình nay thành đạt: “Mình cũng dân Miền Trung, thương các em quá. Mình mong những người con Quảng Bình như chị Mỹ Lệ, chị Hồ Ngọc Hà.... khi tham gia các hoạt động từ thiện hãy nhớ về quê hương mình để xây cho các em một cái cầu. Chắc các em sẽ biết đến các chị nhiều hơn".

 

ComMAy - Nữ - 27 tuổi - Từ Hải Phòng đề xuất: “Thật ra mỗi bạn bỏ ra vài nghìn tiền ăn sáng thôi là chúng ta đã góp vào xây cầu cho các em ấy thôi , còn chờ đợi được rót kinh phí thì... Một tin nhắn ủng hộ thôi ... góp gió thành bão mà ... Các bạn ủng hộ đi .. sẽ có cầu thôi, hãy chung tay nào!”

 

Tương tự Khánh - Nữ - 36 tuổi - Từ Thừa Thiên - Huế cảnh báo: “Yêu cầu lập quỹ đóng góp và lên dự án xây dựng cầu cho các em ngay lập tức. Không thể để tình trạng này kéo dài thêm chút nào nữa, chuyện không may có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

 

Nick kts.hattieu - Nữ - 28 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh gợi ý: Tôi là 1 kiến trúc sư, cũng mong được đóng góp, nếu có cơ hội, mong Dantri.com.vn lưu ý và gửi vào email, tôi sẵn sàng thu xếp thiết kế miễn phí. Về thiết kế cầu thì sẽ kết hợp thêm với đội ngũ kỹ sư chuyên về cầu. Trước mắt, cần có thuyền, bè đưa các em qua sông (địa phương giải quyết nóng). Tiếp theo là xây dựng cầu (các cấp ngành, địa phương, toàn dân đóng góp qua Dantri.com.vn).

 

“Nên xây ngay một cây cầu cho các em đến trường đừng để tình trạng này kéo dài thêm nữa, nhìn các em bơi qua sông trong dòng nước để đến trường mà xót xa quá... Chúc cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các em. Mong các em sớm có một cây cầu, để những hình ảnh bơi qua sông để đến trường chỉ còn là trong quá khứ” - huê - Nữ - 27 tuổi - Từ Bắc Kạn bày tỏ tin tưởng.

 

Là đơn vị báo chí được đông đảo bạn đọc cả nước biết đến với hoạt động từ thiện “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” Dân trí.com.vn thật sự rất hạnh phúc khi các em nhỏ nhận được sự quan tâm chân thành từ rất nhiều độc giả trên cả nước như vậy. Mong rằng trong một tương lai rất gần, các em nhỏ ở Minh Hóa sẽ có được cây cầu nối đôi bờ vui...

 

Trần Bách