“Vị” Phí + Phạt trước giờ G càng đắng ngắt

(Dân trí) - Dù Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đã “bật mí”: sau 3-6 tháng áp dụng, hai Bộ GTVT và Tài chính vẫn tiếp thu các ý kiến đóng góp để nghiên cứu điều chỉnh, song sát ngày thực thi (giờ G: 1/1/2013) phí đường bộ vẫn dẫn đầu về số lượng phản hồi NÓI KHÔNG!

Võ đài lệch

 

Võ đài lệch

 

Không chỉ Hiệp hội Ôtô vận tải Tp HCM vẫn tiếp tục gửi bản kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ cùng 2 vị Bộ trưởng Giao thông vận tải và Tài chính nêu 4 điểm bất hợp lý của chính sách thu phí sử dụng đường bộ, mà toàn dân đều khẳng định: Không thể nuốt trôi được quả đắng quá “đậm” vị áp đặt, luôn tìm cách dành cái lợi cho mình, đẩy cái khó cho người khác này.

 

Nói 2012 là năm “được mùa” quy định và đề xuất chẳng sai chút nào. Mà quy định nào lộ diện là dân nếu không tá hỏa hoặc té ngửa thì cũng ấm ức không để đâu cho hết. Cứ như thể một võ sĩ hạng ruồi bất ngờ bị điệu lên võ đài tỉ thí với võ sĩ hạng nặng, để liên tiếp bị dính đòn. Và rồi… sống dở chết dở bởi hai “cú knockout” cuối năm mang tên: Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, và Phí sử dụng đường bộ.

 

Tuy số tiền phí phải nộp thêm từ giờ G - ngày 1/1/2013 - không quá lớn: xe máy  từ 50.000 - 150.000 đồng/năm và ôtô từ 1,56 - 12,48 triệu đồng/năm. Nhưng nỗi bức xúc vì sự tiền hậu bất nhất cứ nhằm vào cái Xe nói riêng, cũng như nhằm vào Túi Tiền ngày càng nhẹ đi bởi giá cả cái gì cũng tăng của người dân nói chung, ngày càng tăng tới mức có thể nói là căng như bong bóng bất động sản rồi.

 

“Chính sách thu phí đường bộ có hiệu lực vào ngày 1/1/2013 quá bất hợp lý, vậy làm sao người dân tâm phục khẩu phục được. Người sử dụng cùng loại ô tô như nhau ở cùng một địa phương, nhưng người này sử dụng ô tô chạy hàng vạn km cũng đóng phí giống như người sử dụng ô tô chạy chỉ vài chục km…???” - Thanh Kinh:  thanhkinh2011@yahoo.com

 

“Thu thì dễ rồi, nhưng dân không phục. Vì sao ư? Vì đây là khoản phí vô lý + cách thu vô lý. Đã có bao khoản phí thu qua xăng rồi, giờ đẻ thêm phí này. Thu qua phương tiện cũng không công bằng vì anh không đi hoặc đi ít cũng đóng như anh đi nhiều. Dân thì chỉ có thể kêu qua những kênh như thế này cho vơi nỗi bực tức, chứ còn làm gì được dù thấy vô lý đến đâu đi chăng nữa???” - Nam:  phuongnambp@yahoo.com

 

 “Ở VN là vậy, dân bức xúc thì mấy ông vẫn ký lệnh. Quy định luật gì mà người dân toàn… cười ra nước mắt??? Dân bức xúc không làm theo thì đưa ra công an phạt nặng (từ tháng 1/2013, nếu CSGT mà kiểm tra xe máy không đóng phí bảo trì đường bộ thì bị phạt gấp 6 đến 8 lần). Trong 2 năm nay nền kinh tế khó khăn, cuộc sống người dân thì đi xuống. Vậy mà không thấy  luật nào đưa ra hỗ trợ cho cuộc sống người dân, trái lại chỉ toàn thu thêm tiền của dân, khiến người dân đã khổ càng thêm khổ.  Còn những ông làm thất thoát cả ngàn tỉ đồng ngân sách nhà nước thì sao? Phải chăng thu phí này cũng chỉ để bù cho những khoản thất thoát ngân sách kia? Đúng là… chỉ có trời mới biết” - Kidu:  kdduy@yahoo.com
 
Đừng mơ những giấc mơ đẹp!
 
Đừng mơ những giấc mơ đẹp!

 

Câu chúc: "Ngủ ngon và mơ những giấc mơ đẹp!" xem ra quá xa xỉ với dân ta khi mà gần như mỗi ngày mở mắt ra là có thể đọc thấy thông tin về một loại Phí hoặc mức Phạt… bổ sung.

