Bạn đọc viết:

Tuyển dụng nhân sự - "Đầu ra" phải sàng lọc

(Dân trí) - Tôi thấy vấn đề rõ như ban ngày, có gì mà phải tranh cãi nhiều. Chỉ có ngụy biện thì mới cho rằng những người không đỗ quốc lập được "vét" vào dân lập có trình độ ngang ngửa với quốc lập. Hiển nhiên trong đó sẽ có một số khá thật, nhưng không nhiều…

Tuyển dụng nhân sự - "Đầu ra" phải sàng lọc - 1
(Ảnh minh họa: merapgroup.com.vn)

 

Thứ nhất, loại hình tại chức là để giải quyết nhu cầu cán bộ thời kỳ chiến tranh, đất nước mới giành được độc lập. Khi đó người đi học là học thật sự, nên kiến thức thu được là thật. Còn hiện tại học tại chức ai cũng biết chủ yếu là học phong bì, học xong có thân có thế là chiếm chỗ của người học chính qui. Thậm chí còn có những người về làm lãnh đạo. Các trường thì coi hệ đào tạo này như nồi cơm của họ. Tôi nghĩ bộ GD-ĐT nên khai tử ngay loại hình đào tạo này vì sứ mệnh lịch sử của nó đã kết thúc từ lâu.

 

Thứ hai, loại hình ngoài công lập thì ngoại trừ trường FPT và một vài trường khác, ai cũng thấy các trường này chất lượng kém hơn các trường quốc lập. Cụ thể chất lượng đầu vào, đội ngũ giáo viên (đi thuê các trường quốc lập) là chủ yếu, cơ sở trường lớp cũng thường là thuê mượn.

 

Chỉ trong vòng hơn 10 năm qua mà số trường đại học, cao đẳng đã tăng từ hơn 100 trường lên hơn 400 như hiện nay. Tôi cũng không hiểu chính sách GD-ĐT của nước ta hiện như thế nào. Có những trường mấy năm trước còn là trường trung cấp, cao đẳng thế mà mấy năm sau đã gắn biển cao đẳng, đại học. Tôi không hiểu giáo viên họ đào tạo ở đâu ra mà nhanh thế, hay là dùng giáo viên dạy nghề, giáo viên trình độ cử nhân cao đẳng để đào tạo cử nhân cao đẳng, cử nhân đại học và các kỹ sư?

 

Theo tôi, ngoài hệ tại chức cần loại bỏ ngay, thì các trường đại học cao đẳng mới thành lập gần đây có chất lượng cũng chỉ ngang các trường dân lập, nên cần xem xét nghiêm túc về chất lượng. Phong trào thành lập trường cao đẳng, đại học phát triển rầm rộ. Hầu như tỉnh nào cũng thành lập, vì việc xin giấy phép và cấp phép quá dễ dàng như vậy liệu có nên chăng?

 

Trở lại vấn đề được dư luận xã hội quan tâm ở trên là việc một số địa phương từ chối tuyển người tốt nghiệp các hệ tại chức và dân lập. Theo tôi, đó là họ căn cứ chủ yếu vào chất lượng đào tạo. Chỉ có ngụy biện thì mới cho rằng những người không đỗ quốc lập được "vét" vào dân lập có trình độ ngang ngửa với quốc lập. Hiển nhiên trong đó sẽ có một số khá thật, nhưng không nhiều.

 

Tôi không hiểu có một số trường cao đẳng, đại học mà sinh viên tốt nghiệp có tỉ lệ khá giỏi đạt tới hơn 70%. Có trường cá biệt tới hơn 90%. Có lẽ sinh viên các trường đó toàn "siêu" cả? Trong khi các trường có chất lượng trung thực chỉ khoảng hơn 10% khá, giỏi.

 

Tôi ủng hộ quan điểm một xã hội học tập, ai có nhu cầu học tập đều được đáp ứng. Đầu vào có thể không cần thi, nhưng đầu ra phải sàng lọc với cùng một tiêu chuẩn như nhau (rất tiếc việc này ở nước ta hiện giờ chưa làm được). Vậy các bạn dân lập muốn để các cơ quan tuyển dụng không từ chối, hãy khẳng định năng lực của mình bằng việc thi "đậu" vào các trường quốc lập trước đã!

 

Vũ Văn Tuyến 

email:  Vuvantuyen.hp@gmail.com