Vẽ lại bức tranh xe buýt VN đẹp hơn

(Dân trí) - Hình ảnh xe buýt ở nước ngoài sạch sẽ, thân thiện, văn minh, tiện lợi… cho đa số người dân bao nhiêu, dường như càng làm nổi hơn những nét thực sự là còn “xấu xí” của cũng những chiếc xe đó ở VN. Đáng buồn hơn điển hình lại là xe buýt Hà Nội!

Vẽ lại bức tranh xe buýt VN đẹp hơn
Chen chúc là cảnh thường thấy trên xe buýt giờ cao điểm (Ảnh: Việt Hưng)
 
Nỗi sợ "hung thần"
 

Nhớ lại cái thời Hà Nội còn leng keng xe điện… Lũ trò nhỏ nghịch ngợm chúng tôi khi đó đi khắp thủ đô chủ yếu chỉ dùng xe “căng hải” (hai cẳng) là chính. Khi nào trong túi rủng rỉnh dăm xu, mới dám nghĩ tới thú được đi xe điện ngược lên Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân, lượn hàng giờ ngắm hàng hóa bày bán san sát khắp hàng Đào, hàng Ngang… Rồi đi tiếp tới tận Hà Đông, hoặc xuôi xuống phố Huế, Bạch Mai, ghé chợ Mơ… Ngày ấy tuy đa số túi thường lép kẹp, nhưng nạn trộm cắp trên xe điện cũng đã khiến nhiều người e ngại rồi. Tuy nhiên đạo chích hành nghề cũng kém tinh vi hơn bây giờ, ai đi xe điện nhiều đều thuộc mặt chúng.

 

Rồi phố phường dần trở nên chật hẹp vì có thêm nhiều người dân sắm được xe đạp, lác đác xe máy chủ yếu của giới buôn bán giàu có hơn hoặc những người đi nước ngoài đem về. Chiếc xe điện gần như bị thừa, bởi chỉ thu hút được đa số là các bà, các mẹ buôn thúng bán mẹt muốn chuyên chở hàng hóa cồng kềnh với giá cực rẻ. Còn lại là người ngoại tỉnh về Hà Nội tham quan hoặc học sinh, sinh viên đi “cọp” vé tàu là phụ, mà cái chính là muốn được hưởng cảm giác mạnh khi quăng mình nhảy xuống trong lúc tàu vẫn đang chạy ầm ầm…

 

Xe điện đi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những chiếc xe buýt chói mắt với hai màu vàng – đỏ chạy nghênh ngang trên đường phố thủ đô. Thời gian đầu nhiều người hoan nghênh lắm, vì thấy giá rẻ, không phải phơi mặt ra mưa, ra nắng, hít bụi, ngửi khói xăng…

 

Nhưng cũng rất nhanh, người ta trở nên sợ xe buýt đúng là như sợ hung thần. Lý do thì như một số bạn đọc đã nêu: Đi xe buýt một lần là “tởn” đến già luôn. Những cái xấu của xe buýt HN hiện nay đã có rất nhiều người phản ánh rồi. Và cũng bởi vậy mà trước chủ trương (không biết đã được nêu ra lần thứ bao nhiêu) của ngành GTVT kêu gọi người dân ủng hộ để chuyển sang sử dụng xe buýt, đa số ý kiến vẫn nói KHÔNG!

 

Lời kêu ca, phàn nàn, thậm chí cả tố cáo nhiều vô kể và chúng ta cũng đã được biết từ rất lâu rồi. Sau đây chúng tôi chỉ dẫn thêm vài nét chấm phá bức tranh xe buýt hiện tại của Hà Nội, qua nét cọ của các “họa sĩ” không chuyên từng trải cảnh xe buýt:

 

“Hôm qua, tôi chưa kịp bước lên xe thì lái xe 07 đã đóng cửa làm tôi bị kẹt giữa 2 cánh cửa. Đã thế lái xe còn mắng tôi là: xe đông không cho lên (trong khi xe chỉ có vài người đang đứng), rồi mới mở cửa cho tôi xuống. Thái độ lái xe không còn gì để nói...” - Meo:  bachduong_hmu@yahoo.com.vn

 