 

“Ngày nào tôi cũng nghe đến Thuế (Phí). Hết thuế này đến thuế khác. Trên một chiếc ô tô muốn lưu hành ngoài đường phải chịu 13, 14 loại thuế. Ở nước Lào, người ta còn nghèo hơn cả VN mà xe có phải chịu thuế đâu? Nói nộp thuế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà sao tôi thấy dân nộp nhiều nhưng các vị cứ chi vào đâu ấy... Thấy mà nản!” - Nguyễn Đức Sử:  ducsu89@gamil.com

 

“Thử hỏi để người dân sở hữu được một cái xe, phải nộp bao nhiêu thứ thuế và phải mang bao nhiêu giấy tờ để được lưu thông trên đường, thưa các bác?: - Thuế giá trị gia tăng khi mua xe 10%; - Thuế đăng ký sở hữu xe (thuế chướcc bạ) 5%; - Tiền lấy biển số xe theo từng địa phương 200.000 đến 800.000đ; - Thuế xăng dầu và bình ổn xăng dầu; - Bây giờ thêm thuế bảo trì đường bộ nữa. + Giấy đăng ký xe; + Bằng lái xe; + Bảo hiểm trách nhiệm dân sự; + Bây giờ thêm giấy chứng nhận nộp thuế bảo trì đường bộ nữa. Thử hỏi các bác ngồi nghĩ xem còn cái gì để thu và bắt dân làm nốt một thể???” - Lê Hữu Hưng:  huuhung.xmlx@gmail.com

 

“Vẫn điệp khúc thu càng nhanh càng tốt. Thu phí nhưng đối tượng thu, phương thức thu đến nay vẫn còn chưa thống nhất được cách làm. Thu đổ đầu phương tiện thì quả là vô lý hết mức!... Mà thu phí xong rồi dân không tin các vị sử dụng đúng mục đích đâu, rồi lại tiếp tay cho tệ tham nhũng thôi (?) Theo cá nhân tôi, khi sử dụng phí của nhân dân đóng góp đề nghị các cơ quan chức năng phải báo cáo hàng quý trên phương tiện thông tin đại chúng xem vốn đó chi vào việc bảo trì cho đoạn đường nào, sửa chữa đoạn đường nào… để nhân dân cùng giám sát.  Đã thu phí theo phương pháp này rồi thì phí thu theo xăng dầu trước đây các ngài xử lý như thế nào? Liệu có giảm giá xăng dầu đi không và giảm bao nhiêu? Thu phí đường bộ như này sẽ kéo theo việc tăng giá nhiều đối với dịch vụ vận tải, như thế người dân lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt ra được. Lên mạng đọc báo lúc nào cũng thấy phí và phí, nản lòng dân lắm rồi các ngài ạ!” - Minh:  huymao@yahoo.com

 

“Hơn ai hết, chắc chắn Bộ Tài chính thừa biết thu qua xăng dầu rất công bằng, nhưng lại không đáp ứng được mục đích...TẬN THU. Lạ thật! Thế kỷ này rồi mà các vị vẫn không chú trọng vào nghiên cứu tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó sản xuất ra những sản phẩm công nghệ mang lại lợi nhuận, làm giàu cho dân, cho nước. Mà lại đi nghiên cứu các loại Thuế + Phí thì bao giờ đất nước mới thịnh vượng được đây??? Phát triển đất nước bằng cách TẬN THU các loại Thuế + Phí từ dân ư? Khác nào quả bóng lồi chỗ nọ thì lõm chỗ kia (lồi ngân sách nhà nước thì lõm túi dân, mà cũng chẳng biết bao nhiêu % vào ngân sách?) Sẽ chẳng bao giờ quả bóng…to hơn được đâu” - Tran Trung:  cumoi_xaihet@yahoo.com
 
Phú quý giật lùi

 

Phú quý giật lùi

 

Nhân nói tới hình ảnh “quả bóng”, lại chợt nhớ tới lời một ca khúc mầm non: Quả bóng tròn tròn, quả bóng xinh xinh/Giữa thảm cỏ xanh sao bóng đứng một mình…Và lại chạnh nghĩ: Cũng thật tội cho các vị giới chức giờ vì… quá mẫn cán lo Thu và Thu mà mất dần mất mòn chỗ đứng trong lòng dân. Tới mức nói gì hầu  như cũng bị nghi ngờ, bị phản bác, mong chi “khó vạn lần, dân liệu cũng xong”?

 

“Tôi dự đoán là phần lớn tiền sẽ phí phạm vào bộ máy thu phí, cuối cùng lại vẫn thất thu thôi. Nên nghiên cứu và xem lại bộ máy một cách chi tiết rồi thu phí sau” - Phương Nguyễn:  phh_vn@yahoo.com

 

“Tôi đề nghị: Bộ GTVT nên điều chỉnh tên của loại phí này thành ‘Phí bù đắp… ngành GTVT’. Nhưng vẫn không tin được các ông có thể làm như thế với dân... Nhất là cái cách phạt (bị dừng lại, kiểu gì dân chả có lỗi để bị phạt khi giấy tờ xe đã nằm trong tay người của các vị rồi) người dân xong, còn bị đe ‘hành’ tiếp phải đi đến cái nơi… phạt để đóng phạt, thế có hợp lí không??? Như nhiều người đã phản ánh, các vị cứ lập ra tài khoản để người dân đóng phạt và đóng phí, thì đời nào còn có chuyện mãi lộ nữa? Song đúng là vẫn không có tinh thần cầu tiến gì cả, thời đại này rồi mà vẫn thích cách làm thủ tục ‘hành dân’???” - Nam:  nvan@slb.com

 

“Tại sao  nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải chống lãng phí, phải tinh gọn bộ máy, phải có hiệu suất công tác cao... thì vẫn không thấy ai thực hiện? Bây giờ 2 Bộ Tài chính và GTVT lại đề nghị các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện thu phí với xe ô tô, mô tô? Trong khi nếu thu phí vào xăng tiêu thụ thì quá đơn giản, không phải thành lập ban bệ. Chứ tổ chức thu phí như ý các vị chắc chắn là rất rườm rà và mất thời gian của cả người thu lẫn người nộp. Việc này làm lãng phí nhân lực, gây phiền hà cho mọi tầng lớp xã hội. Tại sao nói lấy ý kiến người dân và các địa phương để có chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, nhưng các bộ ngành lại không làm như vậy? Còn Chính phủ cũng không thấy tiếp thu ý kiến của dân gì cả?” - Vũ Quang Vinh:  vuquangvinh5123@yahoo.com.au

 

“Cần có một Tài khoản PHÍ ĐƯỜNG BỘ công khai để mọi người tự giác nôp vào đó. Sẽ đỡ chi phí thu loại phí này bao nhiêu và tiền cũng sẽ được cho vào quỹ hết để sử dụng làm ĐƯỜNG TỐT HƠN. Người nào không nộp theo hình thức này thì có thể nộp ở nơi cư trú như mua Bảo hiểm y tế,  tránh phải chi phí cho người đi thu, càng tốt hơn là tránh được thất thoát làm giảm chi phí. Tôi làm công tác tài chính lâu năm, có chút kinh nghiệm trao đổi như vậy” - Đỗ Kim Hưng:  dokimhung182@yahoo.co.uk

 

“Tôi mong muốn nhà nước chia sẻ bớt với dân. Tình hình kinh tế hiện nay rất xấu, cuộc sống của tôi đang bị xáo trộn, thu không đủ chi. Tôi phải tiết kiệm hết sức mà cứ thấy hết phí này tới phí khác, nhiều lúc nản tôi chỉ muốn… chết đi cho xong. Tôi cũng muốn tìm cái gì để có thu nhập thêm cho cuộc sống có màu hồng  mà… bó phép. Làm công việc chính đã bị cắt giảm, công việc làm thêm bói đâu ra? Trong khi người thất nghiệp thì quá nhiều, nên cứ nghe nhà nước thu thêm gì phải tốn đến tiền là.... đầu nhức như bị rang”- Thanh Thao:  thanhthao666@yahoo.com

 

“Nên đánh vào thuốc lá, bia, rượu ... là những mặt hàng có hại cho sức khỏe của dân tộc. Hoặc đánh vào những mặt hàng nhập khẩu xa xỉ hay những loại trong nước SX được để khuyến khích hàng hóa trong nước phát triển. Đánh thuế hẳn 300% cũng được. Chứ cần gì phải đánh vào… dạ dày (bé nhỏ) người dân Việt của  tôi!” - Thai:  thobqldatb@gmail.com

 

Câu hỏi đó… chí lý! Nhưng nói theo ngôn ngữ teen hiện nay thì phải hỏi ngược lại: Các bác nói…cứ như đúng rồi ấy. Quả đắng dân không ăn, thì dễ thường muốn được ăn quả ngọt chắc??? Mà hình như đâu chỉ có “quê hương là chùm khế ngọt” nhỉ, dân ta trong mắt các vị ra những quy định "hành là chính" ấy còn là chùm quả ngọt hơn...khế nhiều.

 

Khánh Tùng