“Tôi cũng nhiều lúc khiếp vía vì xe bus. Không những đi ẩu, gian lận không xé vé, lại còn kiểu văng tục, chửi bậy của cả lái xe và phụ xe nữa. Có hôm tôi đi xe 27 đến cuối bến trên Nam Thăng Long, khi tới bến lái xe giục hành khách xuống và chửi bậy: "Chúng mày ngồi chảy...ra”. Eo, tôi nghĩ mà ghét. Không biết họ được giáo dục thế nào nữa. Tôi mong xe bus sớm lấy lại được thiện cảm của mọi người” - Dân đen: toan071089@gmail.com

 

“Nói thật là không còn phương tiện nào khác để lựa chọn, chứ xe buýt ở Hà Nội giống như xe khách Việt Nam những năm 80. Cũ kỹ, rách nát, dơ bẩn...Còn nhiều lái và phụ xe thì đúng là không thể chấp nhận. Nếu muốn thay đổi, theo tôi, có lẽ phải thay thế 90% xe kém chất lượng, đồng thời thay thế tới 90% lái xe và phụ xe. Điểm cốt lõi quyết định vẫn là lái và phụ xe, mà hiện nay ở Hà Nội tôi thấy đa số họ làm người dân thấy không thể chấp nhận được. Tôi cũng ngạc nhiên là làm thế nào mà họ vẫn tồn tại một cách bình thường mãi được như vậy nhỉ?” – Pham Hien:  muontimemyeu52@yahoo.com

 

“Tôi lớn tuổi rồi. Đã vài  lần bị lái xe, phụ xe hành hung, không cho xuống đúng bến, bắt đi bộ khá xa dù chân tôi bị đau khớp. Đi trên xe mà thấy các ông bà lớn tuổi còn bị những nhân viên chỉ đáng tuổi con cháu mình chửi tục nhiều lần, chỉ còn biết dặn con cháu ra đường ở ta thì phải coi những người đi trước mình như… cha mẹ (hoặc… điên). Hoặc có mắt mà phải như không thấy, có tai như không nghe, có miệng nhưng phải biết im lặng…thì mới trụ nổi cho đến khi về già… Tôi hoàn toàn không tin tưởng ngành này có thể thay đổi được cách phục vụ của các nhân viên đâu… Tôi dám cá với BT Thăng: nếu ông làm được điều đó, chúng tôi sẵn sàng tôn vinh ông suốt đời…” – Nguyễn Kiều:  akieu45@yahoo.com

 

“Tớ là sinh viên, trung thành với xe bus mấy năm liền và cũng không ít lần gặp trường hợp phụ xe có lời lăng mạ khách. Có xe thì lái xe toàn nói những chuyện bậy bạ không nghe nổi khi trên xe có đủ mọi lứa tuổi. Mình nghĩ dừng đỗ đón khách cũng nên chấp hành đúng quy định, chứ không phải khách chưa lên được xe mà lái xe đã cho xe chạy. Giả sử có khách bị đau chân mà phải lên xuống xe kiểu đó thì đúng là sớm nhập viện” -   Huong Nguyen:  chip_alone187@yahoo.com.vn

 

“Tôi đang sống và làm việc tại Hàn Quốc. Qua báo điện tử Dân trí có thể tôi đã nhìn nhận được một phần nào đó về giao thông của nước ta. Có thể nói rằng giao thông nước ta giờ như là một bệnh về ý thức chấp hành của hành khách và các tài xế, phụ xe. Nếu các bạn đã từng đi xe bus hay các phuơng tiện công cộng của các nước, các bạn có thể thấy rõ sự yếu kém về ý thức công cộng của nhiều người dân nước ta như thế nào. Không phải nước ta không có đủ xe, không có đủ đường cho xe chạy. Mà các cơ quan chức năng hãy xem lại những chiếc xe và cả những con đường đã đủ cho lưu thông chưa ạ? Nào là xe bus nhả khói đen, đường ổ gà, ổ voi thì vô kể. Cộng thêm đó là sự thiếu ý thức của tài xế và phụ xe... Thật sự là… kinh khủng khi nghĩ về những điều này” - Nguyễn Anh Quân:  thieugiabuon.kr@gmail.com

 

“Cái gì độc quyền đều thế cả. Chất lượng kém, phục vụ kém, lái xe ẩu, thiếu văn minh. Theo tôi, bus Việt Nam thể hiện rõ 1 hình ảnh như của thời còn bao cấp” - Nguyen Hung: capi_hh@yahoo.com chốt lại.

 
Vẽ lại bức tranh xe buýt VN đẹp hơn
Xe buýt có thang nâng cho người khuyết tật là một chương trình thể hiện tính nhân văn của ngành giao thông TPHCM 
 

Xóa hình ảnh xấu

 

Xe buýt giờ đây bị nhiều người gán cho biệt danh “hung thần” đường phố (như kiểu “hung thần xa  lộ” với xe tải, xe khách đường dài, xe container). Suy luận thêm về hai từ này để đi tới bản chất của vấn đề xe buýt, nhiều ý kiến phân tích sâu và rõ hơn:   

 

“Xe buýt không phải là hung thần, mà là nhiều lái và phụ xe mới là hung thần. Chiếc xe biết gì đâu mà nói xe buýt là hung thần, phải nói "tài xế lái xe buýt thiếu đạo đức mới là hung thần" cho đúng nghĩa…” -  Trần Long Huỳnh:  toro_cnc@yahoo.com

 

Không phải người dân luôn quá ác ý khi nói về xe buýt đâu, bởi dù chê trách nhưng cũng vẫn có những người tỏ ra thông cảm và hiểu những cái khó của ngành dịch vụ luôn được ví với “làm dâu trăm họ”này. Từ đó họ đưa ra những khuyến cáo và góp ý cụ thể với từng khía cạnh cần sửa đổi, cải tiến để bức tranh xe buýt trở nên đẹp hơn, có sức hấp dẫn hơn.

 

“Tôi thấy mọi người cũng chỉ biết nói người khác, mà lại không xem lại bản thân khi đi xe bus. Ví dụ  thứ nhất là mọi người khi lên xe có bao giờ chỉ lên bằng cửa trước mà chưa từng lên của sau? (trong khi quy định là lên cửa trước, xuống cửa sau). Thứ 2 là khi trên xe là buôn chuyện cho thỏa thích. Đấy mới là hai ví dụ cơ bản, nhưng những điều đó cũng đủ gây áp lực cho lái và phụ xe rồi. Ngược lại, nhiều lái và phụ xe lại thiếu nhiệt tình, hay nói nặng lời thay cho lời nói văn minh.Tôi là người ngày nào cũng đi xe bus, nên tôi mong mọi người dân cũng như lái, phụ xe đều nên tự xem xét lại bản thân để cùng điều chỉnh mình. Có vậy đất nước Việt Nam mình mới văn minh… Tôi tin rằng cùng có thiện chí thì mọi người sẽ làm được…” - Kinglucky: khonglakhong20012001@yahoo.com

 

“Sao mọi người lại nghĩ xấu về xe bus thế? Mình là người hay đi xe bus, mình thấy chính người đi mới làm cho các lái và phụ xe cảm thấy bực mình nhiều hơn. Mà chúng mình là sinh viên, phương tiện đi lại chính là xe bus vì giá cả hợp lý. Với thời buổi như bây giờ khi giá cả ngày càng đắt đỏ, còn xe bus vẫn không tăng giá thì thế là tốt rồi. Mình nghĩ những người ít đi xe bus thì không thấy được cái lợi từ việc đi xe bus thôi” - Vũ Huyền Trang:  trangcaokeu@yahoo.com

 

“Nhất trí ủng hộ quyết tâm của Thành phố. Tình trạng ùn tắc giao thông phần lớn do ý thức của người điều khiển phương tiện. Tôi quan sát thấy những phương tiện vô ý thức nhất là xe buýt, taxi và xe công vụ. Họ không gương mẫu thì các phương tiện khác cũng vậy thôi. Nó làm xấu hình ảnh của Thủ đô” – Phannt: phantuong@yahoo.com

 

“Thưa ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Tôi nghĩ, muốn xóa bộ mặt xấu xí của xe bus thì không chỉ cần cải thiện thái độ phục vụ của lái, phụ xe. Mà còn cần cải thiện những vấn đề sau. Ví dụ như cần học hỏi kinh nghiệm tốt của các nước có giao thông xe bus tiên tiến, áp dụng các công nghệ tiến tiến vào thanh toán cước, quy định xe bus được chở bao nhiêu người trên chuyến, bỏ bớt tay nắm trên xe để tránh tình trạng quá tải dẫn đến chen lấn xô đẩy. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ xe, thay thế nội thất  xe khi hỏng và xuống cấp. Loại bỏ những xe xả khói đen kịt gây ô nhiễm môi trường. Có biện pháp bảo vệ người dân trước những tệ nạn móc túi, lừa đảo trên xe. Có như vậy bộ mặt xấu xí của xe bus mới được xóa bỏ. Nếu làm được như vậy, tôi tin chắc không những tôi mà còn rất nhiều người sẽ từ bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang xe bus dù giá vé có tăng” - Vinh999:  vinhnt1978@gmail.com

 

Dẫu vậy, với những thói quen đã tồn tại từ rất lâu, nhất là nỗi lo sợ trước hình ảnh “hung thần” đã từ lâu in đậm trong tiềm thức, nên có vẻ như bức tranh xe buýt dù đã được hứa hẹn nhiều rằng sẽ đẹp hơn, vẫn chưa gây được hiệu quả cần thiết với đa số người dân.

 

“Việt Nam mình khó sử dụng xe buýt làm phương tiện công cộng trong tương lai gần. Người VN mình đa số còn thiếu ý thức, trong khi các tệ nạn vẫn lẩn quất trên xe buýt. Việc phát triển hệ thống xe buýt không khéo lại kéo theo khả năng sau đó phải lo giải quyết mớ sắt vụn này. Người VN thích sử dụng phương tiện cá nhân hơn là phương tiện công cộng, vì từ lâu ai cũng thấy rõ rằng đã là công cộng thì ít ai có ý thức giữ gìn ở nước ta” - Đào Văn Điệp:  diepkt7@gmail.com

 

“Hà Nội là nơi đất chật người đông, xe bus nhỏ nhưng thái độ của lái xe và phụ xe không văn minh lắm. Còn trong HCM thì lại khác vì chủ yếu được trang bị xe to, lên ngồi rất thoải mái. Đăc biệt rất ít xe có phụ lái, bác tài vừa lái vừa thu tiền luôn. Trong này được xã hội hóa trong ngành giao thông công cộng, các đơn vị được cùng tham gia làm dịch vụ. Còn tại Hà Nội thì tôi thấy vẫn có xu hướng là độc quyền” – Cao Sang:  sangtechcom08@gmail.com
 
Vẽ lại bức tranh xe buýt VN đẹp hơn
Sẵn sàng cho văn minh xe buýt (ảnh: Hanoingaynay.vn)
 
Nhân tố con người
 

“Hà Nội nên học hỏi mô hình xe buýt và giao thông ở Brisbane, Australia. Rất tuyệt vời. Tôi đang học tập ở bên này nên gợi ý như vậy (xin đăng dùm nhé)” - Khánhtn:  khanh1899@gmail.com

 

“Theo tôi, xe buýt cũng nên để tư nhân tham gia cùng làm dịch vụ, Nhà nước chỉ nên giữ vai trò quản lý. Chứ để các cơ sở của nhà nước kinh doanh, tôi e là sẽ không thể tốt lên được vì… cha chung không ai khóc mà” – Quang Hai:  quanghai@yahoo.com

 

“Công ty xe buýt cần tổ chức hướng dẫn cách ứng xử với hành khách cho lái xe và phụ xe. Nhân tố con người cần được chú trọng đầu tư thì sẽ tránh được việc phải xử lý vi phạm. Không ai muốn đợi đến khi vi phạm rồi xử lý đâu” - Tien Thanh:  hnpharm@yahoo.com

 

Bức tranh xe buýt VN dù thế nào cũng phải thay đổi, để dù ít dù nhiều cũng phải dần đẹp lên trong mắt mọi người dân theo xu thế chung của thời đại. Nhưng mà... đúng là với thực tế tình hình của VN, cũng thật khó cho người dân có thể tin tưởng để lựa chọn xe buýt thay cho xe cá nhân lắm.

 

Khánh Tùng